Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại Lúa Hè Thu
Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa vụ Hè Thu (HT) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân các biện pháp phòng trừ.
Theo Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay, lúa vụ HT sớm đang giai đoạn đòng - trổ; lúa HT đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh. So với các vụ sản xuất trước, vụ HT năm nay do ảnh hưởng của tình hình hạn hán, thiếu nước tưới nên khả năng sinh trưởng, phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là từ giữa tháng 5 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều diện tích lúa HT gieo sạ sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.
Ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: “Qua kiểm tra đồng ruộng đã phát hiện có sâu đục thân 2 chấm đang nở rộ, gây dảnh héo cục bộ lúa HT giai đoạn làm đòng - trổ, tỉ lệ gây hại từ 5 - 7%. Bên cạnh đó, các bệnh khô vằn, đạo ôn lá, rầy nâu - rầy lưng trắng, bọ trĩ phát sinh gây hại rải rác trên lúa HT đại trà. Đáng lưu ý là các đợt nắng nóng cũng làm cho nhiều diện tích ruộng ven đê khu Đông thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát có nguy cơ bị nhiễm mặn”.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, thời gian đến, thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại mạnh lúa vụ HT. Trong đó, đối tượng sâu đục thân 2 chấm tiếp tục nở rộ từ nay đến giữa tháng 6, nếu bà con nông dân không triển khai phòng trừ kịp thời sẽ gây hiện tượng bông bạc cho lúa vụ HT trổ từ cuối tháng 5 trở đi. Bên cạnh đó, các bệnh khô vằn, rầy nâu - rầy lưng trắng, đạo ôn, bọ trĩ, chuột có khả năng phát sinh gây hại phổ biến lúa HT giai đoạn đứng cái - đòng trổ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cần chú ý đối tượng sâu đục thân 2 chấm gây hại lúa trên địa bàn các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, TP Quy Nhơn…
Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tập trung bơm nước chống hạn, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng”. Đối với các diện tích lúa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ven đê Khu Đông, cần tiến hành thau chua, rửa mặn bằng cách cho nước vào ruộng, sau đó rút cạn để rửa phèn, mặn. Thường xuyên giữ nước trong ruộng khoảng 5cm, khoảng 3 - 4 ngày tháo ra một lần để thau chua rửa mặn, bón vôi cải tạo độ PH của đất. Tăng cường bón thêm phân lân cho lúa, liều lượng 5-10kg/sào, đối với đất phèn chua thì bón phân lân Văn Điển, phèn mặn bón Super lân…
Đối với đối tượng sâu đục thân 2 chấm, giai đoạn lúa đẻ nhánh, nông dân cần sử dụng một trong các loại thuốc BVTV để rải như: Marshal 5G; Diaza 10H, Vibasu 10H, Vinetox 5H, Patox 4G… liều lượng 1 - 1,5 kg/sào (500m2) hoặc Regent 0.3 G, liều lượng 0,5kg/sào. Đối với lúa Hè giai đoạn đòng trỗ, tập trung ngắt ổ trứng sâu non, thu gom và tiêu hủy. Dùng một trong các loại thuốc trừ sâu đục thân đặc hiệu như: Virtako 40WG, liều lượng 3 - 6 gam pha 16 - 32 lít nước phun 1 sào; Tango 800WG liều dùng 2 - 3 gói (mỗi gói 0,8 - 1gam) pha với 24 lít nước phun 1 sào; Dupont Prevathon 5SC, liều lượng 15ml pha 16 lít nước phun 1 sào; Marshal 200SC, liều dùng 50ml pha với 24 lít nước phun 1 sào.
Đối với đối tượng sâu keo, bọ trĩ, bệnh đen lép hạt, bệnh vàng lá - đốm nâu, thối thân, thối gốc nên dùng các loại thuốc BVTV như: Peran 50EC, Proclaim 1.9EC, New Hinosan 30EC, Nevo 330SC, Bavistin 50FL, Tilt Super 300EC, Carban 50SC, Carbenda supper 50SC… Hoặc sử dụng các loại phân bón lá như Bimazin, Komix, Cacium, Kali Humat để phun, liều lượng phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, mẫu mã thuốc. Cần chú ý nên tháo khô nước trong ruộng trước khi phun thuốc, sau khi phun 1 ngày cho nước vào ruộng trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Trên 12.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng tại trang trại được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như giun quế, rau, cỏ rừng tự nhiên; nếu bị bệnh thì cũng được điều trị bằng cây thuốc nam.
Chất cấm mới bị phát hiện sử dụng trong chăn nuôi là vàng ô (VAT Yellow) dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng, không được dùng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư ở người.
Mặc dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, nhưng quả hồng đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng rớt giá thê thảm. Với giá bán tại vườn là 2.000- 3.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn méo mặt khi thu hoạch.
Với việc trồng cây dó bầu trong vườn và áp dụng các phương pháp kích tạo trầm nhân tạo, nông dân không còn phải “ngậm ngải tìm trầm” nơi rừng thẳm. Nhưng nhà nông và các đối tác sẽ thành công hơn khi chọn được phương pháp tạo trầm hiệu quả.
Bao lần thất bại tới “liêu xiêu” nhưng tỷ phú cá vược Trương Văn Trị ( xã Nam Cường, huyện Tiền Hải) vẫn luôn tin vào một điều duy nhất: Mình có thể!