Phước Sơn mở rộng diện tích cây quế

Thời gian qua, mặc dù giá sản phẩm quế trên thị trường không cao nhưng người dân vùng cao Phước Sơn vẫn quyết tâm “bám” cây quế và đầu tư mở rộng diện tích. Ông Hồ Văn Bình (thôn 4, xã Phước Thành) có hơn 10ha quế. Nhiều năm qua ông vẫn quyết giữ lại số diện tích này vì cho rằng cây quế sẽ có ngày hưng thịnh trở lại.
Ông cho biết: “Trước kia, cây quế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do giá cả thị trường xuống thấp. Nhiều người trồng quế ở địa phương chán nản, không còn bỏ công chăm sóc, họ dần chuyển sang trồng loại cây khác, tuy nhiên cũng không dám chặt bỏ cây quế. Đến nay thì quế lại có giá, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác bắt đầu chăm sóc lại, thu hoạch quế và tiếp tục ươm giống trồng mới để mở rộng thêm diện tích. Hy vọng trong tương lai cây quế sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người dân”.
Những ngày qua, tại địa bàn vùng cao Phước Sơn, nhiều người dân bận rộn với việc đào hố, gùi giống quế lên rẫy để trồng. Ông Hồ Văn Kỷ (thôn 1, xã Phước Thành) chia sẻ, gia đình vừa bán vườn quế được 85 triệu đồng, giờ đang ươm cây mới để trồng thay thế vườn vừa thu hoạch. Trồng quế vất vả, phải trải qua nhiều khâu chọn lọc giống kỹ càng.
Hạt quế được chọn làm giống từ những cây phát triển tốt. Cuối năm, bà con thu hoạch hái hạt giống, phơi khô và cho vào các ống tre, nứa treo trên giàn bếp. Ðến đầu năm sau, bà con đem ươm hạt giống xuống đất để tạo cây con và đến mùa mưa đưa cây giống đi trồng trên các triền đồi, rẫy cao. “Người dân bây giờ có niềm tin với cây quế trở lại nên tích cực trồng thêm. Vùng này cũng như Trà My, rất hợp với cây quế, đất đai lại nhiều nên thời gian tới chắc sẽ có thêm những vườn quế được trồng mới” - ông Kỳ nói.
Theo ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, những năm qua, bên cạnh phát triển một số loài cây trồng mới như keo lá tràm, cao su... nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, Phước Sơn đã có chính sách bảo tồn và phát triển cây quế, khuyến khích người dân không chặt đốn cây quế khi giá trị xuống thấp. Hiện nay toàn huyện còn khoảng trên 1.000ha quế bản địa, được trồng chủ yếu ở 4 xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con phát triển vùng trồng mới lên khoảng gần 1.000ha nữa. Phương án bảo tồn và phát triển cây quế bản địa (Trà My) đã được huyện phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Theo đó, mỗi năm huyện dành khoảng hơn 150 triệu đồng cho việc quảng bá các sản phẩm quế của địa phương, liên kết với các doanh nghiệp thu mua quế giúp ổn định đầu ra cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Do những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua một số sâu bệnh đã bùng phát trên cây cao su gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Đặc biệt, tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) có hơn 40 ha cây cao su của nhiều hộ dân bị nhiễm nặng.

Những ngày này, ở các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch xoài, nhưng giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua, nông dân đang tìm mọi cách để gỡ tiền phân thuốc, tránh một vụ xoài trắng tay.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000 ha đất trồng chanh với nhiều loại giống khác nhau, tập trung nhiều tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy….

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang phối hợp Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức triển khai mở rộng xây dựng Dự án “Bệnh viện cây trồng”. Với các “bệnh viện” này, người nông dân đã có nơi để đưa cây trồng đến khám, chữa bệnh.

Từ giã đời binh nghiệp với Huy chương Chiến công Hạng 3, trở về quê nhà thừa hưởng 10 công đất cha mẹ để lại, anh đã thực hiện mô hình nuôi heo rừng, đào ao nuôi cá, nuôi gà, vịt, đạt thành tích nông dân (ND) SXKD giỏi.