Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ Miền Núi Vẫn Khó Khăn
Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của kinh tế hộ ở các huyện miền núi tỉnh ta. Tuy nhiên, tại các địa phương, chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Thống kê cho thấy, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện miền núi đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu như năm 2011, khu vực miền núi có hơn 153.000 con trâu, thì năm 2013 giảm xuống còn gần 145.500 con và đến 2014 giảm xuống 142.484 con; đàn bò năm 2011 có hơn 70.800 con, năm 2012 giảm xuống còn hơn 65.800 con và đến 2014 giảm xuống còn 65.185 con...
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số lượng đàn vật nuôi trong các hộ dân giảm, trong khi số lượng trang trại lại chưa phát triển để bù đắp lại. Giá thức ăn tăng nhanh, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi lại giảm, thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới tâm lý người chăn nuôi.
Những năm trước, gia đình anh Hà Văn Hào, ở bản Cổn, xã Xuân Phú (Quan Hóa) luôn duy trì đàn lợn lai gần 100 con cùng một số con nuôi đặc sản như lợn cỏ, nhím, gà đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, những năm gần đây, giá vật nuôi đặc sản liên tục giảm, vì vậy anh cũng không còn mặn mà với việc đầu tư cho chăn nuôi. Thực tế cho thấy, do địa bàn rộng, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, nhận thức của người dân miền núi chưa cao, lực lượng cán bộ thú y lại thiếu nên công tác tiêm phòng chưa được quan tâm đúng mức.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Quan Hóa đã xảy ra 2 đợt dịch bệnh. Tháng 1-2014, tại các xã Thanh Xuân, Thành Sơn xảy ra dịch tụ huyết trùng với 60 con trâu, bò mắc bệnh và hơn 100 con lợn mắc dịch tả, tụ dấu. Tại xã Xuân Phú xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy gần 1.000 con gà.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Như Thanh cũng xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Như Thanh, dịch bệnh chỉ xảy ra trên đàn gia súc chưa tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo quy định và một số nơi chất lượng tiêm phòng chưa bảo đảm.
Bên cạnh yếu tố tâm lý thì với nhiều hộ dân ở miền núi, việc đầu tư vốn để tái đàn khó khăn. Nhiều hộ vẫn giữ thói quen thả rông đàn vật nuôi mà chưa có ý thức chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại. Trong khi đó, với chính sách giao đất, giao rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, vùng chăn thả tại các địa phương đều bị thu hẹp. Chị Ngân Thị Đương, thôn Kim Đồng, xã Thanh Kỳ (Như Thanh), chia sẻ: Năm 2006, chị được vay vốn của hội phụ nữ để mua 1 con trâu.
Từ đó đến nay, đã có 4 con nghé ra đời, mỗi con bán được gần 20 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế mà đàn trâu mang lại đã giúp gia đình chị sửa chữa nhà, lo cho con cái đi học. Tuy nhiên, do không có chỗ chăn thả nên hiện tại chị chưa có ý định phát triển thêm số lượng con nuôi.
Bà Phạm Thị Thìn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa, cho biết: Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc xây dựng chuồng trại và trồng các loại cỏ để phục vụ chăn nuôi, nhưng hiện chỉ có khoảng 5% người dân thực hiện. Do không được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn gia súc rất dễ bị chết do đói, rét và dịch bệnh.
Đến cuối tháng 6-2014, đàn trâu của huyện Quan Hóa có 8.125 con, đạt 89,19% kế hoạch; đàn bò 14.018 con, đạt 81,98% kế hoạch và chỉ bằng 90,08% so với cùng kỳ; đàn lợn hơn 19.000 con, đạt 79,8% kế hoạch; đàn gia cầm hơn 98.000 con, đạt 65,82% kế hoạch, giảm 28,9% so với cùng kỳ...
Mặt khác, do nhận thức về kinh tế thị trường còn hạn chế, nên người dân miền núi ít bỏ vốn đầu tư cho phát triển chăn nuôi gia súc, lai tạo, du nhập các giống gia súc có năng suất, chất lượng. Chăn nuôi nông hộ lại nhỏ lẻ, phân tán, việc tiếp cận, nắm bắt kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi chưa được thường xuyên, vì vậy, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi chưa cao.
Khu vực miền núi hiện cũng chưa có trung tâm, cơ sở giống vật nuôi đáng tin cậy để các hộ dân mua con giống, đa phần người dân mua con giống trôi nổi trên thị trường, chất lượng con giống không bảo đảm.
Để ngành chăn nuôi ở khu vực miền núi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với phát triển chăn nuôi; thực hiện tốt quản lý Nhà nước về công tác thú y; nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân về vốn, con giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu tổ chức lại cơ sở chế biến để ổn định thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm từ chăn nuôi. Đặc biệt, các địa phương miền núi cần chỉ đạo thực hiện tốt chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.
Qua những nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, nhà vườn; năm 2013, bệnh chổi rồng được khống chế, tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh chổi rồng có xu hướng nhiễm trở lại, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện có trên 2.300 ha nhãn thì đã có 440 ha bị nhiễm bệnh làm bà con cũng rất lo lắng.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 3.800 ha vườn cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (Greening), tăng khoảng 470 ha so với cách nay 10 ngày, tỷ lệ ảnh hưởng từ 30 - 70%. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên cây cam sành ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành.
Số gạo này đã cập cảng Container Quốc tế Manila từ Bangkok vào hôm 2/6/2014 song không có giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cấp. Số gạo có giá trị khoảng 50 triệu Peso (1,12 triệu USD), được đóng trong 25.000 túi loại 50kg/túi.
Khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, nông sản sẽ là một trong những mặt hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, còn nhiều rào cản cần vượt qua .