Phát Triển Cây Ăn Quả Đặc Sản An Toàn
Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.
Theo thống kê, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh năm 2010 là trên 32.000ha. Riêng diện tích canh tác 5 loại cây ăn quả đặc sản là trên 18.600ha, tập trung ở Châu Thành, Chợ Lách, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc. Yếu tố quan trọng làm nên chất lượng cũng như tên tuổi cho trái cây là điều kiện thổ nhưỡng vùng, giống cây trồng và kỹ thuật chăm sóc. Trái chôm chôm tại Bến Tre được cơ quan kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ cấp mã code đầu tiên cho phép được trực tiếp xuất sang Hoa Kỳ.
Do mùi thơm và chất lượng trái nên chôm chôm Bến Tre có thể tự hào về khả năng cạnh tranh cao so với các nơi khác. Trong nhóm cây ăn quả đặc sản, chôm chôm và bưởi da xanh có diện tích trồng khá lớn và ổn định, với khoảng 4.000ha. Đặc biệt, trong khu vực, Bến Tre có diện tích trồng lớn nhất, chiếm trên 60% diện tích. Bưởi da xanh Bến Tre có thị trường tiêu thụ ổn định, cung vẫn chưa đáp ứng cầu. Sở Khoa học và Công nghệ đang xác lập quyền và quản lý nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho trái bưởi da xanh.
Đây là một bước đi quan trọng nhằm tạo thế mạnh cho trái bưởi da xanh trong tỉnh trên đường chinh phục thị trường. Bến Tre có diện tích trồng măng cụt lớn nhất khu vực, với trên 2.200ha, chiếm 34% so cả nước. Nhờ điều kiện đất đai, chất lượng măng cụt của tỉnh luôn ngon hơn các nơi khác. Sầu riêng cũng đang cạnh tranh tốt với các tên tuổi danh tiếng như Ri6, Chín Hóa. Năng suất từ 10-15 tấn/ha. Thu từ 100 đến trên 400 triệu đồng/ha tùy vụ. Nhãn toàn tỉnh chiếm trên 6.200ha, sản lượng đạt trên 61.000 tấn/năm. Giống nhãn chủ yếu là tiêu da bò, xuồng cơm vàng, được tập trung sản xuất chủ yếu tại Chợ Lách, Châu Thành và Bình Đại.
Theo quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả đặc sản an toàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 do UBND tỉnh phê duyệt, diện tích 5 loại cây ăn quả đặc sản an toàn dự kiến 12.322ha, sản lượng quả trên 143.000 tấn năm 2015 và đạt trên 174.000 tấn năm 2020. Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản tập trung, chuyên canh nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn quả đặc sản an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn (GAP) nhằm tạo ra sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ban đầu, tỉnh sẽ xây dựng 4 mô hình phát triển cây ăn quả an toàn ở một số xã làm cơ sở nhân rộng cho toàn vùng quy hoạch. Phấn đấu đến 2015 có khoảng 30% diện tích cây ăn quả đặc sản trong vùng quy hoạch sản xuất theo hướng an toàn và đến 2020 là 100% diện tích quy hoạch sản xuất theo hướng an toàn.
Diện tích đã được thống nhất với huyện đến từng xã, gồm huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Bình Đại. Đến năm 2020, diện tích trồng bưởi da xanh an toàn được phân bố chủ yếu tại Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre, với diện tích 3.495ha. Nhãn được phân bố tập trung ở Chợ Lách và Bình Đại, diện tích 2.091ha. Chôm chôm ổn định trên 3.511ha, măng cụt 1.503ha, bố trí ở Châu Thành, Chợ Lách. Sầu riêng 1.722ha, bố trí tại Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách.
Quy hoạch cũng đã đề ra các nhóm giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng trồng, sản xuất giống, tổ chức sản xuất và bố trí lao động trong vùng nông nghiệp an toàn, thanh tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với lĩnh vực cây ăn quả, liên kết trong sản xuất theo mô hình, tiêu thụ, chính sách, bảo quản chế biến, vốn. Để thực hiện quy hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản theo tiêu chuẩn an toàn thành công, đòi hỏi người nông dân phải từ bỏ cách thức sản xuất nhỏ lẻ để liên kết thành nhóm, tổ chức và chịu sự điều hành, kiểm soát của tổ chức.
Có thể bạn quan tâm
Anh Dương Hồng Phát, 38 tuổi ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và dịch vụ máy nông nghiệp bảo đảm thu nhập ổn định
Xã An Hải (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có tới 50% là đất cát bạc màu. Nhưng chính trên mảnh đất khô cằn, nóng bỏng này thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho nguồn nước ngầm dồi dào, giúp nông dân canh tác quanh năm và hình thành vùng trồng rau an toàn (RAT) nổi tiếng tại tỉnh ta.
Vụ mùa 2013, huyện Lâm Bình kế hoạch gieo cấy 1.513 ha, trong đó có 986,4 ha lúa lai. Các xã có nhiều diện tích là Thượng Lâm 315 ha, Lăng Can 273 ha, Thổ Bình 214 ha…
Thuận Bắc là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do địa hình nhiều đồi núi nên loại đất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên ở các xã có nhiều đồi núi, Thuận Bắc xác định phải hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.
Không ai ngờ rằng đằng sau ngôi nhà kho của anh Út Tấn, xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam - Bến Tre) là một trang trại chăn nuôi heo nếu chưa được biết trước đó. Bởi vì đứng ngay trang trại với khoảng 500 con heo thịt, chúng tôi vẫn không cảm nhận mùi hôi từ chất thải của heo.