Phát triển kinh tế gia đình từ nuôi trùn quế
Để giải quyết bài toán phế phẩm trong quá trình chăn nuôi bò, anh Nguyễn Phong Phú (ngụ ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến, Chợ Mới) đã phát triển mô hình nuôi trùn quế. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn Phong Phú mang lại thu nhập cao và thân thiện với môi trường
Tận dụng nguồn phân bò
Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Phong Phú chăm lo phát triển kinh tế gia đình với nghề nuôi bò.Trong quá trình chăn nuôi, thấy nguồn phân bò là rất lớn nên anh bắt đầu suy nghĩ đến việc nuôi trùn quế để tận dụng phế phẩm. Sau nhiều lần tìm kiếm trên mạng, năm 2015, anh Phú đi đến huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để mua 200kg trùn sinh khối (ổ trùn) về nuôi với giá 30.000 đồng/kg.
Tận dụng diện tích đất sau nhà và nguồn phân bò sẵn có từ việc chăn nuôi 8 con bò, anh Phú đầu tư khoảng 15 triệu đồng để xây dựng trại. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đợt đầu tiên thiệt hại khoảng 50%.Không từ bỏ, anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với bản tính siêng năng, cần cù, anh Phú đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh nên trùn quế sinh sôi và phát triển rất tốt, sau 2,5 tháng nuôi đã cho thu hoạch. “Lần đầu thất bại nên nản lắm.Nhưng nhờ được động viên, khuyến khích nên tôi không bỏ cuộc. Ngoài ra, thấy mô hình này chưa có ở địa phương, còn nhiều tiềm năng để phát triển nên tôi quyết định theo đuổi mô hình đến cùng” - anh Phú chia sẻ.
Trùn được anh nuôi thành từng hộc, kích thước 6m2 (1,2m x 5m), mỗi hộc anh thả 20kg trùn sinh khối. Về cách nuôi, mỗi hộc anh chia thành 3 lớp: cát ở dưới cùng, tiếp theo là trùn sinh khối, cuối cùng là thức ăn. Theo anh Phú, nuôi trùn quế không khó nhưng không dễ thực hiện. Trùn quế hầu như không bị bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là phân bò, cám công nghiệp nên rất dễ tìm. Tuy nhiên, trùn quế rất dễ bị chuột, rắn mối ăn nên phải bảo quản thật kỹ trước 2 đối tượng này. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, phải thường xuyên kiểm tra độ ẩm của các hộc nuôi.“Độ ẩm quá cao hoặc quá thấp khiến trùn bỏ tổ mà đi.Nếu độ ẩm quá cao, phải sử dụng thêm cám để giảm bớt độ ẩm. Ngược lại, phải bổ sung thêm nước trong thức ăn để tăng độ ẩm cho môi trường nuôi” - anh Phú chia sẻ. Theo kinh nghiệm của anh Phú, do trùn quế là loại ăn đêm nên anh phủ một lớp bạc trên mỗi hộc để tạo môi trường ban đêm. Nhờ vậy thời gian chăn nuôi rút ngắn hơn rất nhiều so với các hộ khác.
Chăn nuôi khép kín
Hiện nay, thị trường trùn quế được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh với giá bán 20.000 đồng/kg (trùn sinh khối) và 100.000 đồng/kg đối với trùn thịt. Ngoài thu nhập từ trùn quế, nguồn phân bò thải ra sau khi thu hoạch dùng để bón cho cây bắp. Ngoài ra, phân trùn được anh bán cho các hộ trồng hoa kiểng với giá 7.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng mô hình khép kín từ bán trùn sinh khối; phân bò, phân trùn để làm phân bón cây bắp và lấy bắp để nuôi bò… gia đình anh Phú tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi, đồng thời sản lượng gia súc, gia cầm tăng cao rõ rệt.
Không những tạo thu nhập ổn định cho bản thân, mô hình nuôi trùn quế của anh Phú còn được nhiều người biết và tìm đến tham quan. Với kinh nghiệm sẵn có và vốn hiểu biết của mình, anh Phú nhiệt tình hướng dẫn để mọi người cùng học tập và áp dụng thực hiện có hiệu quả. Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, anh Phú cho biết: “Đây là mô hình mới, phát triển chưa nhiều, thêm vào đó là thị trường đang rất cần, đầu ra ổn định nên tôi dự định mở rộng thêm diện tích nuôi khoảng 2.000m2”.
Toàn xã Long Kiến hiện có 3 hộ nuôi trùn quế với diện tích 24m2. So với nhiều giống vật nuôi khác, mô hình nuôi trùn quế có ưu điểm nổi bật như: không tốn nhiều diện tích đất và có đầu ra. Ngoài ra, việc nuôi trùn quế khá đơn giản và hiệu quả mang lại tương đối ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Đối với lúa ở giai đoạn sắp chín thì cố gắng tháo rút nước ra để thu hoạch. Đối với lúa giai đoạn còn nhỏ, đặc biệt có dấu hiệu sắp đổ ngã, siêu vẹo cây
anh Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạn thử sức với mô hình vườn - ao - chuồng tổng hợp. Đến nay, anh Dũng đã có được thành công bước đầu với sự hỗ trợ của địa phương
Trồng cam theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) tại xã Đồng Thanh với gần 30 hộ tham gia, diện tích khoảng 13ha