Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phí Trung Gian Quá Lớn

Phí Trung Gian Quá Lớn
Ngày đăng: 25/03/2014

Hiện giá gà ta lai được người chăn nuôi xuất chuồng chỉ 55.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi đó, tiến hành khảo sát phần lớn các chợ ở Hà Nội, giá gà ta lai được bán ở mức 90.000-100.000 đồng/kg. Nhận thấy chi phí trung gian quá lớn (35.000-40.000 đ/kg), PV NNVN theo chân lái buôn gà tìm hiểu...

ĐI ĐÊM VỀ SÁNG

Chia sẻ của những lái buôn gà nhiều năm kinh nghiệm, xung quanh địa bàn Thủ đô Hà Nội giờ hình thành rất nhiều vùng nuôi gà lớn như Phú Bình (Thái Nguyên), Yên Thế (Bắc Giang), Chí Linh (Hải Dương), Tam Dương (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ)…

Để phục vụ đủ nhu cầu tiêu thụ thịt gà trên địa bàn TP Hà Nội, hầu hết các lái buôn đều phải bắt gà luân phiên tại các địa bàn này. Còn đầu mối tiêu thụ, Hà Nội có 3 chợ gia cầm lớn gồm: Chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín), Chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Đông Anh) và Chợ gia cầm Hà Đông.

Sau thời gian liên hệ, tôi được lái buôn tên Bính ở Bắc Ninh cho theo xe đi mua gà. Lần này, địa bàn bắt gà của chúng tôi là huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chúng tôi đến một hộ gia đình nuôi gà tại huyện Phú Bình tầm 5 giờ chiều. Sau thời gian khen chê, Bính bắt xô cả đàn gà 500 con với giá 58.000 đồng/kg. Với giá bán này, chủ nuôi gà khẳng định không lỗ, song lãi lờ không đáng là bao, coi như mất 4 tháng trời làm không công. Đợi đến 6 giờ tối, chúng tôi mới tiến hành bắt gà.

Với tổng trọng lượng 500 con gà là trên 1 tấn, chúng tôi lên xe tải chạy về Chợ đầu mối Thăng Long, Hà Nội. Trái với lúc đi, lúc về đi qua 3 trạm CSGT thì có tới 2 lần Bính phải xuống xuất trình giấy tờ, anh chia sẻ mỗi lần chi hết 1 "lít" (100.000 đồng - PV). Như vậy, nguyên tiền “làm luật” trên đường cộng tiền giấy kiểm dịch, 1 xe gà hơn 1 tấn, lái buôn như Bính chi phí hết khoảng 400.000 đồng khi về đến chợ đầu mối.

Về đến chợ khoảng 8 giờ tối, Bính phải đóng thêm các khoản chi phí khác gồm: Vé chợ 200.000 đồng/ngày, thuê lồng 50.000 đồng/ngày, thuê bãi 50.000 đồng/ngày, công 1 người bán hàng 150.000 đồng/ngày. Qua đó, tổng chi phí cho 1 xe gà trên 1 tấn cộng tiền xăng dầu 400.000-500.000 đồng/ngày dao động trong khoảng 1,3-1,5 triệu đồng. Từ 9 giờ đêm, chợ lác đác có người đến mua gà và sôi động nhất vào tầm 4-7 giờ sáng hôm sau.

Chứng kiến một ngày làm việc của gia đình anh Bính, tôi thấy đây là công việc rất vất vả, làm đêm làm hôm, ít khi có điều kiện ăn bữa cơm tối cùng gia đình, con cái. Với khoảng 1,2 tấn gà, những lô gà đẹp được vợ chồng anh bán trước với giá 80.000 đồng/kg, những lô sau giảm dần xuống 75.000 rồi 70.000, những con gà mã xấu, cụt đuôi, trụi lông bị lọc lại chỉ bán được giá 65.000 đồng/kg. Kết thúc một đêm làm việc, vợ chồng anh Bính thu về được 90 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí và tiền gốc, chuyến gà này họ lãi được khoảng 1,2 triệu đồng (chưa tính trả công người bán thuê).

Với mức lợi nhuận này, anh Bính nói thẳng cũng chỉ là lấy công làm lãi: “Tất nhiên là so với người chăn nuôi thu nhập của lái buôn cao hơn, nhưng chúng tôi phải bỏ ra mấy trăm triệu để mua ô tô, rồi vốn bỏ ra mỗi chuyến gà gần 100 triệu đồng, lại thức đêm mà lãi có hơn triệu đồng chia cho 3 người thì không có gì là quá đáng cả. Hôm nay còn may mắn vì không có con gà nào kẹp lồng chết đấy, chứ có chuyến chết mất hơn chục con gà coi như hôm đó hết lãi luôn. Các lái buôn ở những chợ đầu mối khác cũng phải chi phí tương tự như chúng tôi thôi”.

ĐẾN TAY NGƯỜI TIÊU DÙNG

Cả một đêm chứng kiến vợ chồng anh Bính bán gà, tôi nhận thấy khách hàng thường mua gà với số lượng 30-40 con hoặc 15-20 con. Chia sẻ của lái buôn, những khách hàng mua 30-40 con thường đổ cho nhà hàng còn 15-20 con thì bán lẻ ở các chợ cho người tiêu dùng. Như vậy, sau khi tăng 10-15 giá ở khâu đầu tiên, khâu tiếp theo giá gà lông lập tức tăng thêm 15-20 giá nữa.

Quả thực, sang hôm sau khảo sát một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội như Kim Liên, chợ Hôm, Ngã Tư Sở, Đồng Xa… gà ta lai được bán với giá 90.000-100.000 đồng/kg (không mặc cả 100.000, mặc cả còn 95.000 hoặc 90.000 đồng/kg).

Khi tôi thắc mắc tại sao 1 kg gà lông tại trang trại giá chỉ 55.000-60.000 đồng/kg mà chị bán những 90.000-100.000 đồng/kg thì chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương bán gà tại chợ Kim Liên cho biết, mỗi lần mua tại chợ đầu mối khoảng 15-20 con gà, chị phải bán 2 ngày mới hết, bởi bình quân mỗi ngày chị bán được trên dưới 10 con.

Tính bình quân 1 con gà nặng khoảng 2 kg, mỗi ngày chị Mai bán được 20 kg. Giá mua là 70.000-80.000 đồng/kg, nếu bán được với giá 100.000 đồng chị lãi 400.000-600.000 đồng/phiên chợ, còn nếu chỉ bán với giá 90.000 đồng/kg thì lợi nhuận đạt 200.000-400.000 đồng/phiên.

Sau khi trừ chi phí thuê chỗ ngồi, mua vé chợ, kiểm dịch, vệ sinh, gà hao hụt cân cộng xăng xe, chị Mai nói thẳng mỗi phiên chợ chị kiếm được khoảng trên dưới 300.000 đồng tùy vào giá bán và lượng hàng bán được.

Thoạt nghe, nhận thấy thu nhập 1 ngày với một tiểu thương như vậy không hẳn là quá cao, song so trên số vốn bỏ ra thì thu nhập 300.000 đồng đạt lợi nhuận 20%/ngày, bởi mua 20 con gà chỉ phải chi ra chừng 1,5 triệu đồng tiền vốn. Đây là với gà lông, nếu là gà đã thịt sẵn, giá đội thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg và người thịt gà lãi thêm được bộ nội tạng.

Qua mấy ngày khảo sát và làm những phép tính, chúng tôi nhận thấy khâu bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng hiện đang có lợi nhuận cao nhất trong chuỗi tiêu thụ thực phẩm nông sản hiện nay. Bởi chỉ cần bỏ ra tầm 1,5 triệu tiền vốn mỗi ngày mà lãi đạt 300.000-400.000 đồng là rất cao.

Đem lập luận này thử hỏi những tiểu thương bán gà tại các chợ thì họ lại nêu cái lí rất đơn giản rằng, làm nghề thịt gà nhem nhuốc, vất vả, nếu một ngày công không đạt từ 300.000 đồng trở lên họ thà đi làm việc khác còn hơn.

Nhìn tổng thể của chuỗi tiêu thụ gà ta lai trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay cho thấy khâu phân phối đang thực sự có vấn đề. Bản thân những lái buôn họ không hề có lỗi bởi bản chất của tư thương là làm gì cũng phải đặt đồng lãi lên hàng đầu.

Để giải quyết được bài toán người nông dân bị bán rẻ người tiêu dùng phải mua đắt này thì việc cắt khâu trung gian thế nào? Chúng tôi lập tức lên xe về TP Hải Phòng tìm hiểu mô hình bán gà trực tiếp cho người dân của Cty CP Dịch vụ & Nông nghiệp Thuận Hưng.

Anh Vũ Văn Thuận, một lãnh đạo Cty Thuận Hưng chia sẻ: Giá gà ta lai tại Hải Phòng lúc nào cũng cao hơn Hà Nội tầm 5 - 10 giá, hiện gà ri lai được bán tại các chợ truyền thống ở Hải Phòng là 110.000-120.000 đồng/kg, song đơn vị của anh chỉ bán với giá 90.000-100.000 đồng/kg.

Chúng tôi hỏi sau khi cắt bớt được khâu trung gian, anh mua cho người chăn nuôi giá bao nhiêu? Lúc này, anh Thuận thừa nhận đơn vị của mình chỉ mua cho người chăn nuôi mức giá chênh khoảng 5.000 đồng/kg so với mặt bằng chung, tức là gà ri lai đang được Cty mua với giá từ 63.000-65.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ cần cắt bớt đi 1 khâu trung gian, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều được hưởng lợi, dù khoản lợi đó chưa nhiều. Tuy nhiên, bài toán khâu trung gian vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Theo chia sẻ của một số lái buôn lâu năm rằng phải cần có sự can thiệp của Nhà nước, chẳng hạn bằng động thái rất đơn giản: Đó là lái buôn cấp 1 thay vì mỗi chuyến xe chở 1 tấn gà sẽ phải chở 3-5 tấn (khống chế đầu xe gà tại chợ đầu mối) và tiểu thương bán lẻ ở chợ thay vì một ngày bán 20 kg gà thịt thì phải bán 100 kg (khống chế đầu tiểu thương bán gà tại 1 chợ).

Khi đó, ngày công của lái buôn cấp 1 vẫn đảm bảo 1-2 triệu/chuyến nhưng giá bán gà giảm đi rất nhiều còn tiểu thương lợi nhuận vẫn đạt 300.000-500.000 đồng/ngày, nhưng chia đều cho 100kg gà thì sẽ trở nên hợp lí hơn.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Tôm Sú Và Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Tân Phú Đông Đang Gặp Khó Ở Tiền Giang Người Nuôi Tôm Sú Và Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Tân Phú Đông Đang Gặp Khó Ở Tiền Giang

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con, tuy nhiên nghề này vẫn tồn tại những rủi ro rất cao, thậm chí có những vụ nhiều bà con phải mất trắng. Với thời điểm hiện tại khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp kèm theo các biện pháp kiểm soát chất lượng về môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh trên diện tích ao tôm vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt trong thời gian qua là điều không thể tránh khỏi, gây thiệt hại rất lớn đến với các hộ nuôi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện hiện có 49 ha với 44 triệu con giống đang bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng.

29/04/2013
Một Xã Thu Trên 28 Tỷ Đồng Từ Cây Ớt Ở Quảng Ngãi Một Xã Thu Trên 28 Tỷ Đồng Từ Cây Ớt Ở Quảng Ngãi

Từ tháng 3/2013 đến nay, trên các cánh đồng ớt ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), không khí tất bật mùa thu hoạch. Mới bước vào đầu vụ thu hoạch, giá ớt thu mua khá cao và ngày càng tăng, từ 12.000 đồng/kg lên gần 25.000 đồng/kg, thương lái vào tận ruộng thu mua nên đầu ra quả ớt rất thuận lợi.

29/04/2013
Tìm Hướng Gỡ Khó Cho Con Cá Tra Tìm Hướng Gỡ Khó Cho Con Cá Tra

Thời gian qua, nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do biến động kinh tế đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có con cá tra. Thêm vào đó, đợt xét thuế chống bán phá giá lần thứ 8 của Bộ Công Thương Mỹ làm cho "đầu ra" của con cá tra đã khó lại càng thêm khó.

02/05/2013
Cây Đậu Phụng Trên Đất Bình Thuận Cây Đậu Phụng Trên Đất Bình Thuận

Với đặc điểm thổ nhưỡng đất cát bạc màu, thiếu nước tưới, ngoài một số ít diện tích chủ động nước sản xuất lúa, đất nông nghiệp ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) chỉ phù hợp với cây mì; song trồng mì thời gian dài làm cho đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Trong điều kiện như vậy, những năm gần đây người dân chuyển sang trồng cây đậu phụng và điều đó đã giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

02/05/2013
Người Nuôi Tôm Bỏ Vụ Vì Dịch Bệnh Ở Huế Người Nuôi Tôm Bỏ Vụ Vì Dịch Bệnh Ở Huế

Tuy đã vào mùa vụ thả nuôi tôm mới, nhưng cho đến nay tình hình dịch bệnh, nắng nóng vẫn chưa được cải thiện đã tạo nên tâm lý lo ngại của các hộ nuôi.

03/05/2013