Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Yên Thực Hiện Đề Án Thí Điểm Sản Xuất, Tiêu Thụ Cá Ngừ Theo Chuỗi

Phú Yên Thực Hiện Đề Án Thí Điểm Sản Xuất, Tiêu Thụ Cá Ngừ Theo Chuỗi
Ngày đăng: 25/02/2015

Cá ngừ đại dương Phú Yên có mặt trong 10 đặc sản, hải sản nổi tiếng mà Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã công bố. Nghề khai thác cá ngừ đang là nghề khai thác chính của 35.000 ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Phú Yên là tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất.

Hiện nay, nghề câu cá ngừ đại dương đang phát triển mạnh nhiều nơi, nhưng Phú Yên vẫn là tỉnh có sản lượng khai thác lớn nhất. Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên đều có lãi. Riêng tại TP. Tuy Hòa, 195 tàu đã đạt sản lượng bình quân từ 1,5 đến trên 3 tấn/tàu/chuyến.

Nhiều tàu lãi hơn 300 triệu đồng/chuyến biển. Bên cạnh lượng lớn cá ngừ cung ứng cho các nhà máy để phục vụ xuất khẩu, ngư dân các làng biển ở đây còn chế biến cá ngừ thành những sản phẩm đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng nhằm nâng giá trị cá ngừ ngay tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên đang có chiều hướng giảm dần. Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được ở Phú Yên là 6.050 tấn.

Sang năm 2013, con số này chỉ còn trên 4.500 tấn. Năm 2014, sản lượng khai thác cũng chỉ trên 3.200 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo thống kê năm 2013 và năm 2014, giá cá ngừ đại dương luôn ở mức thấp, khoảng 140.000 đồng/kg cá loại 1, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng chỉ còn 75.000 đồng/kg.

Theo ngư dân, với giá này, nếu chuyến biển kéo dài 1 tháng, khai thác được 1 tấn cá thì lỗ. Ngoài ra, chỉ có khoảng 20% sản lượng cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con, trong khi cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con có giá trị cao hơn rất nhiều lần việc đã qua chế biến tại địa phương.

Nguyên nhân sản lượng cá ngừ đại dương Phú Yên giảm mạnh do tàu cá của ngư dân công suất nhỏ; trang thiết bị và công nghệ khai thác, bảo quản lạc hậu; tổ chức sản xuất còn thiếu chặt chẽ; chưa kiểm soát được hoạt động khai thác; công tác tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ còn nhiều bất cập... Ngoài ra, phần lớn tàu cá Phú Yên chỉ khai thác cá ngừ đại dương. trong khi ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, lúc hết mùa vụ, ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ vằn, nên hiệu quả cao hơn.

Hướng phát triển bền vững

Đứng trước thách thức này, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án Thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại; gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp, Đề án được thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trong thời gian từ năm 2014-2020.

Theo đó, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ thực hiện Đề án này với các nhiệm vụ xây dựng, quản lý quy hoạch khai thác cá ngừ đại dương. Cùng với đó, các tỉnh này cần phát triển đội tàu khai thác cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại; thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương; điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, chuyển giao khoa học công nghệ, công tác đào tạo, tập huấn, khuyến ngư; hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại…

Hoàn thành Đề án theo chu trình khép kín từ khai thác đến chế biến và tiêu thụ cá ngừ sẽ là một bước khởi đầu đầy chắc chắn cho những ngư dân tâm huyết với khai thác cá ngừ đại dương.

Triển khai thực hiện Đề án

Theo Đề án, từ quý I đến quý III/2015 sẽ chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, Trung tâm giao dịch và Sàn đấu giá cá ngừ tại Bình Định, Phú Yên và Trung tâm giao dịch cá ngừ tại Khánh Hòa gắn với trung tâm nghề cá lớn. Bộ NN&PTNT đã phân bổ cho Phú Yên đến năm 2016 đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần, cải hoán và nâng cấp 465 tàu. Đến nay, ngư dân và doanh nghiệp ở Phú Yên đã đăng ký đóng mới 109 tàu (52 tàu vỏ thép, 26 tàu vật liệu mới, 31 tàu vỏ gỗ), cải hoán 36 tàu và nâng cấp máy 80 tàu. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 18 cở sở đóng, sửa tàu cá có đăng ký kinh doanh, trong đó có 1 cơ sở đóng, sửa tàu vỏ thép.

Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết, Phú Yên đã hoàn thiện phương án triển khai Đề án. Theo đó, Công ty cổ phần (CTCP) thủy sản Bá Hải được chọn làm trung tâm của chuỗi, tổ chức cho 5 tàu dịch vụ hậu cần thu mua trên biển sản phẩm khai thác của 8 tổ tàu thuyền và 80 tàu câu cá ngừ đại dương.

Sau khi thu mua, sản phẩm được vận chuyển về nhà máy của CTCP Bá Hải để chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, CTCP Bá Hải sẽ đóng mới 5 tàu composite, vừa khai thác vừa luân phiên thu gom sản phẩm từ các tổ tàu thuyền để vận chuyển vào bờ nhanh nhất, đảm bảo cá đạt chất lượng, có giá trị kinh tế cao khi xuất khẩu.

CTCP Bá Hải cho biết để xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường lớn, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại. Công ty đã chế tạo thiết bị gây tê cá ngừ và chuyển giao quy trình sơ chế cá ngừ sau khai thác cho ngư dân thuộc tổ sản xuất trên biển mà công ty đã liên kết. Qua thử nghiệm, chất lượng cá tốt, không bị tình trạng xô xương (phần thịt ở gần xương sống cá bị hư, màu sậm, cơ thịt không còn độ dai) như lâu nay.

Hiện công ty được Bộ KH&CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn được giữ tươi ngon như ban đầu. Dự kiến đến tháng 4/2015, Tập đoàn ABI sẽ lắp đặt hoàn thành và đưa công nghệ CAS vào sử dụng tại công ty.

Với mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành những mẫu tàu vỏ gỗ để phổ biến cho ngư dân lựa chọn.

Hiện Phú Yên đang triển khai dự án Xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng Đông Tác (TP Tuy Hòa), tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư có hạn nên tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung nguồn vốn để đầu tư đúng tầm là cảng cá ngừ chuyên dụng.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Từ Một Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản Mới Triển Vọng Từ Một Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản Mới

Vừa qua, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tổ chức nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục tại tỉnh Quảng Bình”. Đây là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Công ty cổ phần Thanh Hương (Hải Ninh, Quảng Ninh) chủ trì, kéo dài gần 3 năm với tổng kinh phí lên đến 2,6 tỷ đồng.

26/06/2014
Trồng Mướp Đắng Lai F1 Cho Thu Nhập Cao Trồng Mướp Đắng Lai F1 Cho Thu Nhập Cao

Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Công ty giống cây trồng miền Nam cung cấp loại giống mướp đắng lai F1 có tên Big 14 cho năng suất và chất lượng, mở hướng đột phá cho nông dân nghèo, ít đất canh tác.

26/06/2014
Vùng Đất Chuối Tân Long Vùng Đất Chuối Tân Long

Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.

27/11/2014
Châu Thành (An Giang) Triển Khai 7 Nhà Trồng Nấm Ứng Dụng Công Nghệ Cao Châu Thành (An Giang) Triển Khai 7 Nhà Trồng Nấm Ứng Dụng Công Nghệ Cao

Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành (An Giang) phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện 7 nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ cao (quy mô từ 24-30 m2/nhà). Trong đó, thị trấn An Châu 3 nhà và xã An Hòa 4 nhà, trồng các loại: Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo...

26/06/2014
Tam Bình Phát Triển Thương Hiệu Cam Sành Tam Bình Phát Triển Thương Hiệu Cam Sành

Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm.

26/06/2014