Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phận Đứng Đường Của Hồng Giòn Đà Lạt

Phận Đứng Đường Của Hồng Giòn Đà Lạt
Ngày đăng: 09/12/2013

Hồng giòn là một trong rất ít đặc sản chính của Đà Lạt được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, tìm mua như một món quà không thể thiếu khi đặt chân tới miền đất này. Thế nhưng, loại đặc sản ấy ngày nay vẫn phải chịu cảnh “đứng đường”.

Đã ở Đà Lạt ngót nghét chục năm trời, người viết cũng đã trải qua từng ấy mùa hồng, cảm nhận được trọn vẹn niềm vui, nỗi buồn của những nhà nông nơi đây mỗi khi bước vào mùa quả chín rộ. Có một đặc điểm chung đối với người trồng hồng ở xứ đất lạnh này những năm gần đây là cứ mùa hồng này lại kém vui hơn mùa hồng trước.

Người viết đã từng nghe nhiều người nói về "chiến tích" của cây hồng Đà Lạt, từng tự hào là cây “xóa đói giảm nghèo”. Không ít gia đình các con họ khôn lớn, được học hành thành đạt cũng chỉ nhờ vào vài ba gốc hồng trong vườn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, diện tích hồng tại Đà Lạt đã giảm hẳn để nhường chỗ cho những loại cây khác nhưng sức tiêu thụ vẫn ì ạch, phần lớn là vùng vẫy ở thị trường “hàng rong” tại Đà Lạt và TP HCM, một phần khiêm tốn khác được nhập về các cơ sở chế biến thành mứt hồng do giá bán ra thị trường quả chín quá rẻ.

Cũng như một số loại đặc sản khác, cây hồng bén duyên với Đà Lạt ban đầu cũng nhờ vào bàn tay người Pháp đem đến vùng đất này vào những năm đầu thế kỷ 20. Thuở khai sinh, hồng Đà Lạt được trồng không nhiều. Thường thì mỗi gia đình chỉ trồng trong khuôn viên quanh nhà vài ba cây để ăn quả. Rồi nhu cầu tiêu thụ vượt ra khỏi xứ lạnh vươn tới những vùng đất mới. Khi ấy giá hồng tăng mạnh.

Sau thập niên 90 của thế kỷ trước, hồng Đà Lạt được mở rộng ra cả nghìn héc ta, tập trung phần lớn ở các xã vùng ven như Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung, phường 3, phường 7, rồi vươn tới huyện Lạc Dương, một phần của huyện Đơn Dương. Thời gian này, người Đà Lạt trồng hồng để bán mua vàng cất trữ. Một cây hồng trưởng thành mỗi vụ có thể cho gia chủ thu về 2 triệu đồng không phải là chuyện hiếm gặp.

Thế nhưng, khoảng chục năm trở lại đây, hồng Đà Lạt lâm vào cảnh không còn thế độc quyền, nhiều địa phương khác trong nước cũng đã trồng và nhân rộng loại cây này. Tất nhiên, sân chơi chung thời hội nhập không dành riêng cho hồng Đà Lạt nữa.

Điều nguy hiểm hơn là những năm gần đây, hồng Trung Quốc ồ ạt “đổ bộ” vào Đà Lạt núp bóng dưới tên gọi mỹ miều “Đặc sản Đà Lạt” với sự tiếp tay đắc lực của không ít tiểu thương. Một cán bộ Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng từng cho biết, có tới trên 90% đặc sản đang được bày bán tại Đà Lạt hiện nay là hàng Trung Quốc.

Các loại “đặc sản” này thường có giá rất rẻ, mẫu mã đẹp, sắc màu sặc sỡ, hấp dẫn… chứ không “thô kệch” như hồng Đà Lạt. Từ trước đến nay nhà chức trách địa phương vẫn chưa công bố chất lượng các loại “đặc sản” này ra sao nhưng hình thức, mẫu mã bề ngoài rõ ràng là ăn đứt đặc sản chính hiệu của Đà Lạt. Và cứ thế, hồng Đà Lạt mất dần giá trị thực vốn có của nó.

Đã có thời điểm mỗi kg hồng giòn Đà Lạt được bán tại vườn chỉ có giá chưa tới 2.000 đồng. Quá rẻ so với công sức bỏ ra đầu tư, chăm sóc, nhiều gia đình đành phải hái hồng vào sấy khô làm mứt để bán với giá cao hơn. Sau nhiều năm như vậy, sức kiên trì của những nhà nông đất núi đã không còn, họ đành phá bỏ dần cây hồng để trồng các loại cây hoa màu khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Rồi vài năm trở lại đây, giá hồng càng xuống thấp khiến người dân địa phương đành làm một việc bất đắc dĩ là đem loại đặc sản này ra “đứng đường” mỗi khi bước vào mùa chín rộ. Thời gian này, dọc đèo Prenn - cửa ngõ đi vào thành phố Đà Lạt dài trên chục km trở thành “cung đường chợ hồng”. Những người bán phần lớn là cư dân địa phương tự đem hồng của gia đình mình ra mời chào du khách. Người đi lên, kẻ đi xuống, bất cứ ai hễ đi qua là họ vẫn tay mời gọi.

Có những ngày Đà Lạt sùng sục đổ mưa, các chị, các cô vẫn kiên trì ngồi bên những quả hồng chín mọng, căng cứng, thơm lừng đem theo hy vọng sẽ có nhiều khách dừng chân ghé qua mua hồng của mình làm quà cho gia đình, người thân.

Chị Hải, một người đã “chiếm chỗ” dưới chân đèo Prenn bán hồng 3 năm nay cho biết, giá bán tại vườn rất rẻ nên gia đình chị phải tự hái hồng, ủ chín đem ra bán dạo cho du khách mới hy vọng được giá cao.

Hồng Đà Lạt trước đây vốn kiêu sa như những cô gái quen được nuông chiều nay bỗng trở nên bị con người “ghẻ lạnh” và thờ ơ!

Cứ đà này, chẳng biết loại đặc sản chính hiệu của Đà Lạt đến bao giờ mới trở lại thời “hoàng kim”.


Có thể bạn quan tâm

Trồng lan trên ao nuôi cá, lãi trăm triệu đồng mỗi năm Trồng lan trên ao nuôi cá, lãi trăm triệu đồng mỗi năm

Với diện tích mặt bằng chưa đầy 100m2, ông Trương Ngọc Xuân, tổ dân phố số 4, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vẫn có lãi hơn 200 triệu đồng/năm từ trồng hoa lan. Điều thú vị là vị trí của vườn lan trồng trên ao nuôi cá.

28/11/2015
Trồng chanh không hạt thu bộn tiền Trồng chanh không hạt thu bộn tiền

Huyện Bến Lức (Long An) một thời nổi danh với cây dứa. Những năm gần đây, người dân nơi đây chuyển sang trồng chanh không hạt và ngày càng SX hiệu quả, chất lượng.

28/11/2015
Hốt bạc dễ như chơi từ những thứ tưởng như vứt đi Hốt bạc dễ như chơi từ những thứ tưởng như vứt đi

Từ thân bắp, cùi bắp, vỏ lụa đến vỏ hạt điều, vỏ cà phê, dầu từ vỏ hạt điều, bã vỏ hạt điều, bột vỏ quả dừa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chế biến và “biến” nguồn rác nông nghiệp này thành mặt hàng xuất khẩu mang về cho đất nước nhiều triệu USD.

28/11/2015
Bất thường thương lái Trung Quốc thu mua heo siêu mỡ giá cao Bất thường thương lái Trung Quốc thu mua heo siêu mỡ giá cao

Thông qua các thương lái địa phương, một nhóm thương lái Trung Quốc đang lùng sục thu mua heo hơi loại “siêu mỡ” với giá cao bất thường.

28/11/2015
Bảo Yên phát triển cây ăn quả Bảo Yên phát triển cây ăn quả

Huyện Bảo Yên muốn trở thành huyện giàu có cần phải chuyển hướng canh tác sang phát triển cây ăn quả và những cây đặc sản bản địa với nhiều lợi thế mà không nơi nào có được.

28/11/2015