Ông chủ đầm tôm nhiều sáng kiến
Hiện nay, ông Liêm đã đầu tư khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích 7ha và được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, ao nuôi, khu xử lý môi trường… theo hình thức khép kín. Mỗi ao nuôi đều được đánh số và được thiết kế có những bệ trụ bê tông, hệ thống máy cho tôm ăn tự động và láng đáy bê tông… Đặc biệt, các ao nuôi đều được che bởi hệ thống mái che chắc chắn, không những đảm bảo an toàn cho tôm nuôi trong mùa mưa bão mà còn tránh được côn trùng hay các loại động vật khác xâm hại, hạn chế dịch bệnh và giúp cho nhiệt độ đêm - ngày trong ao ít bị chênh lệch, ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Ông Liêm cho biết: Mô hình nuôi tôm khép kín mặc dù mức đầu tư cao từ 600 - 700 triệu đồng/ao nuôi có diện tích 2.000m2, song hình thức nuôi này sẽ hạn chế được rủi ro đối với người nuôi tôm. Với mô hình này, thời gian cho mỗi vụ nuôi sẽ giảm đáng kể, vụ đông chỉ từ 90 - 100 ngày, vụ hè chỉ từ 70 - 80 ngày.
Với mô hình này, mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn. Với mỗi ha nuôi tôm công nghiệp khép kín, năng suất bình quân sẽ đạt trên 10 tấn khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ (vụ thu - đông) sẽ đạt từ 6 - 7 tấn. Cái lợi khi nuôi tôm trái vụ là mặc dù sản lượng không lớn nhưng vào thời điểm đó tôm được giá trên dưới 250.000 đồng/kg. Một năm, người nuôi tôm từ 2 - 3 vụ theo hình thức nuôi khép kín sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Vụ nuôi này, ông Liêm đã thả giống toàn bộ 7ha tôm theo hình thức gối vụ. Tôm thả gần đây nhất cũng đã được gần 30 ngày tuổi. Qua kiểm tra tôm đang sinh trưởng, phát triển rất nhanh. Được biết, hiện nay ông Liêm là một trong 2 hộ nuôi tôm tại Móng Cái đã được cấp giấy chứng nhận nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.
Do đó, toàn bộ quy trình nuôi tôm tại gia đình ông đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn. Có được kết quả này, bên cạnh việc đầu tư lớn cho các quy trình, kỹ thuật nuôi phải kể đến những sáng tạo từ kinh nghiệm của cá nhân ông đã đúc rút được. Đó là việc ông Liêm đã thiết kế, thử nghiệm hệ thống xử lý môi trường nước, vệ sinh tầng đáy ao nuôi tôm mà ông gọi vui là “xây nhà vệ sinh cho tôm”.
Hiện nay, tất cả các ao nuôi đều được thiết kế hệ thống xử lý môi trường này. Phân tôm trong các ao nuôi được thu gom tự động bằng một hệ thống đường ống về một ao xử lý nước và được lọc, xử lý triệt để bằng công nghệ vi sinh. Tính ưu việt của hệ thống này là phân tôm được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường và nguồn nước tại các ao luôn đảm bảo sự ổn định…
Không chỉ mạnh dạn, sáng tạo trong đầu tư sản xuất kinh doanh mà với vai trò là Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Móng Cái, ông Liêm còn là người tạo thêm động lực để các hội viên Hội Nghề cá Móng Cái mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh; là cầu nối giữa các hộ nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương với cơ quan nhà nước, thúc đẩy lĩnh vực thuỷ sản tại Móng Cái phát triển mạnh mẽ.
Có thể bạn quan tâm
Từ 3 hécta đất trồng lúa cho lợi nhuận thấp, ông Nguyễn Văn Hải (ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã chuyển đổi dần sang mô hình vườn - ao - chuồng khép kín, nuôi trồng các loại đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, như: ếch, gà ta, vịt đẻ…
Xã Sơn Nam (Sơn Dương - Tuyên Quang) có gần 2.000 hộ dân thì có đến 1.500 hộ chăn nuôi, trong đó có gần 100 hộ chăn nuôi quy mô lớn. Những năm qua, ngành chăn nuôi đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhiều người dân, đặc biệt là người chăn nuôi bò sữa tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đều biết và mang ơn ông Lê Hồng Duyên (1960).
Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học của gia đình anh Tống Ngọc Phê, thôn Ngọc Sơn, xã Hà Bình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngày 11-10, Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đã tổ chức lễ thả giống Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.