Mô hình nuôi gà Ai Cập trắng sinh sản cho thu nhập cao
Gà Ai Cập lông trắng hay còn gọi là gà Fayoumi là một giống gà có nguồn gốc từ vùng Ai Cập và được nhân giống từ lâu trong lịch sử. Đây là giống gà cao sản và cho năng suất cao về sản phẩm trứng gà. Trứng gà Ai Cập nhỏ nhưng lòng đỏ to, thơm ngon, gà có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chịu được kham khổ, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn là loài dễ nuôi, đẻ trứng khỏe.
Chính vì vậy, từ những ngày đầu mới tập nuôi vài trăm con, chị đã rất yêu thích con vật nuôi này nên tỷ mỉ chăm sóc, tìm tòi, học tập quy trình kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm thực tế, quyết định mạnh dạn đầu tư và 5 năm trở lại đây trang trại gà của chị không ngừng phát triển từ quy mô 200 con, 500 con, 1.000 con và đến hiện nay là 4.000 con. Do đó, gà Ai cập trắng sinh sản đã trở thành một nghề gắn bó với hoạt động chăn nuôi của gia đình, trở thành nguồn thu nhập chính, giúp chị làm giàu.
Đàn gà Ai cập trắng 01 ngày tuổi được chị nhập về từ Trung tâm gia cầm Thụy Phương - Viện Chăn nuôi, với quy mô 4.000 con, nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng nền diện tích 600 m2 là kiểu chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống quạt hút và giàn mát. Chuồng nuôi được chia làm 4 ô, mỗi ô nuôi 1.000 con. Với mỗi lứa gà Ai cập đẻ trứng chị nuôi trong khoảng thời gian từ 15 – 17 tháng; thời gian nuôi gà từ nhỏ đến hậu bị khoảng 5 tháng thì bắt đầu có trứng, thời gian khai thác trứng 10 – 12 tháng. Trong thời gian nuôi hậu bị, đàn gà được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như NDIB, Gumboro, Cúm gia cầm, Coryza,… Thức ăn cho đàn gà hoàn toàn là cám viên hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn cần phải sử dụng đúng chủng loại và cho ăn theo cữ phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng được chị Tơ đặc biệt chú trọng, chuồng nuôi và khu vực xung quanh luôn sạch sẽ, thông thoáng nên đàn gà nhà chị khỏe mạnh, tỷ lệ đẻ duy trì từ 60 – 80%. Trứng gà được chị Tơ thu gom đều đặn 3 lần/ngày và bảo quản sạch sẽ. Do chăm sóc cẩn thận nên gà chị nuôi phát triển khỏe mạnh, hầu như không mắc dịch bệnh, do đó gà đẻ cho chất lượng trứng rất tốt cộng với tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi và duy trì nguồn cung ổn định nên việc xuất bán trứng gặp nhiều thuận lợi, toàn bộ lượng trứng được các thương lái đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 2.000 – 2.800đ/quả.
Với mỗi lứa nuôi chị Tơ đều ghi chép cụ thể và hạch toán kinh tế rõ ràng. Theo sổ sách ghi chép, mỗi lứa nuôi phần chi gồm: Tiền giống 20.000đ/con; thuốc thú y 15.000đ/con; thức ăn giai đoạn hậu bị 135.000đ/con; thức ăn giai đoạn lấy trứng 340.000đ/con; khấu hao chuồng nuôi, trang thiết bị, điện nước, trấu …100 triệu đồng/lứa.
Phần Thu gồm: bán trứng 2.520 triệu đồng/lứa; bán đệm lót sinh học sau mỗi lứa nuôi 10 triệu đồng; bán gà loại thải sau thời gian khai thác trứng 180 triệu đồng/lứa. Bình quân mỗi lứa gà 4000 con chị thu lãi khoảng 600 – 700 triệu đồng. Đây cũng là thành quả xứng đáng cho công sức chăm sóc nuôi dưỡng, là động lực để gia đình chị tin tưởng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà.
Từ hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường thu được, mô hình chăn nuôi gà Ai cập trắng sinh sản của chị Tơ thực sự là điểm đến lý tưởng cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài vùng thăm quan, học tập, kết nối tiêu thụ,…
Có thể bạn quan tâm
Ngày 5/4, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) phối hợp một số đơn vị tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều kỳ vọng lớn.
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) chủ lực trong ngành dừa tại địa phương đã chủ động đẩy mạnh liên kết với người dân và hợp tác xã (HTX).