Phước Hà (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo

Thế mạnh của Phước Hà là phát triển chăn nuôi bò, tuy nhiên do tập quán chăn thả, dựa vào đồng cỏ tự nhiên nên trọng lượng bò nuôi đạt thấp, hiệu quả không cao. Nhằm giúp bà con áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, năm 2012, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với xã Phước Hà triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo tại thôn Trà Nô cho 40 hộ dân.
Theo đó, mỗi hộ được vay 12 triệu đồng để mua bò, sau 18 tháng sẽ thu hồi lại gốc ban đầu để tiếp tục cho các hộ khác vay theo hình thức xoay vòng; các hộ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bò… Sau gần 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình đều rất phấn khởi vì bò phát triển tốt, đạt hiệu quả cao.
Trung bình mỗi cặp bò con mua ban đầu có giá từ 10 - 12 triệu đồng, sau thời gian vỗ béo có thể bán với giá 50 - 55 triệu đồng, lợi nhuận thu về được các hộ quay vòng để tiếp tục nuôi bò mở rộng quy mô. Anh Mang Hưng, hộ tham gia mô hình ở thôn Trà Nô cho biết: Gia đình mình được vay 12 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi vỗ béo, thông qua lớp tập huấn mình đã biết tận dụng các nguồn thức ăn rơm, lá bắp, trồng thêm cỏ cho bò ăn nên mau lớn. Hai con bò bán được 50 triệu đồng, thu lãi 30 triệu đồng và đã trả lại vốn cho chương trình. Hiện giờ, tái đàn lên được 4 con.
Qua tìm hiểu, mô hình nuôi bò vỗ béo ở thôn Trà Nô có hiệu quả hơn hẳn cách chăn nuôi truyền thống, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, đã có gần 30 hộ tham gia mô hình thoát nghèo, hầu hết các hộ đã hoàn trả lại vay ban đầu. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân trong xã cũng học tập làm theo. Anh Ma Năng Phước, ở thôn Giá chia sẻ: Gia đình tôi có 4 con bò nuôi theo hình thức chăn thả. Thấy các hộ nuôi bò vỗ béo có hiệu quả, nên tui học hỏi làm theo, bằng cách tách đàn những con bò ốm yếu để chăm sóc riêng, nên sau thời gian bò mập mạp, bán được giá cao hơn.
Đến nay, với số vốn thu hồi của 40 hộ dân ở thôn Trà Nô, xã đã chuyển qua cho 19 hộ vay mua bò ở thôn Giá và thôn Là A. Đồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Mô hình nuôi bò vỗ béo là thiết thực nhất, mở ra hướng đi phù hợp với lợi thế của địa phương. Hiện nay, xã đã triển khai nhân rộng mô hình ra các thôn khác. Từ các nguồn vốn đầu tư hàng năm của cấp trên và vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, xã sẽ tạo điều kiện cho nhân dân vay phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.

Dù ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại thủy hải sản phong phú, đa dạng, nhưng từ đầu tháng 2 cho đến cuối tháng 6 (âm lịch), ngư dân thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại chọn đánh bắt tôm hùm, mực nang... Chính hai loại đặc sản này đã mang lại thu nhập cao cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi...

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và có sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã đưa ra một số khuyến cáo nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm tại TP Móng Cái.