Phát Triển Kinh Tế Vườn, Trang Trại
Nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) và chăn nuôi (2012 - 2016) ra đời đã giúp nhiều hộ nông dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn.
Từ chủ trương phù hợp
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển KTV, KTTT thành ngành sản xuất hàng hóa, nghị quyết đề ra cơ chế hỗ trợ cụ thể cho từng loại cây trồng, con vật nuôi cần khuyến khích phát triển như tiêu, thanh trà, lòn bon, măng cụt, dó bầu, quế, cau, chuối, heo nái, bò đực giống, gà địa phương…
Mức hỗ trợ từ 20.000 - 50.000 đồng/cây trồng, từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng cho 1ha đối với loại cây trồng tính theo diện tích, hỗ trợ 50% kinh phí mua bò đực giống, heo giống... Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế phẩm sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, tiền mua thuốc trừ sâu, máy ấp trứng... Đối với mô hình vườn có quy mô lớn, có hệ thống nước tưới đồng bộ được hỗ trợ đến 10 triệu đồng/mô hình.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để đưa nghị quyết vào cuộc sống cùng với việc đầu tư, nghiên cứu kỹ, xây dựng cơ chế hỗ trợ sát đúng, phù hợp, chúng tôi còn trực tiếp tổ chức các buổi sinh hoạt, đối thoại với nhân dân để lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, trên cơ sở đó xây dựng biện pháp chỉ đạo tổ chức hiện đạt hiệu quả cao nhất”.
Qua gần 2 năm triển khai, nhân dân toàn huyện đã cải tạo gần 100ha vườn, trồng mới gần 10.000 choái tiêu, trên 5.500 thanh trà, 800 măng cụt, 20ha lòn bon và trên 40ha dó, cau quế, chuối các loại và xây dựng được 9 mô hình vườn xanh - sạch - đẹp, hiệu quả. Tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển KTV, KTTT hơn 1 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi huyện đã hỗ trợ gần 750 triệu đồng cho các hoạt động xây dựng trại heo đực giống, mua bò đực giống, heo nái, máy ấp trứng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng 40 hầm biogas gia đình.
Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương cho thấy đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện nghị quyết. Nhiều hộ đầu tư xây dựng mô hình rất bài bản. Mới năm thứ hai nhưng đã có nhiều vườn tiêu, thanh trà phát triển khá xanh tốt”.
Đến những mô hình mới
Trên địa bàn xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng hộ anh Nguyễn Tùy ở thôn 4 (Tiên Phong) đã xây dựng được mô hình kinh tế vườn với hơn 200 choái tiêu phát triển xanh tốt, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nguồn thu ổn định. Đây là một trong những hộ đi đầu trong việc thực hiện phát triển KTV, KTTT.
Anh Tùy cho biết: “Thấy cây tiêu khá phù hợp với đất vườn nhà, tôi quyết định đầu tư phát triển loại cây trồng đặc sản này, nhưng ban đầu cũng chỉ trồng theo kinh nghiệm là chính.
Đến khi được địa phương khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ thuật tôi mới mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình và chuyển dần theo hướng thâm canh”. Hiện vườn tiêu của anh có gần 50 choái đã cho thu hoạch. Riêng trong 2 năm (2012 - 2013) anh đã trồng mới thêm 130 choái. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên vườn tiêu nhà anh Tùy phát triển khá tốt, cho năng suất cao.
Hộ anh Nguyễn Thọ, ở thôn 2 (Tiên Thọ) cũng là một điển hình của xã về hưởng ứng chủ trương phát triển KTV, KTTT. Khu vườn tiêu rộng hơn 500m2 của anh Thọ bị thiệt hại nặng sau bão năm 2009 chưa có điều kiện khôi phục. Do vậy, nghị quyết của HĐND huyện ra đời đã cho anh cơ hội xây dựng lại khu vườn.
Cơ chế của huyện là hỗ trợ sau đầu tư nên anh đã tự vay vốn để trồng mới 100 choái tiêu và đầu tư trên 3 triệu đồng xây dựng bể chứa nước tưới. Anh Thọ cho biết: “Mặc dầu rất ham làm vườn, trồng tiêu nhưng điều kiện còn khó khăn quá nên tôi cũng chưa dám vay tiền đầu tư. Vừa qua, được sự động viên, khuyến khích của huyện, xã tôi thấy rất phấn khởi và bắt tay vào thực hiện ngay mong ước đã ấp ủ bấy lâu nay”.
Được sự chăm sóc chu đáo, có nước tưới thường xuyên vườn tiêu của anh Thọ phát triển khá tốt, vừa qua đã được huyện, xã nghiệm thu để hỗ trợ theo quy định.
Điển hình còn có mô hình trồng mới 120 cây thanh trà của ông Trà Thanh Thảo (xã Tiên Hiệp), mô hình trồng 100 - 200 choái tiêu của các hộ Võ Xuân Tân, Nguyễn Quốc Trinh (xã Tiên Mỹ), Nguyễn Văn Đại, Võ Văn Đỏ (xã Tiên Phong), Nguyễn Hữu Phước (xã Tiên Châu), Mai Huấn (xã Tiên Lộc), Nguyễn Văn Trung (xã Tiên An)...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra, phúc tra vẫn còn tình trạng các hộ đã đăng ký xây dựng mô hình nhưng thực hiện không đạt các tiêu chí theo quy định nên không được hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
Ba ba là loại động vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, đầu ra đảm bảo, đặc biệt là lợi nhuận mang lại khá cao.
Anh Bùi Văn Lương ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã “biến” bãi ruộng hoang thành trang trại VAC cho thu nhập cao.
Nuôi ốc nhồi giống, ốc thương phẩm cung cấp cho thị trường cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng thôn Trung Văn
Mô hình nuôi cá chạch lấu thu lãi tiền tỉ của anh Trần Văn Tính (27 tuổi, ngụ ấp Thuận Hưng, TT.Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) đang được nhiều nông dân
Mô hình nuôi cá – lúa đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Đó cũng là hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.