Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phục Hồi, Cải Tạo Vườn Tiêu Ở Gio Linh

Phục Hồi, Cải Tạo Vườn Tiêu Ở Gio Linh
Publish date: Thursday. June 19th, 2014

Mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sau một năm thực hiện đã cho kết quả tốt. Từ kết quả ban đầu này đã giúp nông dân hiểu rõ các phương cách đầu tư trong trồng tiêu và lợi ích đầu tư thâm canh đưa lại.

Do giá hạt tiêu trên thị trường những năm trước đây biến động thất thường, nhiều năm liền giá tiêu ở mức thấp nên người dân thiếu vốn đầu tư chăm bón cho cây tiêu. Mặt khác, vì giá tiêu thấp nên không tạo được động lực cho người dân đầu tư chăm sóc cây tiêu, họ bỏ bê vườn tiêu trong thời gian dài làm cho nhiều vườn tiêu trong thời gian khai thác xuống sức nghiêm trọng dẫn đến năng suất giảm rất nhiều. Bình quân năng suất tiêu đại trà chỉ đạt khoảng hơn 10 tạ/ha.

Trong những năm gần đây, khi giá tiêu trên thị trường tăng lên, người dân quay trở lại chăm sóc vườn tiêu, song do vườn tiêu đã xuống cấp nhiều năm, người dân lại chăm sóc chưa đúng cách nên năng suất bình quân tăng không đáng kể, toàn huyện Gio Linh năng suất tiêu đạt 13,67 tạ/ha.

Nhằm giúp người dân khai thác tốt vườn tiêu sẵn có, sau khi thu hoạch xong vụ tiêu năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh tổ chức triển khai thực hiện mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu với diện tích 1 ha ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái.

Là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình, gia đình ông Trần Hữu Biện tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện. Ông sử dụng các loại men vi sinh ủ với phân hữu cơ bón cho tiêu đưa lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng độ mùn trong đất, bổ sung cho tiêu các yếu tố vi lượng còn thiếu, giúp cho cây tiêu phục hồi sức nhanh, bền, phát triển tốt và hạn chế được một số nấm bệnh gây hại.

Ông cũng được hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng phân hóa học thế nào cho đúng, cho cân đối giữa lượng đạm, lân và kali, ưu tiên phân bón tổng hợp có chứa các nguyên tố vi lượng, phân bón chuyên dùng cho cây tiêu.

Sau khi được hướng dẫn đầy đủ các biện pháp chăm sóc cây tiêu, ông Biện cũng biết sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nên vườn tiêu của ông không chỉ hạn chế được sâu bệnh gây hại mà còn giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, nhờ vậy chi phí sản xuất tiêu giảm đáng kể.

Nhờ biết cách chăm sóc tiêu theo đúng kỹ thuật nên vườn tiêu của ông Biện cũng như 9 hộ khác tham gia mô hình chỉ sau nửa năm chăm sóc đã thay đổi chất lượng, đến nay vào mùa thu hoạch, năng suất vườn tiêu của 10 hộ thực hiện thí điểm đạt cao hơn 40- 50% so với vườn đối chứng, thực thu đạt gần 18 tạ/ha.

Ông Nguyễn Nhuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thái cho biết: "Việc triển khai mô hình thí điểm phục hồi vườn tiêu đã đem lại cho nông dân nhiều lợi ích, không chỉ giúp họ nắm vững kỹ thuật chăm sóc tiêu mà còn nâng cao nhận thức về đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả đưa lại khả quan, trong năm tiếp theo, xã mong muốn huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân có điều kiện phục hồi hơn 70% số diện tích tiêu xuống cấp trong tổng số 26,7 ha tiêu của toàn xã”.

Huyện Gio Linh có diện tích gò đồi rộng lớn, trong đó phần lớn là phát triển cây cao su; cây hồ tiêu chỉ có 448 ha chủ yếu trong diện tích vườn của hộ gia đình. Trong điều kiện hiện nay khi giá mủ cao su xuống thấp thì việc tăng cường chăm sóc cây hồ tiêu theo các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.

Thông qua mô hình đã thay đổi nhận thức của nông dân về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp và bền vững trên cây tiêu, tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng.

Hiện nay, việc mở rộng trồng mới cây hồ tiêu không được nhiều và các vườn tiêu chưa đến lúc tái canh nên việc nhân rộng mô hình phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu là rất cần thiết. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để họ hiểu rõ và đầu tư chăm sóc vườn tiêu đúng cách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Related news

Bò - Giun - Lươn Bò - Giun - Lươn

Nuôi bò nhốt chuồng, lấy phân bò nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi lươn, làm thức ăn chăn nuôi. Mô hình khép kín trên cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Tuesday. November 19th, 2013
Người Chăn Nuôi Gánh Thêm Nỗi Lo Thuốc Thú Y Bị Làm Giả Người Chăn Nuôi Gánh Thêm Nỗi Lo Thuốc Thú Y Bị Làm Giả

Nếu như trước đây thuốc thú y chỉ bị các đối tượng làm ăn bất chính thực hiện việc ghi sai nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, thì nay với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, họ đã làm giả cả các thành phần bên trong.

Tuesday. November 19th, 2013
Người Nuôi Và Người Dùng Đều Thiệt Người Nuôi Và Người Dùng Đều Thiệt

Không chỉ giá trứng gà giảm mạnh mà giá gà thịt trong khoảng 2 tuần qua cũng liên tục rớt, khiến người nuôi lỗ nặng. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng thiệt thòi khi vẫn ăn gà, trứng với giá cao.

Tuesday. November 19th, 2013
Giá Củ Mì Tươi Cao Kỷ Lục Giá Củ Mì Tươi Cao Kỷ Lục

Hiện nay, thương lái từ các nơi đổ về Đồng Nai hỏi mua củ mì tươi tại ruộng với giá 2.600 đồng/kg, tăng hơn 1 ngàn đồng/kg so với cuối năm 2012. Giá củ mì tươi tăng cao là do nhu cầu sử dụng mì lát khô tại các nhà máy trong nước tăng và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay ít hộ nông dân có mì để bán.

Tuesday. November 19th, 2013
Trồng Nấm Sò Có Hiệu Quả Kinh Tế Trồng Nấm Sò Có Hiệu Quả Kinh Tế

Trong 3 tháng qua, Trạm Khuyến nông huyện Hoà Thành (Tây Ninh) tổ chức trình diễn sản xuất nấm sò tại 2 điểm ở xã Trường Hòa và Trường Tây.

Tuesday. November 19th, 2013