Từ trước đến nay, việc khai thác trầm hương chỉ phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng hiện nay tại huyện Tân Phú đã có người nghiên cứu thành công chất cấy tạo trầm trên cây dó bầu, mở ra một hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế của một huyện miền núi.
Chúng tôi đến thăm rừng dó bầu trên 8 hécta đã được ông Trương Thanh Khoan ở ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, trồng theo dự án 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc. Qua một thời gian tự tìm tòi, nghiên cứu, ông Khoan đã tạo ra được chế phẩm sinh học kích thích cây dó bầu tạo trầm hương.
* Cơ hội cho dó bầu
Đặc biệt, loại chế phẩm này còn có thể nâng chất lượng trầm hương từ loại 6 lên loại 3-4 với giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Trong hội thi sáng tạo kỹ thuật do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức vừa qua, ông đã được tặng giải ba cho chế phẩm sinh học cấy tạo trầm trên cây dó bầu. Ông Khoan cho biết: “Việc chế tạo loại chế phẩm cấy tạo trầm không có gì là khó vì được lấy từ những nguyên liệu rất bình thường và có sẵn tại địa phương. Bằng công thức riêng, tôi đem trộn với nhau cho ra một chế phẩm mới. Lấy chế phẩm này bơm trực tiếp lên các vết thương tạo sẵn của cây dó bầu, sau một thời gian nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây sẽ kết trầm”.
Anh Nguyễn Văn Kính ngụ tại ấp 1, xã Phú Lộc, có vườn cây trên 3 hécta trồng xen canh cây mãng cầu với cây cà phê. Qua nhiều năm thu hoạch năng suất kém, đến năm 2005, khi biết được cây dó bầu là cây lâm nghiệp nhưng có thể cho nguồn lợi lớn, anh đã mua giống về trồng. Sau 6 năm, cây dó bầu có đường kính từ 15-20cm. Sau khi biết được người dân nghiên cứu thành công cách cấy trầm cho kết quả tốt, anh đã áp dụng thử nghiệm tại vườn dó bầu của mình. Qua 4 tháng, cây dó bầu bắt đầu cho kết quả, ở những điểm cấy tạo trầm màu gỗ đã chuyển sang màu đen, nếu đem đốt tỏa ra mùi trầm thơm đậm.
Theo anh Kính, việc nhân giống cây dó bầu không mấy khó khăn, chỉ cần trồng từ 5-6 năm là đã cho trái để nhân giống. Riêng vườn của anh năm nay có thể cung cấp khoảng 10 ngàn cây cho các xã viên trong Hợp tác xã Phú Lộc và một số bà con khác đang có nhu cầu. Sang năm anh sẽ mở rộng vườn ươm để tăng số lượng giống, vì hiện nay nhu cầu bà con cần giống không đủ cung cấp.
* Sẽ là cây làm giàu
Hiện nay, ở huyện Tân Phú có rất nhiều hộ trồng cây dó bầu trong diện tích vườn cây ăn trái hay cây công nghiệp đã được cải tạo hoặc trên diện tích đất của chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc. Cụ thể như, ông Võ Trọng Nha, ở KP8, thị trấn Tân Phú có 5 hécta; ông Nguyễn Văn Quyến, xã Núi Tượng, có khoảng 10 hécta; ông Ngô Duy Tư, ở xã Phú Thanh đã trồng trên đồi khoảng 4 hécta… Hầu hết những cánh rừng dó bầu từ 5 năm trở lên đã được người dân cấy tạo trầm. Một vài hộ đang khai thác cây dó bầu do tỉa thưa để chưng cất lấy tinh dầu.
Dầu trầm hương sau khi chưng cất sẽ bán làm nguyên liệu mỹ phẩm có giá trên thị trường rất cao. Theo ông Khoan, giá trầm hương loại 1 trên thế giới từ 6.000 - 6.500 USD/kg. Còn 1 lít dầu trầm hương có giá khoảng 9-10 ngàn USD.
Ông Nguyễn Hữu Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Phú, cho biết: cây dó bầu là loài cây bản địa có giá trị về kinh tế và tạo môi trường sinh thái. Trước đây tại những xã có đồi núi cao, như: Phú Sơn, Phú Trung khi rừng còn nguyên sinh đã có người khai thác được trầm hương. Hiện nay, một số địa phương đã lựa chọn cây dó bầu để phát triển trồng rừng cũng là yếu tố cần thiết. Đặc biệt, sau khi được biết cây dó bầu có thể cấy tạo trầm thành công, nhiều bà con đang có hướng đầu tư phát triển mạnh cây này.
Ông Khoan nhận định: “Trước đây, việc khai thác trầm hoàn toàn dựa vào cây dó bầu mọc tự nhiên, thông thường cây có độ tuổi từ 10 - 15 năm bắt đầu tạo trầm. Nhưng nay cây dó bầu đã được trồng và chăm sóc rất kỹ, khi cây đủ độ tuổi là có thể cấy tạo trầm. Cách cấy trầm hương nhân tạo thực hiện rất đơn giản, bằng cách làm cho cây dó bầu bị thương như khoan sâu vào thân cây, lấy mảnh thép găm sâu vào và tiêm vào đó hỗn hợp kích thích tạo trầm hương. Trong khoảng từ 4 năm trở lên, khi nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây, từ đó sẽ kết trầm”.
Đã có vài công ty nước ngoài của Thái Lan, Malaysia và một số nước khác đã tìm đến đặt hàng mua sản phẩm trầm hương nhưng ông Khoan chưa nhận lời. Vì ông đang làm hồ sơ gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp chứng nhận quyền bảo hộ về chế phẩm sinh học cấy tạo trầm trên cây dó bầu mà ông đã dày công sưu tầm nghiên cứu. Sau đó, ông mới mạnh dạn mở rộng giao thương với bạn hàng trong và ngoài nước.