Phục Hồi, Cải Tạo Vườn Tiêu Ở Gio Linh
Mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sau một năm thực hiện đã cho kết quả tốt. Từ kết quả ban đầu này đã giúp nông dân hiểu rõ các phương cách đầu tư trong trồng tiêu và lợi ích đầu tư thâm canh đưa lại.
Do giá hạt tiêu trên thị trường những năm trước đây biến động thất thường, nhiều năm liền giá tiêu ở mức thấp nên người dân thiếu vốn đầu tư chăm bón cho cây tiêu. Mặt khác, vì giá tiêu thấp nên không tạo được động lực cho người dân đầu tư chăm sóc cây tiêu, họ bỏ bê vườn tiêu trong thời gian dài làm cho nhiều vườn tiêu trong thời gian khai thác xuống sức nghiêm trọng dẫn đến năng suất giảm rất nhiều. Bình quân năng suất tiêu đại trà chỉ đạt khoảng hơn 10 tạ/ha.
Trong những năm gần đây, khi giá tiêu trên thị trường tăng lên, người dân quay trở lại chăm sóc vườn tiêu, song do vườn tiêu đã xuống cấp nhiều năm, người dân lại chăm sóc chưa đúng cách nên năng suất bình quân tăng không đáng kể, toàn huyện Gio Linh năng suất tiêu đạt 13,67 tạ/ha.
Nhằm giúp người dân khai thác tốt vườn tiêu sẵn có, sau khi thu hoạch xong vụ tiêu năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh tổ chức triển khai thực hiện mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu với diện tích 1 ha ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái.
Là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình, gia đình ông Trần Hữu Biện tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện. Ông sử dụng các loại men vi sinh ủ với phân hữu cơ bón cho tiêu đưa lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng độ mùn trong đất, bổ sung cho tiêu các yếu tố vi lượng còn thiếu, giúp cho cây tiêu phục hồi sức nhanh, bền, phát triển tốt và hạn chế được một số nấm bệnh gây hại.
Ông cũng được hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng phân hóa học thế nào cho đúng, cho cân đối giữa lượng đạm, lân và kali, ưu tiên phân bón tổng hợp có chứa các nguyên tố vi lượng, phân bón chuyên dùng cho cây tiêu.
Sau khi được hướng dẫn đầy đủ các biện pháp chăm sóc cây tiêu, ông Biện cũng biết sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nên vườn tiêu của ông không chỉ hạn chế được sâu bệnh gây hại mà còn giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, nhờ vậy chi phí sản xuất tiêu giảm đáng kể.
Nhờ biết cách chăm sóc tiêu theo đúng kỹ thuật nên vườn tiêu của ông Biện cũng như 9 hộ khác tham gia mô hình chỉ sau nửa năm chăm sóc đã thay đổi chất lượng, đến nay vào mùa thu hoạch, năng suất vườn tiêu của 10 hộ thực hiện thí điểm đạt cao hơn 40- 50% so với vườn đối chứng, thực thu đạt gần 18 tạ/ha.
Ông Nguyễn Nhuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thái cho biết: "Việc triển khai mô hình thí điểm phục hồi vườn tiêu đã đem lại cho nông dân nhiều lợi ích, không chỉ giúp họ nắm vững kỹ thuật chăm sóc tiêu mà còn nâng cao nhận thức về đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả đưa lại khả quan, trong năm tiếp theo, xã mong muốn huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân có điều kiện phục hồi hơn 70% số diện tích tiêu xuống cấp trong tổng số 26,7 ha tiêu của toàn xã”.
Huyện Gio Linh có diện tích gò đồi rộng lớn, trong đó phần lớn là phát triển cây cao su; cây hồ tiêu chỉ có 448 ha chủ yếu trong diện tích vườn của hộ gia đình. Trong điều kiện hiện nay khi giá mủ cao su xuống thấp thì việc tăng cường chăm sóc cây hồ tiêu theo các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.
Thông qua mô hình đã thay đổi nhận thức của nông dân về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp và bền vững trên cây tiêu, tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng.
Hiện nay, việc mở rộng trồng mới cây hồ tiêu không được nhiều và các vườn tiêu chưa đến lúc tái canh nên việc nhân rộng mô hình phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu là rất cần thiết. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để họ hiểu rõ và đầu tư chăm sóc vườn tiêu đúng cách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm
13 năm trước, vào thời điểm đầu năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng giống cam Vinh, cam Canh và bưởi Diễn tại cánh đồng bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. 3 năm sau, những quả ngọt đầu tiên đến với người nông dân Hồng Lếch Cang. Cam, bưởi sai trĩu cành, khách hàng, thương lái tấp nập kéo đến mua. Nguồn lợi từ bán cam, bưởi mang lại niềm hi vọng lớn cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, số diện tích lúa đã thu hoạch đạt trên 23 ngàn ha, năng suất 6,81 tấn/ha (thấp hơn 0,16 tấn/ha so với vụ trước). Số diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm hiện nay đang trổ chín và sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015 chiếm 50%, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm tháng 2-3 dương lịch.
Những năm gần đây, người dân xã Phú Hựu, huyện Châu Thành đã mạnh dạn chuyển đổi những mảnh vườn tạp không hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó chuối cau được xem là một loại cây cho thu nhập khá ổn định. Theo ước tính, mỗi năm 1ha đất trồng chuối cau có thể cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Gần một tháng nay giá quýt đường và cam soàn tăng mạnh. Cách đây khoảng 3 tháng giá quýt đường loại I có giá từ 16 ngàn - 18 ngàn đồng/kg, cam soàn cũng ổn định ở mức 25 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, thì hiện nay quýt đường loại I giá từ 28 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, cam soàn loại I ở mức giá cao ngất ngưỡng 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg.
Cứ mỗi sáng, các hộ nuôi tôm kẹt ở sông Chà Và, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phải vớt bỏ tôm chết, người ít thì vài ba ký, người nhiều cả chục ký. Với giá tôm trung bình 800 ngàn/kg, giá trị thiệt hại ước tính từ vài triệu đến gần chục triệu đồng/ngày. Đó là những gì mà các hộ nuôi tôm lồng bè trên sông Chà Và hứng chịu từ tháng bảy âm lịch đến nay.