Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quản Lý Chất Lượng Con Giống

Quản Lý Chất Lượng Con Giống
Ngày đăng: 24/08/2013

Việc tăng cường giám sát chất lượng con giống là yêu cầu bức thiết hiện nay của ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành đang dồn sức triển khai đề án tái cơ cấu.

Buông lỏng quản lý

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang quản lý 43 cơ sở nuôi giữ giống gốc vật nuôi để cung cấp cho sản xuất. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi đã được quy định tại Pháp lệnh Giống vật nuôi. Cục Chăn nuôi cũng đã ban hành những tiêu chí của một cơ sở giống đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi pháp lệnh này không hiệu quả.

“Các cơ sở sản xuất giống của nhà nước thì hoạt động bài bản nhưng cơ sở tư nhân khó bảo đảm chất lượng. Nhà nhà làm giống nên chất lượng con giống không bảo đảm. Hiện chỉ có khoảng 50% số lợn đực giống được kiểm tra, số còn lại đều do người dân tự quản lý và phối giống. Điều này dẫn tới hệ lụy là chất lượng giống kém”, TS Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi nêu thực tế.

Điều bức xúc nhất hiện nay là mặc dù đã có tiêu chí quy định cơ sở như thế nào thì mới đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, nhưng thực tế việc kiểm soát, quản lý và cấp phép hiện nay chưa tốt. Chưa có cơ sở nào trên toàn quốc bị đình chỉ hoạt động vì không đủ tiêu chuẩn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống vật nuôi không được kiểm soát chất lượng xuất hiện tràn lan. Khi ra thị trường, các con giống tốt bị trà trộn với con giống kém chất lượng, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc phải lựa chọn con giống đưa vào sản xuất.

Một điểm bất cập nữa là hiện tượng nhập lậu con giống gia súc, gia cầm tại các tỉnh biên giới phía bắc vẫn diễn ra phổ biến.

Bộ NN&PTNT cho biết, việc nhập lậu gia cầm chưa ngăn chặn được triệt để. Hệ quả là giống vật nuôi khi tuồn vào nội địa theo con đường này đều khó có thể đảm bảo chất lượng. Việc nhập lậu con giống còn mang theo mối nguy dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước.

Chấn chỉnh

Ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, công tác giống là biện pháp rất quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Ông Trúc kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần tăng cường quản lý chất lượng giống gia súc, gia cầm; chỉ đạo các địa phương kiểm tra, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới công tác giống; trước mắt là chuẩn bị lộ trình để từ giữa năm 2015 trở đi, Bộ và các địa phương phải quản lý được các cơ sở sản xuất con giống và các cơ sở này phải cấp giấy chứng nhận các sản phẩm giống khi đưa ra sản xuất.

Đại diện lãnh đạo Viện Chăn nuôi cho rằng, để quản lý được chất lượng giống vật nuôi, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hiện đã có Pháp lệnh Giống vật nuôi, nhưng pháp lệnh này phải được bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống để phù hợp với thực tế sản xuất. “Đối tượng chính phải hướng đến là các trại giống. Không thể để tình trạng con giống không được kiểm tra năng suất cá thể mà vẫn được cho đi phối giống, vì việc này ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi”.

Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn các cơ sở sản xuất giống. Cụ thể, các cơ sở do cấp tỉnh và Trung ương (cụ thể là Bộ NN&PTNT) quản lý mới được phép sản xuất giống đời cụ kị, ông bà. Còn đối với việc sản xuất con giống bố mẹ, giao cho các doanh nghiệp, trang trại tư nhân thực hiện. Theo đó, những cơ sở này mua con giống cụ kị, ông bà ở các cơ sở của nhà nước về để sản xuất ra con giống bố mẹ và con thương phẩm. Việc này không chỉ giúp cho các cơ sở nuôi giữ con giống cụ kị, ông bà bán hết được con giống gốc tốt, mà còn giúp ngành chăn nuôi phát huy được ưu thế lai.

Một biện pháp quan trọng không kém là rà soát, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa các trạm thụ tinh nhân tạo, các cơ sở cung cấp con giống. Theo ông Thiếu, các sở NN&PTNT phải tăng cường kiểm tra các tiêu chí đối với trang trại, cơ sở sản xuất giống. Các tỉnh nên thành lập Chi cục Chăn nuôi - Thú y và có phòng quản lý về giống vật nuôi. Như vậy, việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống sẽ tốt hơn.

Để giảm thiểu, tiến tới chặn việc nhập các giống kém chất lượng từ ngoài biên giới vào thì một mặt, các lực lượng chuyên ngành như hải quan, biên phòng cần kiểm tra giám sát việc nhập lậu; mặt khác, các địa phương khu vực biên giới cần đầu tư xây dựng cơ sở giống. Theo khảo sát, hiện nay, hầu hết các tỉnh biên giới đang “trắng” điểm sản xuất giống.


Có thể bạn quan tâm

Tiếp sức cho cây chè Kỳ Thượng Tiếp sức cho cây chè Kỳ Thượng

Với những kết quả mang tính đột phá từ các dự án sản xuất cây trồng ngắn hạn và dài hạn trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian gần đây, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến chuyện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn VietGap .

06/10/2015
Tổ Tư vấn xây dựng NTM - Bà đỡ mát tay Tổ Tư vấn xây dựng NTM - Bà đỡ mát tay

“Mạnh dạn phát triển SXKD - thiếu vốn, thiếu kiến thức hãy đến với chúng tôi”. Đó là “khẩu hiệu” của Tổ Tư vấn chính sách xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang dần trở nên quen thuộc, trở thành “bà đỡ mát tay” đối với người nông dân Hà Tĩnh.

06/10/2015
Xuất hiện dịch lở mồm long móng trên trâu bò ở Hương Khê Xuất hiện dịch lở mồm long móng trên trâu bò ở Hương Khê

Ông Bùi Thức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khẳng định: Có 43 con trâu, bò bị mắc bệnh dịch lở mồm long móng (LMLM) tại xóm 4, xã Phương Điền .

06/10/2015
Khai trương đại lý máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Kubota Khai trương đại lý máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Kubota

Sáng 3/10, tại xã Thạch Long (Thạch Hà), Công ty TNHH Thương mại tổng hợp và dịch vụ Huệ Minh tổ chức khai trương đại lý máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Kubota tại Hà Tĩnh.

06/10/2015
Sống lại miền đất chết Sống lại miền đất chết

Hơn 10 năm trước, 105 hộ dân nghèo xóm Tân Phong, xã Thạch Bàn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) khấp khởi mừng khi dự án hỗ trợ nuôi tôm của Đan Mạch với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng được triển khai.

06/10/2015