Philippines gia hạn nhập khẩu gạo Việt: Mừng nhiều, lo cũng... không ít
Thêm một tin vui đầu năm khi bản thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn cho giai đoạn tiếp theo, tính từ ngày 31.12.2016 đến hết ngày 31.12.2018. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn không ít...
Trong ảnh: Xuất khẩu gạo liệu có phục hồi trong năm 2017?. Ảnh: T.H
Trước đó, việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng khiến nhiều nhà xuất khẩu gạo hy vọng một năm mới nhiều triển vọng.
Tiếp tục “bám trụ” thị trường Philippines
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), bản thỏa thuận thương mại về xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam – Philippines vừa được gia hạn. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm, đảm bảo duy trì vị thế của nhà xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới.
Theo VFA, đến giữa tháng 1.2017, ĐBSCL đã xuống giống 1,45 triệu ha lúa đông xuân trong tổng diện tích 1,55 triệu ha. Hiện một số vùng đã bắt đầu thu hoạch với khoảng 20.000ha. Giá xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn những ngày đầu năm có dấu hiệu phục hồi nhẹ, giá gạo 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu ở mức 7.350 – 7.450 đồng/kg, gạo 25% tấm có giá 7.000 – 7.100 đồng/kg tùy chất lượng và từng địa phương.
Việc gia hạn bản thỏa thuận này có nhiều ý nghĩa đối với ngành lúa gạo Việt Nam do lâu nay, Philippines chủ yếu nhập khẩu gạo theo dạng đấu thầu Chính phủ (G-G), chỉ các nước đã ký bản Thỏa thuận thương mại gạo cấp Chính phủ với Philippines mới được tham gia các cuộc đấu thầu cung cấp gạo cho thị trường này.
Do đó, bản thỏa thuận là cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam có cơ hội duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines. Hiện tại, chỉ có 3 nước gồm Việt Nam, Thái Lan và Campuchia mới được tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo vào Philippines.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cũng đánh giá, việc gia hạn bản thỏa thuận này đúng thời hạn sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các đợt đấu thầu gạo cấp Chính phủ sắp tới tại Philippines. Gần nhất sẽ là cuộc đấu thầu trong tháng 1.2017 sắp diễn ra.
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines thường chiếm từ 17-20% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu ra thế giới hàng năm trong giai đoạn 2011-2015. Mỗi năm, Philippines nhập khẩu từ 500.000 đến gần 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam, tùy theo tình hình sản xuất và tạm trữ của thị trường, là thị trường truyền thống quan trọng của gạo Việt Nam.
Xuất khẩu liệu có phục hồi?
Theo nhiều chuyên gia, dù ngành gạo đón nhiều tin vui đầu năm, nhưng vẫn chưa thể “nói trước được gì” về hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2017, khi khó khăn vẫn còn chồng chất.
Việc gia hạn bản thỏa thuận thương mại gạo 2010 giữa Việt Nam và Philippines góp phần ổn định thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thị trường gạo thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần để Việt Nam tiếp tục tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo vào Philippines. Nếu muốn thành công ở thị trường này, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ nặng ký như Thái Lan hay nước láng giềng Campuchia, dù xuất khẩu gạo còn ít nhưng được khá nhiều thị trường chấp nhận.
Ông Phạm Minh Thiện – Tổng Giám đốc DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cho rằng, dù nhận được tin vui đầu năm nhưng để xuất khẩu gạo Việt Nam có thể phục hồi trong năm mới 2017, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trên thực tế, sức ép cạnh tranh lên gạo Việt Nam ngày càng lớn, cả về giá lẫn chất lượng.
Như đầu tuần này, trong cuộc họp của Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan, Chính phủ nước này yêu cầu phải bán hết 8 triệu tấn gạo tồn kho trong năm nay. Phần lớn số gạo này là gạo trắng, trong đó khoảng 3 triệu tấn gạo cho tiêu thụ, 3,15 triệu tấn dùng chế biến thức ăn gia súc và chế biến công nghiệp, 1,85 triệu tấn còn lại chỉ dùng trong công nghiệp.
Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Philippines sẽ là thị trường tâm điểm, là mối quan tâm của hầu hết các nhà xuất khẩu gạo lớn trong dịp đầu năm 2017 khi Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) xem xét cho phép nhập khẩu gạo theo MAV trong đầu năm nay. Theo đó, hạn ngạch gạo nhập khẩu theo MAV, tức gạo nhập khẩu được hưởng mức thuế giảm 35%, ở mức khoảng 805.000 tấn.
VFA cũng thông tin, trong khi nhu cầu từ các thị trường lớn yếu, Trung Quốc gần như ít quan tâm tới nhập khẩu gạo trong những tháng đầu năm, nhu cầu thị trường của châu Phi cũng rất hạn chế trong khi cả thế giới gần như đang chờ Việt Nam vào vụ thu hoạch đông xuân 2017. Do đó, áp lực về giá lên lúa gạo Việt Nam sẽ càng tăng cao hơn.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu gạo kéo dài những năm qua, cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, cần có giải pháp đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn gạo Việt Nam khi đưa hàng ra nước ngoài.
“Để thực hiện được việc này, phải có bộ quy chuẩn gạo cho từng nhóm sản phẩm, từng loại gạo đặc sản… Có như vậy mới vực dậy được hoạt động xuất khẩu gạo, tránh tình trạng làm ăn hớt váng” - ông Đệ nói.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này, các cơ sở chế biến dưa kiệu, khô cá lóc, sữa hạt sen trên địa bàn huyện Tam Nông-Đồng Tháp đang hối hả vào mùa sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm
Đặc biệt, tại các xã của huyện Đại Lộc, nhờ tiếp cận và khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình của Ngân hàng CSXH, đời sống người dân được nâng lên
Nhiều hộ chăn nuôi tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã có tiền đầu tư mô hình nuôi gà nòi lai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.