Phòng trừ ruồi đục quả bằng thuốc sinh học trên cây khổ qua
Sau khi sử dụng chế phẩm sinh học Ento-pro150DD, tỷ lệ ruồi đục quả gây hại ở ruộng mô hình thấp, từ 1 - 6%. Trong khi đó ruộng sản xuất đại trà có tỷ lệ ruồi gây hại từ 10 - 21%...
Vụ ĐX 2017-2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã phối hợp với UBND xã Bình Triều, Hợp tác xã rau sạch Hưng Mỹ thực hiện mô hình “Phòng trừ ruồi đục quả bằng thuốc sinh học trên cây khổ qua tại vùng rau an toàn” tại thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều với diện tích 1.000m2, sử dụng chế phẩm sinh học Ento-pro150DD.
Qua theo dõi tại mô hình cho thấy, ruồi đục quả xuất hiện và gây hại vào giai đoạn hình thành quả, tỷ lệ ruồi đục quả gây hại ở ruộng mô hình thấp, từ 1 - 6%. Trong khi đó ruộng sản xuất đại trà có tỷ lệ ruồi gây hại từ 10 - 21%.
Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ còn giảm chi phí đầu tư (giảm 5,6 triệu đồng/ha), năng suất 15,6 tấn/ha, cao hơn 2,4 tấn/ha so với sản xuất đại trà. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg thì mô hình cho tổng thu là 312 triệu đồng/ha, cao hơn 48 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà, lãi ròng đạt 238,8 triệu đồng/ha, cao gấp 1,3 lần so với sản xuất đại trà.
Mặt khác, những ruộng khổ qua ngoài mô hình, nông dân tiến hành phun thuốc hóa học nhiều lần trong vụ (7 - 10 ngày/lần), thậm chí còn phun lên cả quả sắp thu hoạch. Dẫn đến việc phòng trừ ruồi đục quả không hiệu quả mà gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người trồng, người tiêu dùng.
Mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo điều điện thuận lợi để phát triển sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Trong quá trình sinh trưởng, khổ qua bị rất nhiều loại sâu bệnh tấn công, trong đó, có hai loại ruồi gây hại rất phổ biến là ruồi đục lá và ruồi đục trái
Cây mướp đắng là loài thực vật có kỹ thuật trồng không phức tạp, là một món ăn giải nhiệt và bổ dưỡng cho mùa hè nên được trồng ở nhiều nơi.
Nửa sào khổ qua của ông Bùi Viết Mai ở thôn Hưng Mỹ đã hơn 4 tháng tuổi. Sau 10 lần thu hoạch, trái vẫn còn khá nhiều