Ðột phá từ mô hình vườn - ao - chuồng tổng hợp
Với mục tiêu tạo bước phát triển mới trong sản xuất, nâng cao thu nhập từ diện tích 3ha vườn của mình, anh Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) đã mạnh dạn thử sức với mô hình vườn - ao - chuồng tổng hợp. Đến nay, anh Dũng đã có được thành công bước đầu với sự hỗ trợ của địa phương, ngành chuyên môn và Hội Nông dân TP. Châu Đốc.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Dũng
Dẫn chúng tôi đi thăm những cây sầu riêng vừa được vài tháng tuổi, anh Dũng không giấu được sự phấn khởi. Với anh, 200 cây sầu riêng phát triển xanh tốt là kết quả của quá trình tìm tòi, học hỏi và đi tìm nguồn giống ở Cai Lậy (Tiền Giang). Thực tế, cây sầu riêng là “điểm mới” trong mô hình vườn - ao - chuồng mà anh Dũng đang thực hiện mấy năm nay. Bên cạnh sầu riêng, anh Dũng còn trồng xoài, ương cá tra và thả gà, nuôi dê. Tuy nhiên, cây sầu riêng là mô hình hứa hẹn sẽ mang đến kết quả khả quan.
“Tôi được anh, em ở Cai Lậy hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp giống, thậm chí họ còn đến đây xem “chất đất” để đánh giá tính phù hợp của cây sầu riêng. Qua đó, họ khẳng định cây sầu riêng có thể phát triển tốt nếu tôi tuân thủ quy trình canh tác bài bản, sử dụng phân hữu cơ sẽ thu được kết quả như mong muốn. Do còn “hiếm”, cây sầu riêng hứa hẹn sẽ mang đến nguồn thu khá từ thị trường địa phương. Hiện nay, tôi đang trang bị hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước và đảm bảo sầu riêng phát triển tốt”.
Ngoài vườn cây, anh Nguyễn Văn Dũng còn rất mát tay với nghề ương cá tra bột. Nói về lý do “gắn bó” với con cá tra bột, anh Dũng cho biết vì diện tích ao nhỏ nên anh không thể nuôi cá thương phẩm. Trong khi đó, cá tra bột có lợi thế là thời gian mỗi mẻ ương chỉ kéo dài tối đa 3 tháng, khi cá đạt mức 30 - 32 con/kg anh có thể thu được 40 - 50 triệu đồng/lứa khi xuất bán. Với giá cá tra bột hiện nay, anh Dũng còn có thể nâng cao thu nhập gấp đôi từ ao cá của mình. Dù vậy, ương cá tra bột cũng có những đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, bởi cá rất dễ bị bệnh và lây lan nhanh. Nếu người nuôi không có kinh nghiệm xử lý sẽ thiệt hại nặng, thậm chí trắng tay.
Khi chúng tôi đến thăm, anh Dũng đang tất bật chuẩn bị cho lứa dưa lưới đầu tiên trồng trong nhà màng. Đây là mô hình “chiến lược” bởi không phải nông dân nào cũng dám bắt tay với loại trái cây “công nghệ cao” này. Anh Dũng chia sẻ, do thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả cây dưa lưới cùng với mong muốn mang đến người tiêu dùng những loại trái cây sạch nên đã quyết tâm thực hiện mô hình. Với vốn đầu tư gần 500 triệu đồng, nhà màng của anh Dũng có đầy đủ hệ thống tưới tự động và theo dõi quá trình phát triển của cây. Dự kiến, lứa dưa lưới đầu tiên sẽ được anh tung ra phục vụ thị trường Tết.
Ao ương cá tra bột của anh Dũng
Khi bắt tay vào mô hình, anh Dũng được Hội Nông dân TP. Châu Đốc tích cực vận động cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp địa phương. Công ty cung cấp giống cho anh theo dõi quá trình phát triển của dưa và sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, anh Dũng còn được Phòng Kinh tế TP. Châu Đốc xét hỗ trợ 30% chi phí làm nhà màng nên đã có thêm động lực thực hiện mô hình. Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Châu Đốc Nguyễn Văn Bằng thông tin: “Những nông dân như anh Dũng là tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 44 của Thành ủy Châu Đốc. Thực tế, mô hình là “điểm sáng”, thể hiện mong muốn tiếp cận công nghệ trong sản xuất của người nông dân thời nay. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát, hỗ trợ anh Dũng phát triển mô hình trong thời gian tới”.
Theo ông Bằng, cách thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng của anh Dũng rất mới, hiệu quả rất khả quan. “Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn cần tạo điều kiện cho những nông dân như anh Nguyễn Văn Dũng được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng, phát triển mô hình. Ngoài ra, ngành chuyên môn cần có hướng hỗ trợ nông dân trong việc định hướng họ nuôi con gì, trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong thời gian tới” - ông Bằng đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh.
Với phương pháp ấp trứng luân phiên, theo từng đợt, khoảng 2 tuần nữa lò ấp cho ra 100 con vịt con. Với giá bán 150 ngàn đồng/chục, bà Cúc sẽ thu về 1,5 triệu
Đối với lúa ở giai đoạn sắp chín thì cố gắng tháo rút nước ra để thu hoạch. Đối với lúa giai đoạn còn nhỏ, đặc biệt có dấu hiệu sắp đổ ngã, siêu vẹo cây