Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông chủ trẻ khởi nghiệp từ tay trắng

Ông chủ trẻ khởi nghiệp từ tay trắng
Ngày đăng: 03/09/2015

Chăn nuôi công nghiệp

Sau cái hẹn, ông chủ trẻ Võ Ngọc Sơn dàn xếp công việc, vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi mà anh đã miệt mài tạo dựng bao năm nay ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) và thôn Trà Đức (xã Đại Tân, Đại Lộc). Tọa lạc ở vùng đồi núi và cách xa khu dân cư ở xã Duy Tân, trang trại của Sơn có diện tích khoảng 10ha, đầu tư nuôi 18.000 con gà đẻ trứng, 100 heo nái sinh sản, khoảng 40 con trâu lấy thịt, 5 ao cá trê lai...

Trang trại được bố trí 10 dãy chuồng, chia thành nhiều khu vực khép kín, bên trong có hệ thống chiếu sáng, hệ thống làm mát bởi quạt và ô thông gió nhằm cung cấp ô xy, điều hòa nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi. Hệ thống máng ăn, máng uống cũng hoàn toàn tự động…

Mới đây, một trang trại tiền tỷ cũng được Sơn đầu tư trên đất gò đồi cách xa khu dân cư tại thôn Trà Đức. Nếu mô hình ở Duy Tân là kết tinh của niềm đam mê, vừa học vừa làm, lấy ngắn nuôi dài thì mô hình trang trại ở xã Đại Tân là loại hình chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp (Công ty Thái Việt), được đầu tư với tổng chi phí lên đến 15 tỷ đồng. Trải rộng hàng chục héc ta, trang trại bố trí 6 dãy chuồng chăn nuôi heo thịt khép kín. Mỗi dãy chuồng rộng khoảng 2.000m2, bố trí nuôi 1.000 con heo thịt.

Chuồng trại này có khu xử lý nước thải giúp giảm thiểu mùi hôi và hạn chế ô nhiễm. Toàn bộ khu sản xuất chính cũng được bao bọc bởi khu vành đai có bán kính 3 - 4ha, đảm bảo quy trình khép kín theo hướng chăn nuôi công nghiệp. Dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi mới, Sơn chia sẻ mình vẫn còn nhiều dự định ấp ủ.

Chẳng hạn, sắp tới, anh sẽ bố trí ở đầu cổng dẫn vào trang trại một nhà đón tiếp khách, gần đó sẽ được bố trí một số ao nuôi cá trê lai trên cơ sở nguồn thức ăn tận dụng từ phân gà, từ nuôi trùn quế. Khu vực vành đai, anh sẽ tận dụng trồng cỏ nuôi bò để tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Sơn cũng đang ấp ủ dự án đầu tư dây chuyền công nghệ biến phân heo, phân gà thành phân hữu cơ vi sinh vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo nguồn lợi để duy trì hoạt động.

Nông dân kiểu mới

Ít ai biết được, để có cơ ngơi ngày hôm nay, Võ Ngọc Sơn đã khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng và đã trải qua không ít thành bại. Bởi trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, không phải lúc nào may mắn cũng mỉm cười, khó lường trước được biến động thị trường và dịch bệnh trên vật nuôi xảy ra. Sơn quan niệm ngã chỗ nào thì đứng lên chỗ đó nên trong tình huống khó khăn nhất, anh đã xoay xở để vượt khó và theo đuổi con đường mình đã lựa chọn.

Chia sẻ bí quyết thành công trong chăn nuôi, Sơn cho rằng, trước hết phải tuân thủ khâu phòng bệnh và vệ sinh môi trường. “Ngoài đầu tư chuồng trại hiện đại, vắc xin là cách tốt nhất để vật nuôi không bệnh. Vì thế luôn luôn sẵn sàng hạ lãi suất để tăng an toàn cho đàn vật nuôi” - Sơn nói.

Tuy nhiên, theo Sơn, trong điều kiện thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường như hiện nay, rủi ro vẫn xảy ra ngoài khả năng dự phòng và hết sức khôn lường. Vì vậy, người chăn nuôi phải luôn học cách chấp nhận rủi ro và luôn dự trù phương án dự phòng trong tình huống xấu nhất. Một yếu tố quan trọng của con đường dẫn đến thành công mà bản thân Sơn không ngừng hướng tới là thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường, điều mà không nhiều nông dân làm được.

Nhưng muốn có được thế chủ động đó, Sơn đã tìm cách liên kết, liên doanh, đẩy mạnh khâu tiêu thụ, tìm kiếm và giữ chân khách hàng nhờ uy tín. Sản phẩm nông nghiệp của anh hiện được xuất bán ra các thị trường Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh lân cận khá thuận lợi. “Để làm ăn dài lâu, chữ tín hết sức quan trọng. Nếu chỉ vì lợi nhuận mà cố tình dùng cách này hay cách khác để qua mắt khách hàng thì sẽ không có cơ hội hợp tác lần thứ hai. Vì lẽ đó, nên đôi khi dù nguồn lợi ít, tôi vẫn giữ chữ tín để làm ăn bền vững” - anh Sơn trải lòng.

Từ những ngày khởi nghiệp, Võ Ngọc Sơn đã chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình. Anh không ngần ngại đem phương án chăn nuôi của mình đi gõ cửa tìm nguồn lực đầu tư cũng như tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ huyện, tỉnh, trung ương cho các dự án, chương trình phát triển chăn nuôi của nông dân. Và, những gì Sơn có được ngày hôm nay đã minh chứng cho những nỗ lực làm giàu từ tri thức của một thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết. Hiện hai trang trại của Sơn mỗi tháng giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều năm liền, Võ Ngọc Sơn là gương mặt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình được cử đi báo cáo tại hội nghị cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2015, anh đã vinh dự được tặng giải thưởng Lương Định Của. Võ Ngọc Sơn cũng vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.

Nhận xét về Sơn, ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc cho biết: “Mô hình trang trại tổng hợp của Võ Ngọc Sơn là một điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Bản thân Sơn là một điển hình về tinh thần ham học hỏi, tiếp cận giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đem lại những thành công vượt bậc”.

Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, Sơn còn tham gia vào nhiều hoạt động đoàn hội và hưởng ứng tích cực các hoạt động hướng về người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi tại địa phương. Võ Ngọc Sơn là một điển hình nông dân kiểu mới để nhiều người học tập, noi gương.


Có thể bạn quan tâm

Phú Yên Xuất Hiện Rệp Sáp Bột Hồng Hại Sắn Phú Yên Xuất Hiện Rệp Sáp Bột Hồng Hại Sắn

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết, hiện nay tại các xã An Hải, An Hòa, An Mỹ, An Cư (huyện Tuy An - Phú Yên) rệp sáp bột hồng hại sắn xuất hiện gây hại 18ha, trên giống KM 94.

22/09/2014
Khánh Hòa Nghiệm Thu Mô Hình Bắp Lai Chịu Hạn Vụ Hè Thu Năm 2014 Khánh Hòa Nghiệm Thu Mô Hình Bắp Lai Chịu Hạn Vụ Hè Thu Năm 2014

Qua thực tế cho thấy: mặc dù một số diện tích ngô gặp hạn nhưng năng suất trung bình của các mô hình vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Năng suất ở những nơi bị hạn nhiều như Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam đạt từ 52 đến 55 tạ/ha. Đối với mô hình trồng xen, năng suất trồng ngô đảm bảo. Hiệu quả ước đạt cao hơn so với canh tác truyền thống khoảng 20 đến 30%.

22/09/2014
Bà Rịa - Vũng Tàu Tan Hoang Làng Tỷ Phú Quýt Đường Tân Lâm Bà Rịa - Vũng Tàu Tan Hoang Làng Tỷ Phú Quýt Đường Tân Lâm

3 năm trước, 200 hộ dân canh tác khoảng 400 ha quýt đường ở xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được coi là những nông dân nhanh nhạy trong sản xuất nông nghiệp, tại đây cũng đã xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ trồng quýt.

22/09/2014
Bắc Kạn Nâng Cao Chất Lượng Vùng Cây Ăn Quả Ở Bạch Thông Bắc Kạn Nâng Cao Chất Lượng Vùng Cây Ăn Quả Ở Bạch Thông

Trước đây, cây cam, quýt chỉ được trồng tại 3 xã nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh là Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong, nhưng đến nay đã được mở rộng ra các xã là Sỹ Bình, Cao Sơn và Tú Trĩ, Phương Linh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha, trong đó có 700ha đã cho thu hoạch.

22/09/2014
Cái Bè (Tiền Giang) Ghép Nhãn Ido Phòng Bệnh Chổi Rồng Cái Bè (Tiền Giang) Ghép Nhãn Ido Phòng Bệnh Chổi Rồng

Theo nhiều nông dân, nhãn Ido hình dạng trái như nhãn tiêu nhưng cơm dầy, hạt nhỏ, trái to, vị ngọt dịu, vỏ trái mỏng và năng suất cao hơn nhãn tiêu. Vì vậy, nhãn Ido được người tiêu dùng ưa chuộng và giá luôn ở mức cao. Các ngành chuyên môn cho rằng, cách làm này rất linh hoạt, ngoài rút ngắn thời gian mà có thể giữ lại gốc nhãn tiêu.

22/09/2014