Phước An (Bình Định) thu nhập cao từ nghề nuôi bò vỗ béo

Theo ông Phan Khắc Sửu, Chủ tịch UBND xã Phước An, nông dân trên địa bàn xã bắt đầu chăn nuôi bò vỗ béo hơn 10 năm trước. Từ một vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề này đã phát triển rộng khắp tại tất cả các thôn như: Đại Hội, Quy Hội, An Sơn 1, An Sơn 2... Hiện tổng đàn bò toàn xã ổn định trên 3.800 con, trong đó bò lai chiếm trên 62% tổng đàn. Bên cạnh việc tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch, nhiều hộ đã trồng thêm cỏ để nuôi bò, mỗi lứa nuôi 2 - 3 con. Sau 3 - 4 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò cho lãi 10 - 15 triệu đồng, tạo thu nhập đáng kể cho bà con nông dân tại địa phương.
Ông Hà Thúc Chương, ở thôn An Sơn 1, có thâm niên hơn 10 năm nuôi bò vỗ béo, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi bò theo hình thức thả rông trên núi, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2005 đến nay, tôi đã chuyển sang nuôi bò vỗ béo, vừa rút ngắn thời gian chăn nuôi, thu nhập lại cao hơn nhiều. Mỗi lứa tôi nuôi 3 con. Để bò nhanh lớn, tôi chọn mua những con bò đực lai 10 - 12 tháng, tiến hành nuôi vỗ béo trong 6 - 8 tháng là xuất chuồng. Mỗi năm tôi nuôi gối đầu 2 lứa, với mức thu lãi 50 - 60 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi bò vỗ béo mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”.
Theo kinh nghiệm của ông Chương, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Khi chọn bò giống phải chọn bò lai, lưng bò rộng, bộ xương to, ức sâu, mông, bản lưng lớn, phàm ăn, răng phát triển từ 70% trở lên (tức là có 2 - 3 đôi răng). Trong quá trình nuôi, phải xổ giun sán; ngoài thức ăn thô xanh, còn cho bò ăn bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột bắp; thường xuyên tắm rửa vệ sinh sạch sẽ để bò mau lớn.
Ông Huỳnh Văn Quý, cũng ở thôn An Sơn 1, cho biết thêm: “Nguồn thức ăn để vỗ béo bò tại địa phương khá phong phú và dễ tìm. Ngoài rơm, rạ dồi dào sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp. Mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi tận dụng nguồn rơm, rạ để dự trữ làm thức ăn cho bò; kết hợp với thức ăn hỗn hợp như bột mì, cám, bột bắp làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi 60 - 70 triệu đồng từ việc nuôi bò vỗ béo”.
Ông Phan Khắc Sửu khẳng định, tuy nghề nuôi vỗ béo bò là nghề phụ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân Phước An. Bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên được nông dân chọn nuôi. Hơn nữa, nhiều năm gần đây, giá bò ổn định ở mức cao, đây là yếu tố quyết định làm cho nhiều hộ phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Trong thời gian đến, UBND xã sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nuôi vỗ béo bò; đồng thời xây dựng các điểm trình diễn, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người chăn nuôi nhân rộng mô hình kinh tế có hiệu quả này.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình ông Trần Văn Châu ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương đưa giống bơ ghép về trồng tại rẫy cà phê của gia đình.

Liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nhạc trưởng và nông dân là đối tác cùng chia sẻ lợi ích, thì hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả ổn định và lâu dài.

Ông Đặng Đình Thông, xóm 1, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết, nhờ giống ngô mới mà 5 sào ngô gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí giống, vật tư, công lao động còn lãi 12 triệu đồng.

UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.