Phát Triển Vùng Nuôi Tôm Công Nghiệp Tập Trung Ở Cà Mau
Trong tiến trình phát triển nghề nuôi thủy sản, tỉnh đã quy hoạch 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, sau một thời gian quy hoạch được thông qua, hiện nay 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Việc triển khai quy hoạch như mục tiêu ban đầu đang gặp phải nhiều khó khăn.
Giậm chân tại chỗ
Hai vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đã được tỉnh phê duyệt thuộc xã Hòa Tân, TP Cà Mau và xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, quy mô gần 2.000ha. Đây được xem là 2 vùng nuôi tạo sự đột phá cho con tôm Cà Mau từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, dù được phê duyệt khá lâu nhưng việc triển khai thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ.
Xác định tôm công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Đầm Dơi đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.000ha. Từ đó, vào tháng 9-2010, huyện phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải tiến hành quy hoạch dự án vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại 2 ấp Trung Cang và Thành Vọng, xã Tân Trung, với tổng diện tích hơn 650ha. Tuy nhiên, theo ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, quy hoạch đã được phê duyệt khá lâu nhưng đến nay không có doanh nghiệp nào chấp nhận vào đầu tư. Hiện có hơn 432 hộ sinh sống trong khu vực này, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh tự nhiên.
Đây là vùng đất gò cao, lâu nay sản xuất kém hiệu quả, thu nhập bình quân của người dân thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong xã. Sản xuất lạc hậu, đất đai phân tán nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao là những rào cản trong việc vận động sự đầu tư của doanh nghiệp vào vùng nuôi. Theo ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, với hiện trạng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đã được phê duyệt thì mục tiêu vận động doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch là không thể làm được.
Để thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế thủy sản từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung được xem là một điểm nhấn và nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, đây là một trong những mục tiêu rất khó đạt được. Một trong những rào cản vẫn là cơ sở hạ tầng vùng nuôi và việc thỏa thuận lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân.
Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hòa Tân, TP Cà Mau cũng còn khá hoang sơ và chưa thấy được bóng dáng của doanh nghiệp. Theo quy hoạch, nguồn vốn để phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp của Hòa Tân là 1.564 tỷ đồng. Trong đó, vốn của dân 1.512 tỷ đồng, vốn từ ngân sách nhà nước 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa quy hoạch trên là điều vô cùng khó khăn cho chính quyền địa phương.
Thí điểm từ diện tích nhỏ
Theo ông Tiết Tiến Dũng, việc triển khai phát triển quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung khó khăn còn xuất phát từ tập quán sản xuất của người dân. Đất đai phần lớn là do ông bà để lại nên đa phần người dân có tâm lý chỉ muốn tự mình sản xuất trên đất của mình. Vì thế, việc thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp khó đạt được.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi Nguyễn Văn Lưu (Phi Hùng), người có 14 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm công nghiệp, cho rằng muốn phát triển vùng nuôi bền vững, trước tiên phải quan tâm đến môi trường. Khâu cải tạo môi trường bằng những loại cây trồng xung quanh vùng nuôi phải được quan tâm đầu tiên nếu muốn phát triển lâu dài. Phải thay đổi quan niệm của người dân và doanh nghiệp trong vùng nuôi. Tuy nói là vùng nuôi tôm công nghiệp nhưng không thể chỉ độc canh con tôm mà phải tiến hành xen canh và đa canh.
Trước những khó khăn trên, giải pháp hiện nay của Sở NN-PTNT là chọn thí nghiệm trên tiểu vùng nhỏ hơn, sau đó mới nhân rộng. Ông Châu Công Bằng cho biết, cùng với quy hoạch tổng thể, trước mắt sở đã lập đề cương chi tiết phát triển thí điểm vùng nuôi nhỏ khoảng 100ha, thậm chí nhỏ hơn trong vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, thủy lợi. Sau đó sẽ mời gọi các công ty, doanh nghiệp xúc tiến hợp tác với bà con nông dân cùng thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung.
Theo ông Châu Công Bằng, hiện nay sở đã tranh thủ được dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn khoảng 4 triệu USD. Thời gian tới, sở sẽ dành toàn bộ số tiền này để đầu tư cho 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đã được quy hoạch. Nhưng để quá trình triển khai được thuận tiện nhất, chính quyền địa phương nơi có quy hoạch cần phải quyết liệt vận động nhân dân đồng thuận trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tổ chức sản xuất bên trong.
Có thể bạn quan tâm
Đến xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi tìm nhà ông Dương Việt Long - bà Nguyễn Thị Đào, gần như ai cũng biết, bởi đây là gia đình chăn nuôi lợn siêu nạc giỏi nhất nhì xã này.
Bệnh sán lá gan là bệnh xảy ra khá phổ biến ở loài gia súc nhai lại như: Trâu, bò, dê, cừu… Bệnh thường ở thể mãn tính, làm cho vật nuôi gầy yếu, chậm lớn mà không gây ốm cấp tính hoặc quật ngã con vật ngay. Vì vậy người nuôi thường không phát hiện được bệnh, ít quan tâm đến việc phòng bệnh.
Đã gần 20 năm nay, địa chỉ “Huy Veo” ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) chuyên cung cấp cây bóng mát, cây công trình của ông Nguyễn Văn Veo trở nên thân quen đối với nhiều cơ quan, đơn vị, các khu du lịch trong vùng.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Hà Giang) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP?
Có mặt trên cánh đồng thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những ngày cuối tháng 5, các đại biểu và bà con nông dân tham gia hội thảo đánh giá chất lượng TBR 225 đều vui mừng vì đã tìm ra được giống lúa có chất lượng gạo ngon và năng suất rất cao.