Phát Triển, Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Thạch Thành
Theo chân cán bộ xã Thạch Quảng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Bùi Văn Cự tại làng Thố. Không giấu nổi niềm vui khi đã chọn được con đường làm giàu đúng đắn, anh Cự nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những chuồng trại dưới đồi mía và keo.
Anh chia sẻ, những năm trước, do chưa có định hướng nên gia đình chỉ độc canh 4 ha keo và mía, hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ khi biết đến đề án “chăn nuôi dưới tán rừng” của huyện cùng với sự quan tâm của chính quyền, cán bộ địa phương và học hỏi từ bạn bè, anh em, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi.
Chủ động chuồng trại, tiêm phòng định kỳ nên năm 2013, đàn vật nuôi gồm 20 con lợn cỏ và lợn rừng, 300 con chim trĩ và gà đồi, mang lại cho gia đình lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Anh đang dự tính, sang năm 2015 sẽ chuyển đổi 2,3 ha trồng mía kém năng suất sang trồng cỏ và mua thêm 10 con bò để chăn nuôi.
Đây chỉ là 1 trong số 15 hộ gia đình đăng ký xây dựng trang trại chăn nuôi dưới tán rừng đang được UBND xã Thạch Quảng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND huyện Thạch Thành cấp giấy Chứng nhận trang trại trong năm 2014. Theo thống kê của UBND xã Thạch Quảng, từ khi đề án chăn nuôi dưới tán rừng được triển khai, đến hết tháng 9-2014 đàn bò tăng 27,1% so với cùng kỳ, đàn dê tăng 59%; đàn gia cầm tăng 22%, đặc biệt đã phát triển được 578 đàn ong mật, đạt 231% kế hoạch huyện giao.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dưới tán rừng đã giúp người nông dân tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác, ổn định việc làm, thu nhập bình quân đầu người 9 tháng năm 2014 đạt 19,5 triệu đồng.
Trao đổi với cán bộ Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi được biết, từ năm 2013, đề án “chăn nuôi dưới tán rừng” được triển khai, đến nay nhiều mô hình chăn nuôi con đặc sản được đầu tư phát triển mạnh; trong đó đàn dê, đàn ong mật tăng nhanh.
Đến nay, toàn huyện có 17.801 con trâu, tăng 11,9%; đàn bò 6.531 con, tăng 27,6%; đàn dê 14.708 con, tăng 63,3%; đàn lợn 41.808 con, tăng 39,6%; đàn gia cầm 554.103 con, tăng 202,9%; đàn ong 43.189 đàn, tăng 654%. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, công tác lai tạo giống, tiêm phòng được huyện chú trọng nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi được nâng lên rõ rệt.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sau dồn điền, đổi thửa huyện đã hình thành phát triển các vùng chuyên canh tập trung như vùng trồng lúa, vùng trồng mía nguyên liệu, cao su...
Với việc áp dụng cơ giới hóa, thay đổi cơ cấu giống, đầu tư thâm canh..., năng suất của các loại cây trồng tăng lên qua từng năm. Với cây lúa, năng suất từ 44,4 tạ/ha năm 2010 tăng lên 53 tạ/ha năm 2014; cây mía tăng từ 40 tấn/ha niên vụ 2009-2010 lên 60,7 tấn/ha niên vụ 2013-2014...
Bên cạnh đó, huyện hình thành được 1.200 ha diện tích gieo trồng rau màu các loại, trong đó có nhiều loại rau cao cấp như ớt, dưa chuột, dưa bao tử, bí xanh... trên cơ sở hợp tác liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp và cho thu nhập từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha/vụ. Bước đầu hình thành vùng rau an toàn với quy mô 4ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Hưng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phát triển cây công nghiệp là thế mạnh của Thạch Thành, ngoài cao su, có thể kể đến hiệu quả từ mô hình trồng cây mắc ca đang được khuyến khích nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn. Đây cũng được xác định là một trong 3 cây công nghiệp trong chiến lược phát triển của huyện.
Với mô hình này, lợi nhuận thu được hàng năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Với mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển vùng chuyên canh tập trung, 2 vườn ươm giống cây mắc ca tại 2 xã Thành Mỹ và Thành Tâm đang được đầu tư nhằm cung ứng giống phục vụ nhu cầu trồng của nông dân.
Theo lộ trình, giai đoạn 2015-2020 sẽ có hơn 2.000 ha đất trồng mía kém năng suất, đất vườn... được tập trung phát triển cây mắc ca. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mở như bơ, bưởi, cam cũng đang được khuyến khích nhân rộng và đến năm 2020 có hơn 700 ha diện tích trồng cây ăn quả, trong đó có 500 ha trồng bơ.
Để phát huy thế mạnh nông - lâm nghiệp, bảo đảm tăng trưởng bền vững, việc quy hoạch, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực có ưu thế cạnh tranh, cùng với những giải pháp gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp sẽ là hướng đi bền vững của huyện trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Vụ ớt tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải thẳng thắn thừa nhận là mất mùa. Thất bát trong trồng trọt là điều khó tránh khỏi, nhất là vụ ớt đã gặp phải một mùa nắng nóng đỉnh điểm.
Với diễn biến của thị trường phân bón hiện nay, các nhà sản xuất phân bón nội địa tại Việt Nam đang có lợi thế, nhất là nhà máy sản xuất Urê và DAP.
Hơn nửa tháng nay, một số bà con trồng lúa ở TX. Gò Công và huyện Gò Công Tây phải gánh chịu thiệt hại vì hiện tượng lúa bị khô bông.
Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước tạm ngưng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng định kỳ hai năm/lần đã khiến việc nhập khẩu phân bón, nhất là mặt hàng phân đạm (Urê) trong những tháng đầu năm nay tăng khá mạnh.
Việc sử dụng chất cấm salbutamol nhằm tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Nếu không chặn đứng hiện tượng này, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu và bị người tiêu dùng trong nước quay lưng.