Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Có điểm tựa vốn, nông dân vững tâm

Có điểm tựa vốn, nông dân vững tâm
Tác giả: Đoàn Hồng
Ngày đăng: 19/01/2017

Các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong những năm qua đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chung và huyện Đại Lộc nói riêng. Đặc biệt, tại các xã của huyện Đại Lộc, nhờ tiếp cận và khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình của Ngân hàng CSXH, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể.

Trong ảnh: Nhiều nông dân ở huyện Đại Lộc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH Đại Lộc đã có điều kiện phát triển kinh tế, chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Đ.H

Tiếp vốn kịp thời cho nông dân

Theo ông Trần Việt Phương – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Đại Lộc, những năm qua, các hộ ND trên địa bàn huyện, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng CSXH khá thuận lợi. Nhờ đó, việc phát triển kinh tế hộ gia đình luôn gặt hái được nhiều thành công đáng kể.

Hiện tại, ở 18 xã, thị trấn, nhất là các xã miền núi như Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn… của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đều tiếp cận được nguồn vốn.

“Nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH qua Hội ND mỗi năm đều tăng lên đáng kể. Hiện tại, ở 18 xã, thị trấn, nhất là các xã miền núi như Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn… của huyện Đại Lộc đều tiếp cận được nguồn vốn. Toàn huyện có 3.284 hộ ND vay vốn (tổng dư nợ gần 62 tỷ đồng) và phát huy được hiệu quả đồng vốn ưu đã này…” – ông Phương nhấn mạnh.

Ông Lê Tấn Hùng – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Đại Lộc thông tin, tính đến ngày 31.12.2016, tổng dư nợ của phòng giao dịch đạt 241.148 triệu trồng, tăng 19.922 triệu đồng so với đầu năm, với 12.538 khách hàng vay vốn. Trong số 13 chương trình cho vay như hiện nay, dư nợ tăng trưởng chủ yếu là cho vay hộ cận nghèo với 39.704 triệu đồng, nước sạch 2.801 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo là 1.698 triệu đồng, hộ nghèo xây dựng chòi tránh lũ theo QĐ 48/2014 là 866 triệu đồng...  Riêng chương trình học sinh, sinh viên giảm so với đầu năm, đạt 13.854 triệu đồng…

“Những năm qua, đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ND, nhất là các hộ ND nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH phát triển sản xuất, chăn nuôi… Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2010, toàn huyện chiếm tới gần 20% hộ nghèo thì nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 7,3% (theo tiêu chí nghèo mới)…” – ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phấn khởi nói.

Xây dựng hệ thống ủy thác hiệu quả

Trao đổi với NTNN, ông Lê Tấn Hùng cho hay, toàn huyện Đại Lộc có 18 xã, thị trấn. Chính vì vậy, những năm qua, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH tại đây đã tập trung xây dựng, củng cố chất lượng ủy thác tín dụng của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó các hội, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Hội ND... đóng vai trò quan trọng. Hiện nay toàn huyện có 345 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), với 12.525 hộ vay, trong đó các TKVV hiệu quả nhất là Hội ND (91 tổ TKVV), Hội Phụ nữ (144 tổ TKVV)… “Cán bộ tổ TKVV là người trực tiếp sống cùng người dân nên hiểu rất rõ nhu cầu cũng như nắm bắt được quá trình sử dụng vốn của từng hộ. Vì thế, đồng vốn được cho vay đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Hiện có 336 tổ tốt, khá có 6 tổ, còn lại 3 tổ trung bình và yếu…” – ông Hùng  bày tỏ.

Theo ông Vũ, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện được chính quyền địa phương quan tâm củng cố, nhất là tại các địa phương xã, thị trấn các đồng chí chủ tịch UBND trực tiếp tham gia Ban đại diện nên việc chỉ đạo, điều hành thực hiện khá tốt. Nhờ đó, hoạt động của Ban đại diện ở cơ sở luôn đảm bảo.

Theo ông Hùng, trong mấy năm gần đây, hoạt động của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Đại Lộc luôn đạt kết quả tốt. Tính đến thời điểm 31.12.2016, tổng nguồn vốn đạt 254.177 triệu đồng, tăng so với đầu năm 22.505 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ T.Ư đạt 234.901 triệu đồng, chiếm 92,42%, nguồn vốn ngân sách địa phương 6.248 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,45%, vốn huy động 13.028 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt 241.148 triệu trồng, tăng 19.922 triệu đồng so với đầu năm, với 12.538  khách hàng vay vốn... Trong đó, chất lượng tín dụng ngày càng tăng, nhưng nợ quá hạn, nợ xấu giảm. 


Có thể bạn quan tâm

Hạn chế phân hóa học để phòng bệnh cho hồ tiêu Hạn chế phân hóa học để phòng bệnh cho hồ tiêu

Để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm của cây tiêu, các biện pháp chủ yếu ở những vùng trồng tiêu vẫn là dùng thuốc hóa học.

19/01/2017
Giá lợn giảm thấp kỷ lục, cấp tốc giảm đàn Giá lợn giảm thấp kỷ lục, cấp tốc giảm đàn

Nhiều chuyên gia đề xuất, bên cạnh việc giảm đàn, trước mắt cần có giải pháp tạm trữ lợn bằng phương pháp cấp đông để chặn đà giảm giá.

19/01/2017
Làng nghề dưa kiệu, khô cá “hốt” bạc dịp giáp Tết Làng nghề dưa kiệu, khô cá “hốt” bạc dịp giáp Tết

Thời điểm này, các cơ sở chế biến dưa kiệu, khô cá lóc, sữa hạt sen trên địa bàn huyện Tam Nông-Đồng Tháp đang hối hả vào mùa sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm

19/01/2017