Xuất Hiện Tình Trạng Trộm Trâu Ở Hương Thủy
Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày bọn trộm trâu sa lưới pháp luật, ông Lê Văn Thân ở thôn Hộ, xã Dương Hoà (thị xã Hương Thủy) vẫn chưa hết bàng hoàng vì mất đi một khối tài sản quá lớn. Mười con trâu trị giá hơn 150 triệu đồng đã bị cướp đi chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo lời ông Thân, cuối năm 2012, ông có một đàn trâu 11 con chăn thả ở vùng Khe Vàng, Khe 57 thuộc vùng rừng núi của xã Dương Hoà, trong đó có 4 trâu mẹ và 7 trâu nghé đang gần tuổi trưởng thành. Với số lượng này, ông hy vọng trong năm nay sẽ bán bớt để sữa chữa lại ngôi nhà cấp 4 đang dần xuống cấp. Tuy nhiên, mọi việc xảy ra không giống như ông mong muốn.
Đầu năm 2013, khi vào kiểm kê trâu, ông Thân phát hiện 1 trâu mẹ và 2 nghé con bị mất khỏi đàn. Cứ tưởng lạc bầy nên ông không tổ chức tìm kiếm. Đến tháng 2, mất thêm một trâu mẹ và 1 nghé con, tháng 5 mất tiếp 5 con nữa. Nghi có kẻ trộm trâu của mình, ông Thân tổ chức tìm kiếm và mật phục xem ai là kẻ trộm trâu của mình.
Qua tìm kiếm nới mình thường chăn thả, ông Thân phát hiện lán trại, một số bẫy để bắt trâu và xương, đầu trâu bị đốt cháy. Tiếp đó, ông Thân thấy một nhóm 4-5 người gùi thịt trâu đi ra từ Khe Vàng, trong đó có một người canh đường. Khi phát hiện thấy có người lạ, bọn chúng tẩu thoát vào rừng, vì chỉ một mình nên ông Thân không dám đuổi theo.
Cùng số phận như ông Thân, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Buồng Tằm cũng bị mất 3 con trâu với số tiền thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
Trước thông tin của người dân trên địa bàn trình báo về các vụ trâu của mình bị mất một cách khó hiểu, UBND xã Dương Hoà đã chỉ đạo các lực lượng cùng với người dân tiến hành mật phục và vây bắt đối tượng.
Vào lúc 17 giờ ngày 9/6/2013, nhận được tin báo của người dân, công an xã Dương Hoà đã chặn xe tải mang biển kiểm soát 75C-005.16 do ông Nguyễn Đăng Vì, trú tại phường An Hoà điều khiển chạy theo hướng Dương Hoà về Thủy Phương, trên xe có chở một con trâu.
Nghi vấn đây là trâu mà nhóm trộm đã bán cho các lái buôn, qua đấu tranh khai thác, ông Vì khai nhận, con trâu này ông chở thuê cho ông Hà Thái Hùng, là lái trâu ở phường An Hoà. Ông Hùng khai nhận mua con trâu này từ 2 đối tượng Lê Hương và Lê Thanh Tường (thôn Hộ, xã Dương Hoà, thị xã Hương Thủy) trị giá 18 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Dương Hoà cho hay, sau khi Công an thị xã vào cuộc và bắt giữ được 2 đối tượng trộm trâu, UBND xã nhận được tất cả 7 đơn trình báo của bà con với số trâu bị mất trên 25 con. Trong đó, người mất nhiều nhất là ông Lê Văn Thân ở thôn Hộ 10 con, ông Phan Văn Phương 9 con, ông Nguyễn Văn Tuấn 3 con...
UBND xã cũng đã nhanh chóng báo cáo với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. Qua đấu tranh khai thác, ngoài hai "ngưu tặc" Hương và Tường, còn có thêm Dũng “Bọ” (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) là đối tượng nghi vấn liên quan đến các vụ trộm trâu của người dân trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng vụ việc xảy ra, ngoài 3 đối tượng đã bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra, người dân cho rằng vẫn còn nhiều đối tượng khác có khả năng là đồng phạm chưa sa lưới pháp luật.
Theo ông Lê Văn, khi đi tìm trâu, ông đã nhìn thấy lán trại của bọn "ngưu tặc". Có rất nhiều tăng võng, soong, nồi trong lán, xung quanh đầy những vỏ lon bia, vỏ chai rượu ngoại. Đi tìm xung quanh vùng chăn thả, ông Thân cũng đã phát hiện 6 xác trâu bị mổ tại rừng, trong đó 5 xác nằm trên bờ, một xác dưới nước, xương, đầu trâu được chất lại thành đống và bị đốt.
Ông nhận định, để bắt được trâu, bọn chúng cần rất nhiều người, có khi phải dùng cả vũ khí để bắn hạ. Nếu con trâu ít sợ người, bọn chúng bắt và lùa lên xe chở về bán cho các thương lái. Con nào nhát người, bọn chúng bắn chết hay đặt bẫy, sau đó xẻ thịt tại rừng để chở về xuôi tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, nhằm hạn chế những vụ việc xảy ra tương tự, UBND xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tự bảo vệ tài sản của mình, không thả rông trâu, bò trong rừng, nếu có thì nên cắt cử người chăn giữ.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Công an thị xã Hương Thủy cần tiếp tục tích cực điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm để người dân hết hoang mang, lo lắng.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 14/7, tại Trại ứng dụng, thực nghiệm cây trồng An Phong (ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tổ chức buổi hội thảo đánh giá 23 giống lúa đang được trồng phổ biến và giống lúa có triển vọng vụ hè thu năm 2015.
Ngày 14/7, thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, chính quyền phía Đài Loan, nơi tiêu thụ tới 95% sản lượng chè Oloong của Lâm Đồng vừa có thông báo 100% mẫu loại chè Oloong xuất vào Đài Loan đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Để hạn chế sâu bệnh hại chè, bên cạnh sử dụng thuốc BVTV, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc. Trong ảnh: Xã viên HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) bón phân chuồng cho cây chè.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cải tạo đất trống, vườn tạp trồng hoa màu mang lại hiệu quả cao.
Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai là 79.122 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh 76.523 ha. Cây cà phê được trồng chủ yếu ở: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang và TP. Pleiku. Khoảng 3/4 diện tích cà phê hiện có trên địa bàn được trồng từ thời kỳ 1995-2000, trong đó nhiều diện tích đã được 20 năm tuổi.