Phú Yên tập trung điều trị bệnh trên cây tiêu
Xuất hiện nhiều loại bệnh trên tiêu
Từ sau tết đến nay, một số vườn tiêu của người dân huyện Tây Hòa xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại. Ông Nguyễn Lợi ở thôn Sơn Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Từ sau tết, vườn tiêu rộng 3.000m2 của gia đình bị nhiều loại sâu bệnh tấn công với khoảng 70% diện tích bị nhiễm bệnh. Ban đầu, bệnh xuất hiện trên dây tiêu, làm lá dần chuyển vàng và quăn lại, sau đó trên mặt lá cũng có nhiều đốm đỏ, đen và rụng dần. Vườn tiêu của ông Lê Văn Thiệu ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây, cũng bị nhiễm bệnh với những dấu hiệu tương tự.
Theo ông Thiệu thì 5.500m2 tiêu của gia đình ông cũng bắt đầu bị bệnh vàng lá từ hơn 1 tháng qua. Từ ngày bị bệnh, cây tiêu chậm phát triển, dây tiêu trở nên còi cọc, có dây lá vàng ố và rụng hơn nửa. Tình trạng này kéo dài, chắc chắn năng suất cho hạt sẽ giảm đáng kể.
Theo nhiều người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa, nguyên nhân làm cho dây tiêu bị vàng lá chủ yếu là do tuyến trùng. Một trong những dấu hiệu để nhận biết dây tiêu đang bị tuyến trùng gây hại là dây tiêu đột nhiên chuyển vàng, lá quăn lại và sần sùi, cây còi cọc và một thời gian sau sẽ rụng lá.
Đồng thời, khi đào kiểm tra rễ, người dân sẽ thấy nhiều sợi rễ bị nổi những nốt sần to. Chính những nốt sần này khiến rễ không hấp thu và vận chuyển dinh dưỡng lên để nuôi cây, làm dây tiêu bị thiếu dinh dưỡng, còi cọc, sức đề kháng giảm sút, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công. Vì vậy, khi tiêu bị tuyến trùng gây hại mà không được điều trị kịp thời, cây sẽ bị nhiễm thêm nhiều loại sâu bệnh khác và dễ chuyển thành bệnh chết chậm.
Ông Phan Giang, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 thuộc Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành, cho biết: Hiện tại, Đội sản xuất số 1 có khoảng 20ha tiêu bị nhiễm sâu bệnh, chiếm khoảng 1/4 diện tích tiêu của đội. Bệnh tập trung ở các lô tiêu trồng tại thôn Sơn Thọ, với tỉ lệ dây tiêu bị nhiễm bệnh khoảng 50% và chủ yếu là do tuyến trùng gây hại.
Tại đội sản xuất số 3 và số 4, tuyến trùng chỉ xuất hiện rải rác với tỉ lệ thấp nên không đáng ngại. Trong khi đó, các vườn tiêu ở đây, dịch nấm hồng, tảo đỏ và rệp sáp lại đang phát triển mạnh. Bà Đỗ Thị Quyên ở thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây cho hay, từ khi thời tiết bắt đầu nắng gắt đến nay, vườn tiêu hơn 3 sào của bà bị nhiễm bệnh nấm hồng, với triệu chứng trên lá tiêu xuất hiện nhiều chấm nhỏ li ti, có lông.
Còn theo ông Đàm Xuân Huyên, Đội trưởng Đội sản xuất số 4, đội có hơn 117ha trồng tiêu với khoảng 157 hộ sản xuất. Hiện hầu hết các vườn tiêu ở đây đều nhiễm các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp, thán thư… Tuy nhiên mức độ, tỉ lệ nhiễm bệnh chưa cao, vẫn còn trong khả năng kiểm soát. Công ty đã hướng dẫn cho các hộ trồng tiêu cách điều trị và phòng trừ không để bệnh lây lan nặng.
Tập trung phòng, trị
Trước tình trạng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại trên tiêu hiện nay, người dân trồng tiêu đang tập trung điều trị và phòng ngừa sâu bệnh phát tán, lây lan nặng. Ông Nguyễn Lợi cho biết: Khi phát hiện vườn tiêu bị vàng lá, tôi báo ngay cho công ty. Sau đó, công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn để kiểm tra, phát hiện vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng và đã hướng dẫn điều trị.
Theo ông Lợi, thực hiện đúng hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật của công ty, gia đình ông phòng trừ tuyến trùng cho tiêu theo 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày và sử dụng 2 loại thuốc Tesvigos và Tridomingos để tưới gốc tiêu. Nhờ vậy, đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đã dần phục hồi, lá tiêu xanh trở lại, dây tiêu bắt đầu phát triển. Không riêng ông Lợi, nhiều gia đình có tiêu bị nhiễm tuyến trùng cũng áp dụng cách phòng trừ này và đã có kết quả khả quan.
Xác định được mức độ nguy hiểm của bệnh chết chậm, tuyến trùng đối với cây tiêu, nhiều nông dân đã chủ động phòng ngừa, không đợi cho bệnh bộc phát. Ông Đoàn Hữu Dưỡng ở thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây cho biết: Gia đình tôi có 1,7ha tiêu, hiện chưa có lô tiêu nào bị nhiễm tuyến trùng hay chết chậm nhưng gia đình vẫn thường xuyên kiểm tra và xử lý gốc để khống chế bệnh. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng tôi cũng tưới đủ nước cho tiêu, bổ sung các loại phân vi sinh, xử lý tàn dư gây bệnh, cắt dây lương, cành nhánh quanh gốc để tạo độ thông thoáng…
Trong khi đó, các chủ vườn tiêu bị nhiễm các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp… cũng đang tập trung điều trị. Ông Đàm Xuân Huyên cho hay: Khác với cây tiêu bị nhiễm tuyến trùng phải điều trị từ gốc rễ, thì cây tiêu bị các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp… phải điều trị trên lá bằng cách sử dụng một số loại thuốc như Agrigos 400, Topsin, Anvil và Ridomil phun trực tiếp trên lá.
Cũng theo ông Huyên, mặc dù các loại bệnh này không nguy hiểm nhưng không thể điều trị dứt hẳn. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh sẽ hết nhưng chỉ khoảng 3 đến 4 tháng sau, bệnh xuất hiện trở lại. Vì vậy, nông dân không nên chủ quan trong phòng, trị các bệnh này.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, bệnh chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp, tảo đỏ, thán thư… có thể tiếp tục phát triển và gây hại, ảnh hưởng đến năng suất của tiêu. Vì vậy, người dân nên quan tâm đến việc chăm sóc, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân vi sinh để bón cho tiêu. Hiện chi cục ban hành quy trình điều trị và phòng tránh một số loại bệnh trên tiêu để người trồng tiêu tham khảo, áp dụng.
Có thể bạn quan tâm
Chính thức cho phép nuôi tôm chân trắng từ năm 2009, sau Việt Nam một năm nhưng chỉ sau 4 năm, Ấn Độ đã sản xuất thành công tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh (tôm SPF) nhằm gia tăng sản lượng và XK loài tôm đang ngày càng được ưa chuộng này.
Trạm Giống gia súc Long Mỹ (TGGSLM - tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã chọn lọc, nhân giống và bảo tồn đàn giống vật nuôi gốc của tỉnh; tổ chức du nhập, nuôi khảo nghiệm, cung ứng các giống vật nuôi mới, năng suất cao, cùng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.
Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapô. Trong đó, Kim Sơn là xã trồng nhiều nhất gần 600 ha. Thời gian gần đây, cây sapô "Mặc Bắc" Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương vừa hỗ trợ cho nông dân xã Long Tân (Dầu Tiếng) thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực hướng quy trình GAP”. Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 3 hộ ở ấp Bờ Cảng có đủ điều kiện về ao nuôi, nhân lực, kinh phí và tự nguyện cùng đầu tư làm điểm, với quy mô 10.000m2.