Phù phép trái cây Trung Quốc thành trái cây của Mỹ, Australia

Các chợ đầu mối của TP HCM là nơi cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân thành phố.
Trước tình trạng thực phẩm không an toàn ngày càng khó kiểm soát, các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh chợ của thành phố đang tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là từ nay đến tết.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều bất cập.
Chị Nguyễn Thị Trinh ở khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, làm nghề trông xe tại chợ Hóc Môn nên thường xuyên chứng kiến cảnh trái cây Trung Quốc được “phù phép” thành trái cây của Mỹ, Australia.
Chị Trinh rất lo lắng về tình hình an toàn, vệ sinh thực phẩm hiện nay: “Họ mua thùng trái cây để hình trái cây của Trung Quốc.
Họ dán tem lên trái lê, táo, nho, bằng tem Mỹ, Australia, NewZeland… Tôi hỏi họ nói, họ mua bộ tem này ở vựa trái cây chợ đầu mối bán cho và về họ tự dán lên”.
Trung bình mỗi ngày, chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn nhập về gần 6.000 tấn rau, củ, trái cây và thịt heo để cung cấp cho người dân thành phố.
Nếu kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm ở đây sẽ hạn chế được tình trạng thực phẩm không an toàn đưa về các chợ.
Vì vậy, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đang được các chợ đầu mối tăng cường, nhất là từ nay tới tết.
Ngoài việc kiểm tra hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, giấy kiểm dịch, các chợ đầu mối còn lấy mẫu kiểm tra nhanh một số loại rau củ, trái cây có nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi kiểm tra tất cả các vựa, các sạp, chứ không bỏ sót ai.
Đặc biệt, tháng cận Tết thì tăng tần suất kiểm tra hơn nữa, tập trung vào chủng loại rau có nguy cơ mà do Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố chỉ định.
Đối với hàng Trung Quốc phải có giấy tờ qua cửa khẩu và qua kiểm tra ngành bảo vệ thực vật”.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm tra nhanh rau củ, trái cây cũng chỉ định tính, chứ chưa định lượng được nên độ chính xác chưa cao.
Vì vậy, từ đầu năm 2015, các chợ đầu mối phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố lấy mẫu kiểm tra định lượng.
Điều đáng nói là các mẫu xét nghiệm này phải từ 2 đến 3 ngày mới có kết quả, trong khi các loại rau củ, trái cây chỉ lưu lại trong chợ vài ba tiếng đồng hồ.
Trong khi chưa có kết quả xét nghiệm thì các loại rau củ, trái cây này đã lưu thông ra thị trường và nếu có kết quả là các mẫu này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy hại cho sức khỏe thì cơ quan chức năng cũng không thể thu hồi được.
Đây là bất cập lớn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối hiện nay.
Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức kiến nghị: “Chúng tôi nghĩ trong quá trình kiểm định với thời gian như vậy là chậm.
Nếu thật sự là hàng hóa độc hại sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chúng tôi muốn Nhà nước có loại thuốc kiểm định ra kết quả nhanh chóng, kịp thời”.
Những ngày cuối năm, lượng rau, củ, trái cây và thịt heo về các chợ đầu mối càng tăng nên rất khó kiểm soát.
Với những bất cập trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối của TP HCM hiện nay, đang là điều đáng lo ngại cho người tiêu dùng
.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng rau màu ở ĐBSCL không ngừng tăng trưởng, nhất là diện tích trồng rau màu theo hướng an toàn sinh học được chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương luôn khuyến khích. Ước tính toàn vùng hiện có trên 246.000ha, chiếm khoảng 30% diện tích màu cả nước.

Khoảng 5 năm trở lại đây, tại nhiều địa phương vùng cao, diện tích cây bo bo không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, xung quanh cây trồng này đang có những dấu hiệu bất thường bởi đầu ra sản phẩm không ổn định, thị trường tiêu thụ ở đâu không ai hay, thương lái thì không ngừng thu mua với giá cao.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có quy hoạch phát triển rau an toàn (RAT) với quy mô hàng ngàn ha. Nhưng đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, vậy chất lượng của RAT có thực sự bảo đảm như tên gọi.

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4 ha, với tổng kinh phí giai đoạn một là hơn 30 tỉ đồng. Ở giai đoạn này, Syngenta sẽ chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên thế giới để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu. Dự kiến, đến năm 2017, Syngenta sẽ cho ra thị trường hai đến ba giống lúa lai chất lượng và năng suất cao.

Sản xuất rau an toàn đã trở thành nhu cầu bức thiết trong xã hội. Ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cộng đồng, rau an toàn còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học vì hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy, khai thác thiên địch tự nhiên (sử dụng tài nguyên côn trùng) để phòng chống sâu hại hiệu quả là một xu hướng mới đã được giới thiệu đến các nhà vườn trồng rau tại BR-VT.