Hiệu Quả Từ Tưới Phun Sương Cho Rau
Tưới phun sương cho vườn rau là kỹ thuật mà gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ - Gia Lai) đang áp dụng cho vườn rau của mình. Sau 6 tháng sử dụng, hệ thống này đã đem lại hiệu quả cao, đáng để các nhà nông học theo.
Đã mấy chục năm gắn bó với nghề trồng rau, bà Quyên cũng chỉ thực hiện tưới tràn theo rãnh cho tới khi người cháu từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sang chơi, mang theo những chiếc đầu vòi phun có hình dạng giống đầu bec tưới cà phê nhưng nhỏ hơn, dùng để tưới rau. Bà Quyên cho biết kỹ thuật lắp vòi phun sương cho vườn rau khá đơn giản mặc dù ban đầu hơi bỡ ngỡ do kỹ thuật này còn quá mới đối với nông dân trồng rau tại đây.
Đầu vòi phun được lắp vào dây ống nhựa nhỏ nối với ống nước chính để dẫn nước. Mỗi ống dây nhựa có gắn đầu vòi phun được cố định vào những cây tre nhỏ cao khoảng 1 mét để có thể đứng vững. Khoảng cách giữa các vòi phun 2-2,5 mét. Sau đó chỉ cần bật công tơ, nước được dẫn đến từng đầu vòi phun, bị nén lại và tạo thành các tia nước li ti, dần dần thấm vào đất.
Tùy vào mỗi loại đầu vòi phun mà nước được bắn ra theo dạng sương hoặc hạt mưa. Bà Quyên cho biết: “Đầu tư hệ thống phun sương này cũng không quá tốn kém, nhất là đối với các gia đình đã có sẵn hệ thống ống dẫn nước. Để lắp hệ thống phun sương cho 1 sào rau, gia đình chỉ tốn gần 1 triệu đồng với 150 vòi phun”.
Nằm sát quốc lộ 19, vườn rau nhà bà Quyên dễ dàng thu hút mọi ánh nhìn bởi đây là nơi duy nhất tại địa phương áp dụng hệ thống tưới nước mới này. Tại vườn, các ống phun được cắm đều tăm tắp, những luống bắp sú lên xanh tốt. “So với cách tưới nước cũ, tưới phun sương này hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt là nó giúp phân bố nước đồng đều, hạt nước nhỏ nên giữ cho đất luôn tơi xốp, mặt đất không bị “lỳ” - bà Quyên nói. Cũng theo bà Quyên, cách tưới này cũng giúp tiết kiệm nước từ 20% đến 30%, thích hợp cho những vùng trồng rau thường bị nắng nóng kéo dài.
Nước được phun từ trên cao xuống cũng khiến cho bề mặt lá của cây rau được rửa sạch bụi bặm, giúp rau sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Nhờ vậy mà 1 sào bắp sú cho thu hoạch khoảng 4 tấn, tăng khoảng 30% so với cách tưới trước đây. Với nụ cười mãn nguyện, bà Quyên cho biết thêm: “Không những cho năng suất hơn mà cách tưới này cũng giúp gia đình tôi tiết kiệm được nhân công và thời gian.
Nhà tôi buôn bán lagim nên ngày trước thường rất bận bịu do phải dành thời gian để tưới nước cho vườn rau, nhưng nay thì có thể bật máy để tự tưới, còn mình làm những việc khác, đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Không chỉ riêng cây bắp sú, cách làm này có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các loại rau, đặc biệt là rau ăn lá. Vì vậy, đây thực sự là phương pháp đáng để bà con nông dân vùng chuyên canh rau này học hỏi nhằm tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất, cải thiện cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Vườn ươm mắc ca giống của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tại xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) được tưới ẩm bằng hệ thống phun sương tự động.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, nhưng lại khó nhân rộng.
Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có công điện khẩn yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và các công ty thủy lợi khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân 2013 - 2014 từ ngày 14/1.
Đứng thẫn thờ nhìn ruộng lúa gần 20 ngày tuổi chết dần chết mòn, chị Phan Thị Hòa ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) quả quyết “Phải gieo lại thôi, chứ như thế này không cứu vãn được nữa”.
Những ngày này, bà con nông dân ở Câu lạc bộ (CLB) cây ăn trái Đồng Tiến (ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đang phấn khởi chuẩn bị bước vào thu hoạch cam, quýt phục vụ thị trường tết với giá bán cao.