Quản Lý Bệnh Hại, Phát Triển Thanh Long Bền Vững
Tình hình dịch bệnh
Chỉ tính trong nửa đầu năm 2014, diện tích thanh long trồng mới ở các địa phương khoảng 3.376 ha, đưa diện tích thanh long toàn tỉnh lên 23.927 ha. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, đồng nghĩa với tình hình sâu bệnh hại xảy ra trên thanh long ngày càng phức tạp, nhất là bệnh đốm trắng, thán thư, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Cụ thể, đến giữa tháng 7/2014, diện tích bị nhiễm bệnh đốm trắng trong toàn tỉnh là 4.785 ha, ảnh hưởng lớn đến người sản xuất ở 5 huyện và TP. Phan Thiết. Vào mùa mưa, bệnh đốm trắng trên thanh long thường phát triển mạnh và lây lan nhanh. Mặc dù người dân đã sử dụng nhiều loại thuốc để phòng trừ nhưng kết quả phòng chống chưa mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật chủ động phối hợp các viện, trường và các trung tâm nghiên cứu sâu về bệnh đốm trắng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, trong mùa mưa 2014, bệnh thán thư cũng phát triển mạnh trên thanh long.
Nhiều vườn thanh long vừa có bệnh thán thư và bệnh đốm trắng phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho bà con và nhiều doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, diện tích thanh long nhiễm bệnh thán thư toàn tỉnh đã lên đến 5.132 ha, nặng nhất trong lứa thanh long chín đầu mùa mưa. Ngoài ra, một số loại sâu bệnh khác như rệp sáp, ruồi đục quả...là những đối tượng gây hại cho thanh long, bà con cần có biện pháp phòng chống.
Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm trắng
Vừa qua, tại hội nghị về thực trạng dịch bệnh và đề xuất giải pháp quản lý bệnh hại trong phát triển thanh long bền vững, do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Bình Thuận, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thanh long là cây trồng lợi thế của cả nước.
Tuy nhiên hiện thanh long đang phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh, nhất là bệnh đốm trắng. Qua đó, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, vấn đề tiêu thụ của loại trái cây này.
Vì vậy, biện pháp cấp bách hiện nay là canh tác tổng hợp. Trong đó, phải thực hiện phòng chống bệnh đốm trắng trên diện rộng, không thể chống dịch một cách riêng lẽ. Phải làm rõ nguồn lây bệnh để tìm giải pháp phòng trừ.
Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh hại trên thanh long, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới Bộ sẽ chủ trì thành lập Ban chỉ đạo về phát triển thanh long bền vững gồm các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đồng thời thành lập 1 tổ công tác liên quan đến vấn đề bệnh đốm trắng trên thanh long, với sự có mặt của các chuyên gia...
Trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình kỹ thuật (tạm thời) phòng chống bệnh đốm trắng, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất cây thanh long theo hướng sản xuất an toàn, bền vững. Cụ thể, về biện pháp canh tác, nông dân cần vệ sinh cỏ dại, tỉa cành cho vườn thông thoáng.
Thường xuyên kiểm tra vườn; không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bào tử nấm gây bệnh nảy mầm. Loại bỏ những cành, quả bị bệnh, thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy. Bón phân cân đối; tăng cường bón lân, kali và phân hữu cơ hoai mục để tăng sức đề kháng cho cây.
Đặc biệt, tuyệt đối không được lấy giống giâm chiết cành từ những khu vực bị bệnh; không vận chuyển cành, quả bị bệnh từ khu vực có bệnh sang khu vực khác. Về biện pháp hóa học, khi phát hiện bệnh đốm trắng mới xuất hiện, có thể sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ; tạm thời sử dụng các loại thuốc gốc Mancozeb hoặc gốc đồng như Cuprous Oxide, Copper Hydroxide... Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian khuyến cáo trên bao bì.
Hy vọng với những giải pháp được đưa ra, trước mắt của Bộ NN&PTNT, người trồng thanh long cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ hạn chế tối đa tác hại của sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo phát triển thanh long bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay đang vào đầu mua mưa- thời điểm các loài cá bắt đầu sinh sản. Thế nhưng, trên sông Vàm Cỏ Đông, nhiều người dân vẫn khai thác thủy sản bằng nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2015, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thả nuôi tôm chân trắng trên 180 ha. Trong khi tôm nuôi trong ao đất không mấy khả quan do tôm bị dịch bệnh thậm chí chết hàng loạt thì các hộ nuôi tôm chân trắng theo công nghệ cao ở địa phương lại đang rất phấn khởi vì tôm được mùa được giá.
Huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 62.000 ha. Từ tập quán nuôi tôm truyền thống đến nay người dân chuyển đổi sang hình thức nuôi có hiệu quả hơn.
Những ngày qua, dư luận trong và ngoài tỉnh không ngớt bàn tán xôn xao về giống gà lông xù có nguồn gốc từ Thái Lan được ông Nguyễn Tấn Đẹp (sinh năm 1950, ngụ ấp An Lợi, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nhập về nuôi hơn 3 năm qua.
Nhiều hộ nông dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã bước đầu nuôi thành công giống bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp. Đây là con vật nuôi mới chuyển đổi với nguồn vốn đầu tư không nhiều, nhưng lợi nhuận có chiều hướng tăng cao.