Sản phẩm đặc trưng sâm Ngọc Linh và ô tô
Triển khai nhiều đề tài
Đề cập dấu ấn của ngành KH-CN Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận, đến nay, nhiều nhiệm vụ KH-CN có kết quả nghiên cứu tốt, tính ứng dụng và khả năng nhân rộng cao, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực tam nông và chương trình nông thôn mới.
Có thể điểm qua những kết quả nghiên cứu nổi bật như: dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn tại Quảng Nam”, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến một số loại nấm dược liệu và nấm ăn theo phương thức công nghiệp tại Quảng Nam”…
Hay như đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm các mặt hàng từ nguyên liệu sâm Ngọc Linh” đã thể hiện sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất của doanh nghiệp.
Từ nguồn nguyên liệu có sẵn, hai mặt hàng trà túi lọc sâm Ngọc Linh và nước uống bổ dưỡng sâm Ngọc Linh đã ra đời, được xây dựng tiêu chuẩn cơ sở…
Đề tài cũng mở ra triển vọng phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam.
Cũng theo ông Tích, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã giúp xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm sâm Ngọc Linh, quản lý và phát triển CDĐL quế Trà My đã được bảo hộ, giúp cho các sản phẩm này được nhận biết rộng rãi, khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường…
Đáng chú ý là dự án KH-CN được sự hỗ trợ của Bộ KH-CN:
“Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” do Công ty CP Ô tô Trường Hải chủ trì thực hiện giai đoạn 2014 - 2016 với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng…
Theo thuyết minh, sản phẩm từ dự án là 5 bộ hồ sơ thiết kế, quy trình kỹ thuật, công nghệ liên quan đến sản phẩm xe khách giường nằm cao cấp; 2 bộ thiết bị, khuôn mẫu xe; 5 xe khách giường nằm được trang bị các linh kiện nội ngoại thất cao cấp Thaco, phiên bản 2013 - 2014…
Phát triển sâm và ô tô
Quảng Nam nổi tiếng với cây sâm Ngọc Linh. Nhận diện được thế mạnh này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển vùng trồng sâm, quy hoạch vùng trồng lên 19.000ha và có cơ chế nhân rộng mô hình trồng sâm nhân dân…
Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án sâm Việt Nam do huyện Nam Trà My xây dựng. Sâm Ngọc Linh cũng là một trong những loài dược liệu quý được Chính phủ đưa vào danh mục chương trình dự án trọng điểm “Phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành cây đặc sản quốc gia”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, đối với cây sâm Ngọc Linh, hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn người dân trồng tự phát, chưa có quy hoạch để phát triển công nghiệp sâm. Dù tỉnh đã quy hoạch vùng trồng 19.000ha, nhưng khó khăn hiện nay vẫn là nguồn giống, trong khi nuôi cấy mô vẫn chưa thành công.
Sản phẩm từ sâm vẫn còn đơn điệu, vậy nên hướng sản xuất thực phẩm chức năng từ cây sâm cần được chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đề nghị, Bộ KH-CN cần ưu tiên hỗ trợ cho dự án nhân giống, di thực, canh tác và sản xuất một số sản phẩm sâm Ngọc Linh; dự án nghiên cứu xây dựng vùng sâm gốc sâm Ngọc Linh… nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững, bên cạnh hỗ trợ dự án “Phòng thí nghiệm công nghiệp ô tô miền Trung tại khu phức hợp ô tô Chu Lai, Trường Hải”, nhằm tạo đà phát triển công nghiệp ô tô.
Giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam triển khai 70 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh gồm 59 đề tài và 11 nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH-CN tỉnh nhằm phục vụ 9 chương trình KH -CN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 được UBND tỉnh phê duyệt.
Quảng Nam cũng đã được Bộ KH-CN hỗ trợ triển khai 8 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia.
Qua 5 năm (2011 - 2015), tổng nguồn ngân sách chi cho KH-CN toàn tỉnh hơn 103,1 tỷ đồng (chưa kể nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN trung ương hỗ trợ để thực hiện các đề tài, dự án cấp nhà nước).
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây về Chiến lược phát triển KH-CN Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhấn mạnh, về CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm, Sở KH-CN cần tiếp tục phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ để sớm cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
CDĐL cực kỳ quan trọng, khi gia nhập hiệp định thương mại tự do, yêu cầu bảo hộ CDĐL sẽ rất nghiêm ngặt. Không dừng lại ở bảo hộ trong nước, CDĐL sâm Ngọc Linh cần được bảo hộ ở thế giới.
Thực tế đặt ra là chú trọng việc nghiên cứu bảo tồn giống gốc và nâng cấp sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.
Riêng dự án “Phòng thí nghiệm công nghiệp ô tô miền Trung tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư phát triển KH-CN có thể đầu tư vào khu vực sản xuất tư nhân nên việc hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm là có cơ sở pháp lý.
“Thực tế cho thấy, thu ngân sách của tỉnh từ công nghiệp ô tô xấp xỉ 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, chứng tỏ sản xuất công nghiệp ô tô đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Và mỗi năm, chỉ một doanh nghiệp ô tô đã đóng góp gần 80% tổng ngân sách tỉnh.
Vì vậy, đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ ô tô là thế mạnh của Quảng Nam. Sắp tới, Bộ KH-CN sẽ cố gắng hỗ trợ Trường Hải một vài dự án nữa. Dự án xây dựng phòng thí nghiệm sẽ được cân nhắc” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.
Trong 10 tháng đầu năm 2012, phần lớn thời gian giá cá điêu hồng nuôi bè ở Tiền Giang nằm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi cá bị lỗ nặng. Đến nay, khi giá cá điêu hồng tăng mạnh trở lại với mức 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước, thì các chủ bè lại không có cá để bán, bởi nhiều người nuôi cá điêu hồng đã phải treo bè hoặc bán bè từ những tháng trước...
Trồng cỏ nuôi bò nhốt không còn xa lạ gì với người dân nông thôn các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, nhưng với bà con nông dân thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, câu chuyện chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò vẫn là đề tài nóng hổi rất được quan tâm và trông đợi hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại.
Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành - An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nông dân Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi) ở ấp 3, xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trại giống chuyên cung cấp gà giống thả vườn. Gà giống của anh sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đấy.