Phủ Xanh Vùng Đất Núi Làm Giàu

Phong trào cựu chiến binh tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu luôn là câu chuyện thường được nhắc đến. Đã có không ít cách làm với những mô hình mang đến nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình người lính trẻ cựu chiến binh Trần Văn Hồng, ở thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) là một điển hình trồng thanh long trên vùng đất đồi núi.
Cơn mưa nặng hạt đầu mùa những ngày đầu tháng bảy không làm chúng tôi e ngại khi tìm đến ngôi nhà của người lính cựu chiến binh Trần Văn Hồng (39 tuổi). Sau chặng đường dài gần 15 km từ UBND xã Hồng Liêm, vượt qua nhiều ổ voi, vài con suối nhỏ, chúng tôi đặt chân đến mô hình kinh tế của gia đình người lính trẻ.
Năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh trở về địa phương chẳng có gì ngoài sự chịu khó và cần cù. Lập gia đình và bắt đầu tạo dựng sự nghiệp ngay vùng đất đồi núi thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm (năm 1998) bằng nguồn vốn 3,8 triệu đồng trên diện tích 1,4 ha.
Vùng đất nghèo nâng niu ý chí người lính trẻ. Đất không phụ lòng người, những vụ liên tiếp anh có nguồn thu khá, tích lũy ít vốn mua đất, mở rộng sản xuất, đầu tư chăn nuôi heo, gà, bò... Nhờ chịu khó tận dụng phụ phẩm thừa làm ra, việc chăn nuôi ngày một phát triển.
Trong đó đàn bò đã mang đến cho gia đình anh nguồn thu hàng chục triệu đồng, anh có thêm động lực, niềm tin để đầu tư. Có vốn, anh sắm máy cày, máy gặt lúa vừa giúp anh trong việc đồng áng vừa tạo ra nguồn thu nhập từ cày thuê nên kinh tế gia đình anh khá ổn định.
Anh Hồng kể lại: “Năm 2003, khi phong trào trồng thanh long được chú trọng, tôi mạnh dạn đầu tư trồng 300 trụ thanh long đầu tiên để giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Không ngờ vườn thanh long phát triển tốt nhờ tận dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi và nguồn nước từ hồ Sông Quao, Suối Đá. Năm 2009, vay thêm vốn mở rộng lên 3.000 trụ thanh long.
Cuối năm 2011, thuê nhân công, máy móc cùng với công sức của hai vợ chồng cải tạo trồng 1.000 trụ thanh long ngay trên vùng đất đồi núi thấp. Bao công sức bỏ ra, những tảng đá lớn được anh chinh phục để trồng thanh long. Cùng với đó anh lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Hiện khu vườn gần 4 ha với 4.000 ngàn trụ thanh long cho thu hoạch nhiều năm nay”.
Từ ngày trồng thanh long có thu nhập, anh thu hẹp chăn nuôi, tập trung chăm sóc và phát triển loại cây này để có nguồn thu cao hơn. Đầu năm 2010 anh đầu tư 450 triệu đồng hạ đường điện với 26 trụ điện lớn dẫn từ đường liên thôn về tận khu vườn đồi núi của mình.
Có điện về đồng nghĩa với việc làm giàu sẽ không khó, những vụ chong đèn thanh long trái vụ đã mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cũng phải nói rằng, đường điện do anh kéo về đã tạo thuận lợi cho hàng chục hộ dân trong thôn mạnh dạn đầu tư phát triển cây thanh long, không ít gia đình có nguồn thu cao gấp nhiều lần so trước đây.
Hiện nay, bình quân mỗi năm anh lãi hơn 600 triệu đồng. Giờ đây niềm vui lớn hơn của gia đình người lính chính là hai đứa con có điều kiện học tập tốt và kinh tế luôn ổn định ở mức khá.
Có thể bạn quan tâm

Bón thúc nụ, thúc hoa: Cần bón khi nhìn thấy một vài chùm nụ xuất hiện, thường trước khi nở hoa rộ 25-30 ngày. Vị trí bón phân theo hình chiếu của tán cây, đây là vị trí hoạt động mạnh nhất của bộ rễ

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất đem lại lợi nhuận thì việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nhiều người dân. Vì vậy, thời gian qua, thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ đã vận động thành lập các tổ, nhóm sản xuất để hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho bà con nông dân, trong đó có câu lạc bộ (CLB) trồng rau màu sạch ở ấp Khánh Hưng 1

Qua kết quả nghiên cứu và thực tế cho thấy trồng xen băng cây phân xanh theo đường đồng mức như muồng hoa vàng, cốt khí…giữa cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều) và cây ngắn ngày (ngô, lúa nương, sắn…) là biện pháp đơn giản và rất có hiệu quả trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, cải tạo độ phì của đất và góp phần tăng năng suất cây trồng.

Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.