Ách Tắc Dưa Hấu Thông Quan Thiếu Điều Tiết Vĩ Mô
Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này hàng năm, tình trạng ùn tắc hàng ngàn xe chở nông sản chủ yếu là dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại tiếp tục tái diễn. Mặc dù lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện để thông quan song vẫn không xuể.
Hàng ngàn xe chờ thông quan
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày có khoảng 700 xe nông sản, trong đó 90% là dưa hấu xếp hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi, khả năng thông quan chỉ có thể đáp ứng được 250- 300 xe/ngày.
Phía Trung Quốc, bãi chứa hàng nông sản tại Pò Chài (Quảng Tây) cũng chỉ có thể chứa được nhiều nhất 300 xe với lượng hàng tối đa 900 tấn. Số lượng hơn 400 xe còn lại cộng thêm với lượng xe từ miền Nam ra liên tục tập kết tại khu vực này đã khiến cho tình trạng ùn ứ càng trở nên nghiêm trọng.
Mặc dù UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng liên ngành gồm công an, hải quan, kiểm dịch thực vật trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho hàng nông sản được thông quan. Các cơ quan công an, hải quan đã tích cực làm việc hết công suất nhưng vẫn không giải tỏa nổi.
Đại tá Nông Văn Định- Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn- cho biết:
Công an tỉnh Lạng Sơn đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, cả dân quân tự vệ túc trực cả ngày, đêm để phân luồng giao thông trên quốc lộ 1A cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 60km. Tuy nhiên, lượng xe chở dưa hấu dồn về rất lớn nên tình trạng ách tắc vẫn xảy ra.
Theo ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh: Hiện Trung Quốc không phải vụ dưa trong khi cần một lượng dưa hấu lớn cho Tết Thanh Minh và tiêu thụ trong nước nên vẫn thu mua dưa của Việt Nam.
Phía Trung Quốc đã đồng ý kéo dài thời gian thông quan hàng hóa từ sáng sớm đến tận 9-10 giờ đêm, tuy nhiên hàng ngày tối đa cũng chỉ giải quyết thông quan cho khoảng 400 xe, hơn nữa, lượng dưa từ miền Nam vận chuyển ra quá nhiều nên vẫn tắc nghẽn, nguy cơ hư hỏng dưa là rất cao.
Cần chính sách mang tầm chiến lược
Cũng theo ông Toàn, mặc dù số lượng dưa hấu xuất sang Trung Quốc đang ứ đọng rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện tình trạng thương lái ép giá. Giá thu mua trong khoảng 10 ngày trở lại đây luôn ổn định ở mức trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg.
"Tuy nhiên, với số lượng dưa hấu tăng đột biến như hiện nay, nguy cơ bị thương lái Trung Quốc ép giá trong thời gian tới là có khả năng xảy ra”- ông Toàn cảnh báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dưa hấu bị ùn tắc không phải bất ngờ mà diễn ra hàng chục năm qua. Sở dĩ tình trạng này chưa được xử lý do Việt Nam chưa xây dựng được các hiệp hội sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản; chưa quan tâm đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản lâu hơn.
Do đó, chúng ta thu hoạch đồng loạt và bán ồ ạt cùng một lúc. Mặt khác, việc xuất khẩu dưa hấu nặng lối buôn bán theo phong trào, chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên rất bấp bênh, hoàn toàn bị lệ thuộc vào chính sách biên mậu của nước bạn. Đặc biệt là thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô về quy hoạch sản xuất hay chiến lược xuất khẩu nông sản hợp lý, nên dù hết sức cố gắng, việc giải tỏa ách tắc ở cửa khẩu không dễ dàng gì.
Vì vậy, bản thân thương nhân cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng hàng hóa ứ đọng và bị ép giá. nHiện Trung Quốc đang xây dựng thêm 2 bãi chứa hàng, nâng mức chứa lên 700 xe/ngày, dự kiến đến năm 2015 sẽ được đưa vào hoạt động mới hy vọng không còn xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa diễn ra từ nhiều năm nay.
Có thể bạn quan tâm
9 tháng của năm 2013, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã sản xuất và tiêu thụ 55,7 triệu con cá tra bột; 9,5 triệu con post tôm càng xanh toàn đực; 7,1 triệu con và 6.638 kg cá giống các loại, như: Cá tra, lươn đồng, cá lóc, cá hô, cá lăng nha, cá chạch, cá chép, cá trôi, cá mè vinh, cá sặc rằn.
Cũng như nhiều ngư dân khác của huyện Hải Hà (Quảng Ninh), anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tiến Tới đang tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng để ra khơi. Là ngư dân hoạt động kiêm nghề, trong những chuyến khai thác đầu tiên của vụ cá Bắc năm nay, tàu của anh chủ yếu là khai thác bằng nghề lồng bẫy. Đối tượng khai thác chính của nghề lồng bẫy là ghẹ, cua, ốc hương, mực, tôm, bạch tuộc...
Theo phản ánh của người nuôi cua, hiện nay thương lái đến tận ruộng mua cua y với giá dao động từ 170 - 190 ngàn đồng/kg, cua gạch có giá từ 280 - 300 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 70.000 đồng/kg so với thời kỳ rớt giá.
Ngày 30-9, tại huyện Phú Lương, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Dự án xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể dinh dưỡng để trồng rau, hoa trong chậu.
Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…