Phòng Bệnh Thán Thư, Bọ Trĩ, Bọ Xít Muỗi Đỏ Hại Cây Điều
Hiện nay đang vào thời điểm cây điều ra bông đậu trái, song thời tiết lạnh, sương mù làm một số bệnh gây hại trên cây điều như: thán thư, bọ xít muỗi đỏ, bọ trĩ phát triển mạnh. Để phòng trừ các loại sâu bệnh trên, bà con nông dân nên áp dụng một số quy trình sau:
1/ Bệnh thán thư
- Bệnh này do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Loại nấm này gây hại trên lá, chồi non, bông và trái. Ban đầu bệnh xuất hiện chỉ là những chấm nhỏ màu nâu tím, sau lớn dần có màu nâu xám và xung quanh viền nâu vàng. Trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ đó là các ổ bào tử. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau làm lá bị cháy khô từng mảng.
- Khi cành non bị bệnh sẽ tạo các vết nâu làm khô vỏ, cành héo. Bông bị bệnh biến thành màu nâu khô và rụng hàng loạt. Bệnh này lây ra quả tạo thành các đốm nâu hơi ướt và bên trong bị thối. Cây điều đang thời kỳ ra đọt non, bông và quả bị bệnh thán thư nặng có thể giảm năng suất từ 30- 60%.
Thời tiết 2-3 năm nay bất lợi nhưng một số nông dân ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) áp dụng kỹ thuật đẩy năng suất trên 2 tấn/hécta/năm.
- Bệnh thán thư trên cây điều phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ẩm độ không khí cao. Cây chăm sóc kém, sinh trưởng yếu khi bị bệnh thường ảnh hưởng nặng hơn.
- Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là chăm sóc tốt cho vườn cây, tỉa cành tạo tán sau thu hoạch để vườn thông thoáng. Khi phát hiện cây điều bị bệnh nặng nên dùng thuốc trừ bệnh, như: Agronil 75 WP, Bendazon 50 WP, Agrodazim 50 SL...
2/ Bọ xít muỗi đỏ
- Là loại sâu hại nghiêm trọng ở hầu hết các khu vực trồng điều. Bọ xít muỗi đỏ khi trưởng thành có màu nâu đỏ, đầu đen, ngực đỏ, bụng trắng. Bọ trưởng thành thường hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều mát, những ngày âm u ít nắng hoạt động gây hại cả ngày.
- Bọ xít muỗi đỏ cái đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 3-4 trứng trên ngọn hoặc lá non. Trứng rất nhỏ, hình bầu dục, màu trắng trong. Một con cái đẻ khoảng 3-5 lần, mỗi lần 10 trứng. Sau một thời gian trứng nở thành ấu trùng không cánh, mình thon dài, đuôi nhọn màu hồng nhạt. Loại bọ xít này thường xuất hiện lúc cây ra lá non, nụ bông và tập trung cao nhất vào lúc cây trổ bông.
- Bọ trưởng thành và ấu trùng dùng vòi chích hút nhựa ở lá non, chồi non, hoa, trái và hạt non. Các vết chích bị chảy nhựa màu trắng trong sau tạo thành những chấm màu đen. Nhiều vết chích liên kết lại tạo thành vết sẹo, nếu bị nặng thì chồi và hoa sẽ bị chết khô, lá bị xoắn biến dạng. Hạt non bị chích trên vỏ có những đốm vảy màu nâu đen, rụng sớm hoặc giảm kích thước và phẩm chất. Nguy hại hơn là các vết chích là nơi xâm nhập gây hại của một số nấm bệnh.
- Cách phòng trừ là vệ sinh vườn điều, dọn sạch cỏ dại, hun khói vào sáng sớm hoặc chiều tối. Khi phát hiện vườn điều bị bệnh thì phun thuốc vào lúc cành non (tháng 10), lúc cây ra bông (tháng 12) và lúc trái non rộ (tháng 2, 3). Chú ý phun thuốc vào lúc sáng sớm, chiều mát mới phát huy được hiệu quả. Các loại thuốc đặc trị bọ xít muỗi đỏ là Dibamerin 10EC, Cyperan 10EC, Phiromin 50SC...
3/ Bọ trĩ
- Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ, dài 1- 1,5mm, đuôi nhọn màu nâu hoặc đen, cánh dạng sợi và xung quanh có nhiều lông tơ. Bọ non giống bọ trưởng thành nhưng không cánh, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt. Bọ trĩ rất khó phát hiện nên có thể kiểm tra bằng cánh giũ chùm bông điều trên tờ giấy trắng, nếu có bọ trĩ sẽ rơi xuống.
- Bọ trĩ thường xuất hiện khi cây điều ra bông và đẻ trứng ở mặt dưới của lá. Cả ấu trùng và bọ trĩ trưởng thành tập trung ở mặt dưới lá, trên chùm bông chích hút nhựa cây làm lá biến màu và nhăn nhúm, bông điều bị cháy khô màu nâu vàng và rụng. Lưu ý, bọ trĩ thường gây hại cùng với thán thư, vì vậy nông dân nên phân biệt kỹ để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Bệnh này thường gây hại nặng ở những vườn điều ra bông muộn, nhất là những vườn điều xả nhị sau Tết Nguyên đán.
- Cách phòng trừ bọ trĩ là chăm sóc cho cây điều sinh trưởng tốt và ra bông sớm sẽ hạn chế được thiệt hại. Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh nặng, nên phun thuốc phòng trừ như: Sago - Super 20EC, Regent 800 WG, Tungsong 25SL...
- Chú ý, khi phải sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây điều nên dùng các loại có độ độc thấp và phun xịt theo phương pháp "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng pha thuốc theo hướng dẫn trên nhãn, đúng lúc và đúng cách).
Có thể bạn quan tâm
Mục đích của việc này nhằm chủ động xác định thời điểm hết mùa mưa, qua đó tác động những biện pháp kỹ thuật điều khiển cây Điều ra hoa không bị (hoặc ít bị ảnh hưởng của mưa).
cây điều được đưa vào trồng ở miền Nam Việt Nam từ thế kỷ 18, mãi đến 1975 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Cây điều chính thức là cây trồng trong danh mục được trồng lại trong các khu rừng bị phá hoại bởi bơm đạn
Theo Quyết định 39 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về định hướng chiến lược phát triển cây điều, đến năm 2010, diện tích điều ổn định ở mức 350.000ha
Cây điều được du nhập trồng tại Việt Nam ở miền Đông Nam Bộ khoảng 80 năm và hiện nay được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận và các tỉnh dọc theo duyên hải Miền trung
Khoảng cách: khoảng cách thích hợp để trồng Điều là cây cách cây 3m, hàng cách hàng 9m. Trồng điều theo hướng Bắc –Nam để cây nhận được nhiều ánh sáng nhất.