Phát Triển Thủy Sản Trên Lòng Hồ Thủy Điện Sơn La
Thực hiện Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Mường Lay bị thu hẹp. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân hậu TĐC luôn được các cấp, các ngành chú trọng.
Bằng nguồn vốn DANIDA và vốn của Sở Khoa học Công nghệ, Dự án nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng đã được Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên triển khai trên hồ Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, nhằm khai thác lợi thế từ hồ thủy điện cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hậu tái định cư.
Mục tiêu chính của Dự án là chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người dân TĐC trên địa bàn thị xã, qua đó nhằm khai thác tiềm năng thúc đẩy phát triển thủy sản cho vùng có ưu thế về diện tích mặt nước như hồ Thủy điện Sơn La và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình, cá rô phi đơn tính cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng phát triển sản xuất mới từng bước giúp người dân thay đổi tập quán canh tác quảng canh sang nuôi thâm canh, tạo nguồn thu lớn cho nông dân.
Hồ Thuỷ điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay bắt đầu vận hành từ năm 2011 với mực nước dâng bình quân 215m, lưu lượng nước lớn, chất lượng nước tương đối sạch, dòng chảy ổn định đã tạo ra một hệ sinh thái khép kín phù hợp với nuôi thủy sản. Đây là lợi thế quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa nói chung, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm qua, phần lớn người dân trên địa bàn chỉ áp dụng phương pháp nuôi thả truyền thống nên chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trên hồ thủy điện được triển khai tại phường Sông Đà đã có 4 HTX và 4 nhóm hộ gia đình tham gia. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống, thức ăn; được hướng dẫn quy trình chuẩn bị ao nuôi, cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thủy sản tỉnh thường xuyên theo dõi giúp đỡ các hộ triển khai mô hình trong suốt quá trình thực hiện.
Thực tế cho thấy, sau gần 6 tháng nuôi, trung bình cá rô phi đơn tính đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg/con, nhanh lớn hơn nhiều so với cá rô phi thường. Anh Tô Thanh Toản, tổ 2 phường Sông Đà cho biết: Các loại cá rô phi khác thường cho hiệu quả kinh tế không cao bởi chúng có trọng lượng nhỏ, giá cá thương phẩm thấp. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật và qua thực tế nuôi, tôi thấy rô phi đơn tính dễ nuôi, giá cá thương phẩm cao, nhu cầu thị trường rất lớn.
Kỹ thuật chăm sóc cá cũng không khó lắm: giai đoạn cá nhỏ dưới 300 gam cho cá ăn thức ăn tự chế có hàm lượng đạm 25 - 30% hoặc thức ăn công nghiệp; giai đoạn cá trên 300 gam nên cho ăn thức ăn công nghiệp và có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Qua theo dõi cho thấy, tại 4 lồng nuôi theo mô hình, cá phát triển tốt, không mắc dịch bệnh.
Do nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên đến nay thị xã Mường Lay đã có 4 HTX và 4 nhóm hộ nuôi cá lồng, thay vì một vài hộ lúc đầu. Kết quả lạc quan từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng cho thấy, không chỉ đem lại giá trị thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Trần Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Mường Lay cho biết: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đã góp phần quan trọng tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho người vùng TĐC. Thực tế cho thấy, việc triển khai nuôi cá lồng trên hồ thủy điện không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động sau TĐC mà còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm thuỷ sản sạch, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ của thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường.
Đó cũng là một trong những hướng đi vừa giải quyết việc làm cho lao động và đem lại nguồn thu nhập nâng cao mức sống người dân địa phương. Hơn nữa cá rô phi đơn tính được triển khai trên hồ Thủy điện Sơn La phát triển rất tốt, tỷ lệ sống cao, cá thích nghi được với môi trường nước của lòng hồ thủy điện.
Xác định khai thác tiềm năng thế mạnh trong việc phát triển kinh tế thủy sản là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thời gian tới, thị xã Mường Lay sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy trình nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, đẩy mạnh công tác quản lý đi đôi với việc phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung, thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn công tác kĩ thuật chăn nuôi thủy sản cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 đưa kinh tế thủy sản trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ nước mía ở Đà Nẵng tăng mạnh, nhưng đáng buồn, người trồng mía ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại “nếm” thêm một mùa “mía đắng” do tư thương cấu kết thu mua với giá rẻ như bèo.
Từ 5/7, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản sẽ được siết chặt hơn bằng Thông tư 26/2013 về quản lý giống thủy sản mà Bộ NN&PTNT vừa ban hành.
Tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 140.000 tấn quả tươi. Trong đó tỉnh sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60% còn lại xuất khẩu 40% với các thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số nước châu Âu.
Mặc dù thuộc tốp đứng đầu châu Á về sản lượng thịt lợn, mật ong và đóng góp khoảng 28% trong cơ cấu GDP toàn ngành nông nghiệp, song ngành chăn nuôi nước ta vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững. Tái cơ cấu sản xuất, cùng những giải pháp quyết liệt trợ giúp người chăn nuôi, là những việc cần làm ngay để nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong xu thế hội nhập quốc tế.
Đến ngày 25/5, nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi đã cấy sạ 20.704 ha lúa hè thu, đạt 62,4% kế hoạch. Trong điều kiện trời nắng nóng, khô hạn, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ cấy sạ lúa hè thu.