Ớt a riêu hương vị của núi rừng
Nói về nguồn gốc của ớt a riêu, anh Alăng Trách (thôn A Sờ, xã Ma Cooih) kể, trước đây khi người dân đi rừng, đi rẫy phát hiện ra một loại ớt mọc hoang, trái rất nhỏ nhưng cay và mùi thơm đặc trưng. Anh nói: “Chúng tôi đã nhiều lần lấy hạt nhân giống nhưng đều không thành công.
Cây ớt vẫn phát triển bình thường, nhưng trái thì to hơn nhiều và vị hoàn toàn không giống cây ớt phát hiện ở rừng. Khi tìm hiểu, theo dõi thì thấy những con chim chào mào ăn những trái ớt mọc ở rừng, phân của chúng có hạt và mọc lên loại ớt này. A riêu trong tiếng Cơ Tu nghĩa là con chim chào mào. Cái tên ớt a riêu cũng xuất phát từ đó…”.
Thấy đây là một loại đặc sản của vùng cao, có thể mang lại kinh tế cho người dân địa phương, đầu năm 2014, ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch UBND xã Ma Cooih đã nhờ sự giúp đỡ của những cán bộ chuyên môn ở huyện tìm cách nhân giống ớt a riêu.
Ông Trần Quốc Trí - Tổ trưởng tổ hợp tác ớt a riêu là một trong những người đã tìm ra được cách nhân giống loại ớt này. Ông cho biết: “Nó cũng đơn giản như làm lúa giống vậy. Cứ theo chế độ 2 sôi, 3 lạnh (ngâm 2 lần nước sôi, 3 lần nước lạnh), hạt nào nổi lên thì vớt bỏ, những hạt ở dưới đáy có thể đem ra gieo giống. Trái ớt và hương vị của nó giống y như với những cây ớt ở rừng…”. Kinh nghiệm này đã được phổ biến cho bà con trong xã.
Đến nay đã có 3ha ớt trồng ở Ma Cooih. Tổ hợp tác ớt a riêu cũng ra đời với 15 hộ dân tham gia. “Để phát triển thành một vùng chuyên canh loại ớt này, cần phải có đầu mối tiêu thụ. Có như vậy mới giúp người dân phát triển kinh tế và thu hút họ vào tổ hợp tác. Điều đáng mừng là sản phẩm ớt a riêu đóng lọ đầu tiên đã thu hút được khách hàng. Nhiều khi khách hàng đặt mà chúng tôi vẫn không thể cung cấp đủ” - ông Tân cho biết.
Ông Trí cho biết thêm, hiện mỗi ký ớt a riêu tươi được tổ hợp tác thu mua với giá 180 nghìn đồng. Điều đặc biệt là cây ớt a riêu thường xuyên ra trái, cứ khoảng 20 ngày lại thu hoạch 1 lần, hầu như quanh năm. Mỗi lần thu hoạch xong chỉ cần vun lại gốc, bón thêm một ít phân hữu cơ chứ không cần đầu tư chăm sóc kỹ càng.
Ớt a riêu có thể trồng xen canh giữa vườn chuối, vừa tiết kiệm được diện tích vừa giúp cây sinh trưởng tốt do có bóng mát. “Điều đặc biệt là ớt a riêu chỉ trồng được ở vùng này, nếu đem đi nơi khác, cây vẫn phát triển bình thường nhưng trái ớt sẽ to hơn và không có hương vị đặc trưng. Đó là một lợi thế để người dân xã Ma Cooih xây dựng thương hiệu cho cây ớt. Thêm nữa, loại ớt này sau khi sơ chế (ngâm bằng nước muối), đóng chai và bảo quản bằng cách để trong tủ lạnh.
Ký gửi ở những quán ăn, nhà hàng lớn, dần dần chúng tôi đã tạo dựng được thương hiệu của ớt a riêu” - ông Trí nói. Được biết, một siêu thị ở Đà Nẵng đã đặt vấn đề với tổ hợp tác, hợp đồng cung cấp mỗi ngày 500 hộp ớt nhưng do chưa đủ số lượng nên tổ hợp tác tiếp tục đành phải… trì hoãn và xây dựng vùng chuyên canh để chủ động nguồn cung.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2012 đến nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã cho thấy nhiều yếu tố khó khăn về nguồn nguyên liệu, thuế nhập khẩu và thị trường.
Khi nghề nuôi cá tra xuất khẩu luôn bấp bênh về đầu ra, dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao thì một số ngư dân trong tỉnh An Giang đã nhanh chóng chuyển hướng nuôi các loại cá đặc sản, phục vụ thực khách tại các nhà hàng, quán ăn. Ông Lê Văn Dũng, Chi hội Nghề cá thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) là một điển hình trong số đó.
Hàng năm, thiệt hại trên diện tích tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn lớn, có năm thiệt hại tới 70-80% diện tích thả nuôi. Năm 2013 dù là vụ nuôi tôm khá thành công của các hộ dân tỉnh Sóc Trăng, nhưng thiệt hại cũng chiếm trên 30%. Còn vụ tôm năm 2014, tuy mới qua nửa chặng đường, nhưng thiệt hại đã chiếm tới 36% diện tích thả nuôi.
Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg (nhiều tài liệu ghi 90kg). Đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, dùng để tiến vua... Rất nhiều người đã tốn bao công sức để thuần hóa loài cá này, nhưng đều thất bại. Câu chuyện nuôi cá Chiên tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ngày 21-7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh.