Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Làng nghề dưa kiệu, khô cá hốt bạc dịp giáp Tết

Làng nghề dưa kiệu, khô cá hốt bạc dịp giáp Tết
Tác giả: Trần Trọng Trung
Ngày đăng: 19/01/2017

Thời điểm này, các cơ sở chế biến dưa kiệu, khô cá lóc, sữa hạt sen trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang hối hả vào mùa sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Dù đã tăng sản lượng, nhưng các sản phẩm dưa kiệu, khô cá lóc, khô cá sặc rằn vẫn không đủ cung cấp cho người tiêu dùng…

Trong ảnh: Sản phẩm khô cá lóc của xã Phú Hiệp làm ra đến đâu bán hết đến đấy.  Ảnh: Trọng Trung

Giá tăng vẫn không đủ hàng bán

Xã Phú Hiệp hiện có một tổ thanh niên hợp tác làm dưa kiệu và trên 10 cơ sở chế biến dưa kiệu lớn nhỏ. Mỗi cơ sở thu hút 7 - 10 lao động tham gia. Theo bà con, cứ 10kg củ kiệu tươi sẽ chế biến ra 3,5kg dưa kiệu. Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70 keo (bình, hộp) dưa kiệu thành phẩm với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/keo tùy loại, tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/keo so cùng kỳ năm trước.

Năm rồi, vào thời điểm này bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ bán khoảng 100kg khô cá lóc các loại, năm nay lượng tiêu thụ tăng hơn gấp đôi. Mỗi ngày đều có khoảng 200kg khô cá các loại của cơ sở được đưa đi tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, Bình Dương...”. Ông Nguyễn Ngọc Quý - chủ cơ sở Kim Liên 

Bà Nguyễn Thị Cưng - chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Thành Công 2 cho biết, năm nay, giá củ kiệu tươi tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái, nhưng giá thuê nhân công cũng tăng nên giá bán dưa kiệu tăng theo, từ 7.000 - 10.000 đồng/keo. Dù giá tăng, nhưng dưa kiệu ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, không có chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, cơ sở sản xuất dưa kiệu Thành Công 2 của bà Cưng đã bán được trên 250 keo dưa kiệu các loại.

Anh Trần Minh Tân - chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Tân Quyến, xã Phú Hiệp cho biết thêm: “Cơ sở của tôi chỉ sản xuất ra 2 loại dưa kiệu trong hộp nhựa 300gram và 700gram, giá bán từ 60.000 - 120.000 đồng/hộp. Tôi đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu đặc sản dưa kiệu Tân Quyến, chuyên cung cấp các sản phẩm dưa kiệu, kiệu tươi… nên được nhiều khách hàng tin dùng. Khoảng một tuần nay, cơ sở của tôi đã bán trên 400 hộp dưa kiệu cho khách hàng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…”.

Được biết, năm nay nông dân huyện Tam Nông đã gieo trồng cả ngàn ha củ kiệu, sen, khoai cao, dưa hấu, bắp, ớt các loại để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trong đó, sản phẩm sen cũng được nông dân tăng cường sản xuất, theo đó toàn huyện đã gieo trồng trên 35ha sen giống Đài Loan, tăng trên 12ha so với cùng kỳ năm 2015. Hiện là thời điểm thu hoạch rộ gương sen với năng suất bình quân đạt gần 1.000kg gương sen thương phẩm/công, thương lái thu mua tận nơi với giá dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng sen thu lãi khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/công.

Không chỉ bán gương sen, hạt sen mà các bộ phận khác của sen như: Ngó, lá, cuống, hoa sen, tâm, nhụy... đều có thể bán được nên cây sen có giá trị rất cao về kinh tế. Ông Nguyễn Bé Tư ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, gieo trồng trên 3ha sen, cho biết: “Sen trồng được khoảng 30 ngày thì có thể thu hoạch ngó đợt đầu, năng suất trung bình từ 4 - 5kg ngó sen/công. Sau đó, cứ cách 2 – 3 ngày lại thu hoạch ngó 1 lần và sản lượng ngó sẽ tăng cao từ đợt thứ 2 trở đi nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Nếu thu hoạch gương sen thì phải chăm sóc hơn 3 tháng, năng suất khoảng 100.000 gương sen/công. Ngoài ra, bà con còn có thể nuôi cá trong ruộng sen để tăng thu nhập”.

Khô cá lóc, sặc rằn tỏa đi muôn phương

Nhiều cơ sở sản xuất dưa kiệu đã có thương hiệu, uy tín. Ảnh: T.T

Giống như các làng nghề làm củ kiệu, sen, thời điểm này, các làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ cũng đang hối hả làm ra nhiều sản phẩm để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Tại Công ty cổ phần Tứ Quý, nhiều công nhân đang say sưa làm việc, mọi công đoạn từ phơi, sấy, đóng gói đến ép chân không đều được họ thực hiện rất nhịp nhàng. Theo ông Đỗ Công Bình - Giám đốc công ty, năm nay giá cá lóc nguyên liệu dao động khoảng 25.000 đồng/kg, giảm hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đồng/kg, nguồn nguyên liệu khá dồi dào nên các cơ sở dễ thu mua, giá khô cá cũng giảm nhẹ. Bình quân 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra 1kg cá lóc khô, giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại, giảm 30.000 - 50.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Công Bình cho biết: “Năm nay, lượng khách hàng đặt sản phẩm cá khô sớm hơn năm ngoái. Những ngày đầu năm 2017, công ty đã giao theo đơn đặt hàng trên 1,5 tấn khô cá lóc, khô cá sặc rằn các loại. Hiện chúng tôi  chuẩn bị giao hàng tiếp cho các cửa hàng, đại lý, siêu thị trên 500kg cá khô các loại. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay công ty sẽ sản xuất và bán ra thị trường khoảng 9 tấn khô cá lóc và khô cá sặc rằn với chất lượng thơm ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện toàn xã Phú Thọ có 1 doanh nghiệp, 15 cơ sở chế biến và trên 30 điểm bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc, sản lượng trung bình tại mỗi cơ sở khoảng 200kg khô cá lóc, cá sặc rằn thành phẩm các loại mỗi ngày. Lúc cao điểm, một cơ sở có thể tiêu thụ được trên 300kg khô cá lóc, cá sặc rằn.

Để đáp ứng kịp thời các đơn hàng dịp tết, năm nay, Cơ sở sản xuất khô cá lóc Kim Liên ở xã Phú Thọ phải thuê thêm nhân công và tăng hết công suất hoạt động, vậy mà vẫn không đủ cung cấp cho khách. Ông Nguyễn Ngọc Quý – chủ cơ sở cho biết khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, không sử dụng chất bảo quản nên khách thập phương rất ưa chuộng. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, giá bán phải chăng nên thường được người dân đặt hàng, mua làm quà biếu mỗi khi tết đến, xuân về…


Có thể bạn quan tâm

Philippines tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan Philippines tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan

Chính phủ Philippines​ cho biết các nhà nhập khẩu ngũ cốc nước này đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam trong những tuần qua

17/01/2017
Hạn chế phân hóa học để phòng bệnh cho hồ tiêu Hạn chế phân hóa học để phòng bệnh cho hồ tiêu

Để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm của cây tiêu, các biện pháp chủ yếu ở những vùng trồng tiêu vẫn là dùng thuốc hóa học.

19/01/2017
Giá lợn giảm thấp kỷ lục, cấp tốc giảm đàn Giá lợn giảm thấp kỷ lục, cấp tốc giảm đàn

Nhiều chuyên gia đề xuất, bên cạnh việc giảm đàn, trước mắt cần có giải pháp tạm trữ lợn bằng phương pháp cấp đông để chặn đà giảm giá.

19/01/2017