Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông Tư Săn Đi Bòn Vàng

Ông Tư Săn Đi Bòn Vàng
Ngày đăng: 27/02/2014

Người dân Đá Nổi (Thoại Sơn - An Giang) gọi vui như thế. Bởi, nơi đây từng nổi tiếng “mỏ vàng lộ thiên” và gắn liền với vùng đất chứa đựng nhiều vết tích Di chỉ văn hóa Óc Eo.

Ông tư Săn (Trần Văn Săn) từ Lấp Vò (Đồng Tháp) sang xã Phú Thuận (Thoại Sơn) lập nghiệp và nổi hứng cho… con tôm ôm cây lúa. Rồi, lại được sang Thái Lan, Nhật Bản… coi cách thức họ làm để phát triển mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ tôm”.

Ý tưởng trùng hợp:

Mùa nước nổi năm 1998, cánh đồng Đá Nổi mênh mông như biển, cuộc sống người dân vô cùng cơ cực. Vậy mà, ông tư Săn vững vàng trước sóng nước, bảo vệ thành công 10 công đất nuôi tôm càng xanh vụ đầu tiên. “Nói vậy, chứ đâu phải dễ ăn. Lơ mơ một chút, tuốt mùng vô thúng như chơi” – ông nhớ lại.

Thu hoạch được, chỉ lời ít thôi. Thế rồi, tiếng lành đồn xa, xã Phú Thuận đến huyện Thoại Sơn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang bắt đầu chú ý. “Thắng lợi lớn nhất là ở chỗ này. Mấy ổng tới lui tấp nập, hết đoàn này, tới đoàn khác. Ai cũng động viên tui mần nữa” – ông tư Săn kể.

Quen biết bạn nhà nông, đi đây đi đó, thấy người ta dỡ chà bắt rất nhiều tôm lóng. Về nhà, ông mới tính chuyện nuôi thử, rồi âm thầm mướn người lên bờ. “Hổng ngờ nước lớn, đỉnh lũ muốn ngập vuông. Hú hồn hú vía, tưởng đâu năm đó phủi tay” – ông giật mình.

Nhưng, thấy kiếm ăn được nên ông quyết lòng bám theo, chịu mài chắc không đến đỗi nào. Quả thật, đất mới không phụ người khai phá… Năm 1999, ông được bình chọn “Nông dân giỏi” cấp tỉnh, với mô hình mới nhất ở An Giang. Có ý kiến cho rằng, đây là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cây trồng và vật nuôi…

Chưa đầy 3 năm, ông tư Săn 2 lần được chọn đi Thái Lan và Nhật tham quan cách thức nuôi tôm. “Hổng bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Rồi, các thầy, các cô ở viện này, trường kia tới lui. Mỗi người cung cấp một ít tài liệu, nói vài lời… thấm thía thiệt” - ông tư Săn sung sướng.

Và, ngày càng tự tin vào công việc làm ăn, ngay cả xã, huyện và tỉnh cũng tham gia hỗ trợ nhiều mặt để khuyến khích phát triển mô hình trên vùng đất giàu tiềm năng. Mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ tôm” tại Phú Thuận trở thành chương trình, dự án có sự tham gia của các ngành, các cấp.

Phát triển mô hình:

Năm 2000, hàng chục nông dân xã Phú Thuận nuôi tôm càng xanh giữa mùa lũ. Được “thiên thời địa lợi”, lần đầu nuôi tôm trúng đậm, khiến người dân hết sức vui mừng như... phát hiện trúng mỏ vàng ở Đá Nổi. Anh Văng Công Hường, chủ vuông tôm khoe: “Có khuyến nông ủng hộ nông dân yên tâm làm ăn, không tiếc công và vốn bỏ ra đầu tư. Cán bộ địa phương có ruộng đất cũng nuôi tôm, mình càng vững tin hơn”.

Bước sang năm 2001, mô hình chính thức định hình ở Đá Nổi, với trên 90 héc-ta. Sau 5 năm, diện tích nhảy vọt lên trên 400 héc-ta. Năng suất ban đầu khoảng 700kg/héc-ta, tăng lên 1,5 tấn/héc-ta. Mùa vụ 2005, giá tôm càng xanh khoảng 90.000đ/kg. Người dân ví như vàng... lộ thiên ở Đá Nổi, tương tự lời đồn đãi ngày trước.

Toàn xã Phú Thuận có 2.468 héc-ta trồng lúa, diện tích nuôi tôm càng xanh trên 400 héc-ta ở khu vực Đá Nổi. Năm 2006, nông dân thử nghiệm thêm vụ tôm mùa nghịch và bán tại đồng tăng gấp 1,5 đến 2 lần. Song, tỉ lệ rủi ro khá cao do ảnh hưởng khô hạn và nguồn nước dẫn. Rút kinh nghiệm, huyện Thoại Sơn khuyến cáo không làm tiếp, chỉ ứng dụng “1 vụ lúa + 1 vụ tôm” ăn chắc.

Ông tư Săn tự tin: “Ngày xưa, người ta đi bòn vàng ở Đá Nổi với hy vọng làm giàu. Bây giờ, cứ ngồi một chỗ lấy thúng hốt vàng, chỉ có điều phải biết cách mới được vàng... lộ thiên”. Câu nói ấy nghe qua có vẻ triết lý, nhưng rất thực tế đối với người dân từng sống ở Đá Nổi trước đây và Phú Thuận ngày nay.

Tình hình sản xuất tôm càng xanh ở Phú Thuận có lúc biến động, ông tư Săn vẫn bám “1 vụ lúa + 1 vụ tôm”. Vụ mùa 2013-2014, ông thu hoạch 3 héc-ta được trên 3,5 tấn tôm, bán giá 200.000đ/kg. Người dân ở Đá Nổi còn đồn đãi, hơn chục năm nuôi tôm và trồng lúa, ông tư Săn có đất chia phần cho con cái và tại quê nhà cũng đã xây một căn nhà đúc ngon lành!


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Đắk Song Canh Tác Cà Phê Theo Hướng Bền Vững Nông Dân Đắk Song Canh Tác Cà Phê Theo Hướng Bền Vững

Những ngày giữa tháng 3, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình đang tưới nước đợt 3 cho 2 ha cà phê. Theo ông Tuất thì năm nay thời tiết có những biểu hiện là sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên ông chú trọng vào những biện pháp canh tác nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây.

11/03/2014
Cây Cao Su Vững Vàng Trong Giá Rét Cây Cao Su Vững Vàng Trong Giá Rét

Bước sang năm 2014 là năm thứ 4, Công ty CP Cao su Hà Giang triển khai trồng, chăm sóc các giống cao su kháng lạnh. Ký ức về thiệt hại do giá rét năm 2010 vẫn chưa nguôi, nhưng đó cũng là bài học, là kinh nghiệm vô cùng quý giá để cho người trồng cao su thêm phần quyết tâm trên vùng đất khó.

11/03/2014
Yên Minh, Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Xuân Yên Minh, Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Xuân

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.

11/03/2014
Cà Mau Thiếu Nguồn Tôm Giống Chân Trắng Chất Lượng Cà Mau Thiếu Nguồn Tôm Giống Chân Trắng Chất Lượng

Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.

11/03/2014
Chí Công (Bình Thuận) Vào Mùa Khai Thác Sò Chí Công (Bình Thuận) Vào Mùa Khai Thác Sò

Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.

11/03/2014