Phát Huy Thế Mạnh Của Cây Trồng Vùng Khô Hạn
Việc tìm ra những giải pháp để chống khô hạn và sa mạc hóa là vấn đề hết sức bức xúc cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, vùng có khí hậu khô hạn và sa mạc hóa cũng có những thế mạnh riêng. Ví dụ như cây nho, cây thanh long, con cừu rất thích hợp phát triển ở những vùng khô hạn như Bình Thuận và Ninh Thuận.
Những cây trồng và vật nuôi đặc thù đó đã từng góp phần làm giàu cho những tỉnh nói trên. Vậy chúng ta đã làm gì để phát huy được thế mạnh đó?
1)Tính đặc thù và lợi thế về khí hậu của các tỉnh vùng Nam Trung bộ
Lợi thế của những vùng này là ẩm độ không khí thấp, độ chiếu sáng trong ngày cao và biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, trong điều kiện tưới được nước cây trồng sẽ phát triển rất tốt và cho năng suất cao, nhất là có thể trồng được những cây trồng đặc thù mà nơi khác không có được. Vì vậy, vùng khô hạn mà tưới được nước là vàng. Từ thời kỳ Pháp thuộc và đến nay Nhà nước ta đã đầu tư khá lớn cho những công trình tưới nước ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nên đã tạo được thế mạnh đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế nói trên, tiểu khí hậu vùng Nam Trung bộ cũng có những nhược điểm là: Mặc dầu lượng mưa trong năm thấp (700-800ml/năm) nhưng mưa chỉ tập trung trong ba tháng (tháng 8, 9,10), nên những tháng này ẩm độ không khí cao, hơn thế nữa trong mùa mưa lại có nhiều cơn bão gây mưa làm cho thời tiết trở nên thất thường. Cho nên, trong những tháng mưa vùng khô hạn Nam Trung bộ không còn đặc điểm khô hạn, mà là khí hậu nhiệt đới ẩm.
2) Tình hình sản xuất những cây trồng đặc thù vùng Nam Trung bộ
Trong cả nước, chỉ có Ninh Thuận và bắc Bình Thuận trồng hợp cây nho. Tỉnh Ninh Thuận có thời kỳ có đến sáu, bảy nghìn hecta nho cho năng suất rất cao. Cây nho ở Ninh Thuận từng nổi tiếng cả nước với thương hiệu "nho Ninh Thuận", làm giàu cho tỉnh. Tuy nhiên, nay cây nho ở đây dần bị mai một, diện tích bị giảm dần (chỉ còn khoảng 2.000 hecta), chất lượng thấp, sản phẩm kém an toàn. Vì sao vậy? Sau đây, chúng ta thử phân tích một số vấn đề về kỹ thuật:
Cây nho thích hợp trồng trên đất khô, cao ráo, ẩm độ không khí thấp, ánh nắng nhiều, tuy cần nước tưới nhưng không chịu úng. Tuy nhiên, một diện tích khá lớn nho lại được trồng trên ruộng lúa kém thoát nước; một năm khai thác đến ba vụ nho, trong đó có vụ thu hái ngay trong mùa mưa, độ ẩm quá cao, nho bị bệnh nặng, chất lượng thấp, dễ bị rủi ro, mất mùa. Trong vụ mưa người dân khai thác nho theo kiểu may rủi (năm ăn, năm thua).
Ta hãy so sánh: Như cừu là con vật không chịu ẩm, nên người sản xuất phải làm chuồng nuôi cừu trên nhà sàn để cách ẩm, trong lúc đó cây nho cần khô ráo chúng ta lại trồng nho xuống ruộng thấp, lại khai thác quả ngay trong vụ mưa, làm sao cây nho tồn tại được?
Trong nghịch cảnh đó, đương nhiên cây nho sẽ có sức chịu đựng kém, bị sâu bệnh nhiều, người sản xuất lại chữa trị bằng lạm dụng quá nhiều phân đạm, thuốc hóa học, kết quả làm phá vỡ cân bằng sinh thái, dịch hại ngày càng nặng nề. Vì phải phun thuốc quá nhiều nên dư lượng thuốc BVTV trong trái nho lớn, người tiêu dùng ngại ăn nho Ninh Thuận. Tình hình đó cũng lặp lại trên cây hành tỏi, làm cho cây hành tỏi một thời nổi tiếng cũng đang trở nên mai một. Khó khăn này của các cây trồng đặc thù Ninh Thuận đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Cây thanh long ở Bình Thuận cũng đang bắt đầu có hiện tượng tương tự. Đó là lý do chính, tại sao ta vẫn chưa phát huy được cây thế mạnh trên tiểu vùng khô hạn Nam Trung bộ.
Cây neem, cây cốc hành là cây rất chịu khô hạn, phát triển khá tốt trên vùng cát khô hạn (vùng cát bay, cát nhảy, đang sa mạc hóa nặng nề), không có điều kiện tưới được nước. Tuy nhiên, những nghiên cứu sử dụng các sản phẩm của neem trong làm thuốc BVTV, làm phân bón, làm mỹ phẩm lại chưa nghiên cứu được bao nhiêu, vì vậy chưa thấy hết giá trị lợi thế so sánh, cho nên đang có hiện tượng lãng quên dần sự phát triển loại cây này.
Chúng ta nói nhiều về chống khô hạn, chống sa mạc hóa nhưng cũng phải nghiên cứu về quy hoạch đất trồng, biện pháp canh tác thích hợp, khai thác sử dụng có hiệu quả để khai thác được thế mạnh của cây trồng vật nuôi đặc thù trên vùng khô hạn sao cho có hiệu quả kinh tế, nhất là tại đây đã có điều kiện tưới được nước. Hiện nay cũng đang bắt đầu có những mô hình trồng nho, thanh long theo hướng GAP, an toàn có chất lượng tốt, nhưng chưa được bao nhiêu.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại, toàn tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích nuôi thủy sản 2.450 ha, trong đó diện tích mặt nước ao, hồ nhỏ 1.300 ha, diện tích nuôi cá ruộng 100 ha, diện tích nuôi cá ở các hồ chứa 1.050 ha, số lượng lồng cá có 1.500 lồng.
Những ngày qua, người nuôi tôm ở Cà Mau tập trung ồ ạt thu hoạch tôm nguyên liệu dù giá bán ra đang xuống thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá tôm tiếp tục giảm sâu bởi nguồn cung ứng cho chế biến xuất khẩu tại các nhà máy đang dư thừa.
Ngày 7-10, người dân phát hiện một con cá heo bị mắc cạn, có dấu hiệu đuối sức trôi dạt vào đìa nuôi trồng thủy sản của một hộ dân tại thôn Tân Đảo, Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), trên vùng viển thuộc đầm Nha Phu, vịnh Bình Cang.
Hơn 8 tấn cá nuôi trong ao tại một trang trại ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) chuẩn bị thu hoạch bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Với thu nhập từ năm 2012 đến nay đạt 4,45 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Côn (SN 1968), hội viên nông dân xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.