Phá Thế Độc Canh Nhờ Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Lâu nay, nông dân ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương thường độc canh với những loại rau truyền thống tại địa phương nên phải chịu cảnh “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhiều hộ hiện nay đã mạnh dạn áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phá thế độc canh trong nông nghiệp.
Trước đây, mỗi vụ, trên vườn của gia đình anh Nguyễn Quốc Thanh (thôn Giãn Dân) chỉ sản xuất một loại cây trồng quen thuộc như cà chua hoặc đậu leo, bắp sú… Chính vì vậy, có những vụ do sâu bệnh, thời tiết bất thường, mất mùa thì gia đình anh lại “thất bát trắng tay”, những vụ được mùa thì bị thương lái ép giá nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.
Từ đó, anh đã đi tìm tòi học hỏi nhiều nơi để đầu tư nhà lưới, nhà kính và tiên phong đưa nông nghiệp công nghệ cao về áp dụng tại địa phương. Lúc đầu, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên anh chỉ mới dám đầu tư 2.000m2 diện tích nhà lưới, nhà kính để trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao.
Dần dần thấy được hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao mang lại, anh Nguyễn Quốc Thanh đã không ngừng mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính để sản xuất. Đến nay, toàn bộ hơn 1ha đất trồng trọt của gia đình anh Thanh đã được phủ kín bằng nhà lưới, nhà kính với hệ thống tưới phun tự động và trong các khâu sản xuất cơ bản đã được cơ giới hóa nên giảm được công lao động mà năng suất hiệu quả lại tăng cao.
Hiện nay, trong các khu nhà lưới, nhà kính của gia đình anh Nguyễn Quốc Thanh mỗi vụ luôn có nhiều loại rau, hoa cùng được canh tác. Hiện tại, có 5 loại cây trồng đang phát triển tốt trên khu vườn là cây hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, hoa hồng, ớt ngọt, cà chua. Anh Nguyễn Quốc Thanh cho biết: “Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên gia đình tôi trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau.
Trồng trong nhà lưới, nhà kính mình không phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mùa vụ như trồng ngoài trời trước đây. Có nhiều giống cây trồng trước đây mình không trồng được nhưng giờ có nhà lưới, nhà kính mình trồng được, và rất hiệu quả.
Trước đây chỉ trồng một loại cây trồng thì mất mùa hay mất giá thì mình đều mất thu nhập, còn hiện nay, trồng nhiều loại cây trồng thì mất cây này có cây khác, mình không lo. Ngoài ra, trồng nhiều loại cây giúp mình cải tạo đất, hạn chế sâu, bệnh lây lan”.
Đến nay, sau 4 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gia đình anh Nguyễn Quốc Thanh không những có thu nhập ổn định mà đã “có của ăn của để”. Với hơn 1ha diện tích nhà lưới, nhà kính, mỗi năm mang về cho gia đình anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.
Và mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Quốc Thanh đã trở thành địa chỉ tham quan học tập cho nhiều hộ gia đình tại địa phương thời gian qua. Với kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Quốc Thanh cũng đã chia sẻ, giúp đỡ cho nhiều hộ dân địa phương để họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao để phá thế độc canh trong nông nghiệp và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân cho biết: “Nhờ áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mà nhiều cây trồng mới đã được đưa về áp dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét quy hoạch hướng dẫn hỗ trợ người dân để họ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm
Dịp nghỉ lễ kéo dài 6 ngày này đang được xem là cơ hội vàng đối với hoạt động kinh doanh khi sức mua hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh, nhất là nông, thủy sản.
Giá sầu riêng đầu mùa chính vụ loại 1 bán ra tại vườn hiện chỉ 25.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá lên tới 100.000-120.000 đồng/kg cách nay ba tháng (nghịch vụ).
Chính phủ cũng yêu cầu cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Riêng các mặt hàng nông sản, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu cần phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông, bảo đảm tốt cung cầu, kích thích tiêu dùng nội địa...
Diện tích cà phê của riêng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã lên đến gần 125.000 ha, chiếm 85% diện tích cà phê của toàn Trung Quốc.
Hơn 6 ha cao su gần 10 năm tuổi ở các xã Eabar, Ealy, huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên vừa bị người dân đốn hạ.