Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng kinh tế mới từ nuôi chim siêu to khổng lồ

Hướng kinh tế mới từ nuôi chim siêu to khổng lồ
Tác giả: NB
Ngày đăng: 08/04/2022

Hiệu quả từ chăn nuôi loài chim “siêu to khổng lồ” này là khá tích cực, dù việc nhân rộng vẫn cần thêm định hướng chính sách.

Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của chính quyền địa phương, hơn 5 năm trước, anh Nguyễn Phú Tiện (thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái) đã thuê khoán khu đất ven đê để chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà, vịt. Sau thời gian giá cả thị trường biến động do dịch bệnh, anh Tiện nhiều lần trăn trở về việc chuyển đổi giống vật nuôi.

Qua một vài lần lên thăm trang trại tại huyện Ba Vì, năm 2019, anh Tiện quyết định đưa đà điểu về chăn nuôi thương phẩm thay cho gà, vịt. Ban đầu là vài chục con, đến nay tổng đàn đà điểu của gia đình anh Tiện đã lên tới hơn 300 con. Việc chăn nuôi đà điểu, theo anh Tiện là không quá phức tạp. Đà điểu là loài ăn tạp với nguồn thức ăn có thể cung cấp khá dồi dào; phổ biến nhất là các loại rau, cỏ, lá, ngũ cốc (đậu, yến mạch, lúa, gạo, ngô…); các loại bột cá, bột xương. Phụ phẩm của các nhà máy chế biến cũng có thể phối trộn làm thức ăn bổ sung cho đà điểu.

Theo chia sẻ của một số hộ nuôi đà điểu ở xã Khai Thái, chu kỳ nuôi loài chim “siêu to khổng lồ” này kéo dài từ 9 - 10 tháng. Khi đó đà điểu đạt trọng lượng từ 95 kg đến khoảng 1,1 tạ và có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, người dân có thể nuôi đến 15 tháng mà đà điểu vẫn tăng cân. Điều này thực tế đã giúp các hộ điều chỉnh được thời điểm bán ra khi giá thịt đà điểu xuống thấp, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi đà điểu ở xã Khai Thái chủ yếu lấy nguồn cung cấp con giống tại những trang trại ở huyện Ba Vì hoặc một doanh nghiệp có tiếng tại tỉnh Khánh Hoà. Nguồn giống nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, đầu ra của đà điểu thương phẩm vẫn còn khá bấp bênh.

Không giống như tại huyện Ba Vì, người nuôi đà điểu ở xã Khai Thái chủ yếu bán thịt thương phẩm, chứ chưa thể chế biến thành các sản phẩm đóng gói khác như giò, chả hoặc thịt đà điểu hút chân không, bảo quản lạnh để sử dụng trong thời gian dài. Điều này khiến giá trị từ ngành hàng này nhìn chung chưa cao.

Giám đốc Hợp tác xã Phú Xuân (xã Khai Thái) Nguyễn Phú Toản cho biết, hiện nay trên địa bàn, số lượng hộ chăn nuôi đà điểu còn khá hạn chế. Số hộ có tổng đàn từ 100 con trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều hộ dân thấy lợi ích kinh tế mang lại cao đã tìm hiểu mô hình, nhưng rồi băn khoăn về đầu ra nên chưa dám bắt tay vào chăn thả.

Theo ông Nguyễn Phú Toản, chăn nuôi đà điểu là một hướng đi tốt, có thể mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để nhân rộng được mô hình, kiến nghị các sở ngành, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Chỉ khi tháo gỡ được bài toán thị trường thì mới mong thúc đẩy được giá trị cho chăn nuôi đà điểu.


Có thể bạn quan tâm

Để mắc ca thành cây làm giàu Để mắc ca thành cây làm giàu

Đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt ngày 15/3 vừa qua sẽ tạo nền tảng phát triển cho một loại cây trồng

05/04/2022
Mô hình trồng rau màu giúp tăng thu nhập Mô hình trồng rau màu giúp tăng thu nhập

29 năm gắn bó công việc trồng rau, ông Trương Văn Luận (67 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Thắm (62 tuổi), ở ấp Giồng Kiến, xã Phú Long, huyện Bình Đại

06/04/2022
Mô hình nuôi gà Ai Cập trắng sinh sản cho thu nhập cao Mô hình nuôi gà Ai Cập trắng sinh sản cho thu nhập cao

Nhắc đến mô hình nuôi gà Ai cập trắng sinh sản không ít các hộ dân trong và ngoài vùng đều biết đến chủ hộ Bùi Thị Tơ, thôn Đông, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

07/04/2022