Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Ông Châu trái cây

Ông Châu trái cây
Tác giả: THANH SƠN
Ngày đăng: 18/12/2015

Ông Châu đã có nhiều sáng kiến góp phần không nhỏ vào sự phát triển của cây ăn trái ở Nam bộ và là một người bạn thân thiết, gắn bó liên tục với Báo Nông nghiệp Việt Nam hơn 20 năm qua.

Từ khi về tờ báo ngành đến nay, tôi đã có khá nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Minh Châu.

Ấn tượng của tôi về ông là một nhà khoa học năng động, đầy tâm huyết với cây ăn trái và khá cở mở, dễ gần với cánh phóng viên báo chí.

Khi thì gặp ông đang ngồi hội đồng ở một cuộc thi trái ngon hay thi cây giống tốt, lúc thấy ông đang lội vườn cùng nông dân tìm hiểu về bệnh vàng lá trên cây có múi, khi khác lại gặp ông trong một cuộc họp bàn về thị trường cho trái cây Việt Nam…

Là một chuyên gia hàng đầu về cây ăn trái, nhưng ít ai biết được rằng PGS.TS Nguyễn Minh Châu vốn là một nhà khoa học về lúa gạo.

 Sau khi ra trường, ông từng có gần 20 năm công tác tại Viện Lúa ĐBSCL.

Chưa từng nghiên cứu về cứu về cây ăn trái nên khi được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT bổ nhiệm làm GĐ Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Long Định (thành lập tháng 3/1994), PGS.TS Nguyễn Minh Châu không khỏi có những băn khoăn, lo lắng.

Lo là phải bởi khi ngồi vào ghế giám đốc trung tâm, ông Châu gần như không có kiến thức về ngành hàng này.

Ông đành phải gác hết những kiến thức về lúa gạo, lao vào học hỏi về cây ăn trái.

Nhưng cái lo lớn nhất của ông khi ấy lại là ở khâu nhân sự, nhất là việc tổ chức, sắp xếp giữa những người cũ, người mới.

Đó cũng là thời điểm đánh dấu mối quan hệ gắn bó của ông với Báo Nông nghiệp Việt Nam khi báo đã cử phóng viên về viết bài ủng hộ, góp phần giúp cho Trung tâm nhanh chóng ổn định về mặt tổ chức.

Đến năm 1997, công tác tổ chức ở Trung tâm đã được giải quyết xong, và Trung tâm được Chính phủ ra quyết định nâng lên thành Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.

Cái duyên của ông với báo còn kéo dài đến tận bây giờ.

Nhiều cán bộ quản lý, phóng viên báo, với ông, từ lâu đã là chỗ quan hệ thân tình, cứ như người trong nhà vậy.

Dù đã về hưu, nhưng ông vẫn đặt mua báo để đọc hàng ngày.

Ông bảo báo giúp ông thường xuyên cập nhật được những thông tin về ngành nông nghiệp, biết vùng nào có mô hình SX hay để đến học tập...

Ông luôn tin tưởng tờ báo vì đã nhiều lần báo có những bài viết thể hiện rõ chính kiến, sự công tâm đối với cả các vấn đề từng được coi là nhạy cảm trong ngành nông nghiệp như thuốc BVTV...

Trở lại thời điểm PGS.TS Nguyễn Minh Châu vừa chân ướt chân ráo về làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Long Định.

Tuy vẫn đang phải học hỏi về ngành trái cây, nhưng ông đã quyết tâm đi vào giải quyết ngay những vấn đề nóng đang đặt ra đối với sự phát triển của cây ăn trái trong vùng.

Thông qua các mối quan hệ quốc tế đã có từ khi còn ở Viện Lúa ĐBSCL, ngay cuối năm 1994, ông đã tổ chức được một hội thảo quốc tế về bệnh vàng lá trên cây có múi.

Với một Trung tâm còn rất non trẻ, thành lập chưa đầy năm, thì đó là một nỗ lực đáng được ghi nhận.

Sau hội thảo đó, ông và nhiều anh em trong Trung tâm đã được sang Pháp học cách SX cây giống sạch bệnh.

Đây là tiền đề quan trọng để từ đó đến giờ, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Long Định trước đây và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam bây giờ liên tục là địa chỉ tin cậy, cung cấp cây giống sạch bệnh cho các nhà vườn không chỉ ở ĐBSCL mà còn ở nhiều vùng miền khác.

Thấy được lợi ích to lớn từ hợp tác quốc tế, PGS.TS Nguyễn Minh Châu đã tích cực tìm kiếm nhiều dự án quốc tế nhằm gửi cán bộ của Viện đi đào tạo ở nước ngoài.

Từ năm 1996 đến nay, hàng chục kỹ, sư, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã được đi đào tạo lên thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài bằng nguồn học bổng du học toàn phần do Viện tự tìm kiếm, nhất là học bổng của Chính phủ Ấn Độ.

Đây là nguồn nhân lực quý đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Viện, cũng như cho ngành hàng trái cây ở Nam bộ.

Bên cạnh đó, từ năm 1995 đến nay, Viện đã tích cực tham gia nhiều dự án về cây ăn trái ở Việt Nam do Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Đài Loan, Ấn Độ, Israel… tài trợ.

Có những dự án vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ.

Một sáng kiến nổi bật của PGS.TS Nguyễn Minh Châu vào những năm cuối thập kỷ 1990 là tổ chức các hội thi cây giống tốt.

Hồi ấy, các nhà vườn ở Nam bộ thiếu nguồn cây giống ăn trái có chất lượng vì không biết nên nhân giống tốt từ đâu.

Nếu trông chờ vào nghiên cứu khoa học, thì để lai tạo một cây giống tốt sẽ mất rất nhiều thời gian, từ 12 - 15 năm, trong khi nhu cầu SX trái cây lại đang cần có ngay những cây giống cho trái ngon.

Từ thực tế ấy, PGS.TS Nguyễn Minh Châu đã nghĩ ra việc tổ chức các hội thi cây giống tốt để tìm kiếm những cây cho trái ngon đang có sẵn đâu đó trong các nhà vườn, từ đó nhân giống lên.

Ở hội thi đầu tiên tổ chức năm 1996, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chọn cây xoài làm thí điểm và đã chọn được cây giống xoài cát Hòa Lộc tốt nhất ở Cần Thơ, cây giống xoài cát Chu tốt nhất ở Cao Lãnh.

Các báo đài đưa tin rộng rãi về hội thi đã giúp cho các nhà vườn trồng xoài ở khắp nơi gần, xa biết được cây giống tốt ở đâu.

Phát huy thành công ấy, trong năm 1996 và những năm tiếp theo, Viện đã tổ chức một loạt hội thi cây giống tốt cho sầu riêng, bưởi, quýt, cam sành, nhãn… Đến năm 1999, ông lại cho tổ chức thêm hội thi trái ngon.

Chính từ những hội thi này, nhiều giống cây ăn trái có chất lượng cao, vốn trước đây chưa được mấy người biết tới, đã có cơ hội ra mắt trước các nhà vườn đến từ khắp các tỉnh, TP trong vùng, rồi từ đó mà trở nên nổi tiếng, tạo được thương hiệu, đứng vững trên thị trường cho đến tận bây giờ như sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri-6, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh…

Đến năm 2002, để giúp cho trái cây tiêu thụ được tốt hơn cả ở thị trường nội địa và XK, trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã gắn thêm nội dung an toàn vào các hội thi trái ngon và giữ như vậy cho đến nay.

Bên cạnh việc tổ chức các hội thi nhằm tìm kiếm nguồn cây giống quý trong nước, với nguồn nhân lực chất lượng cao, Viện cũng đã tổ chức lai tạo ra nhiều loại cây ăn trái chất lượng cao, mà nổi bật là giống thanh long ruột đỏ mang tên Long Định 1, đã được Bộ NN-PTNT công nhận.

Giống thanh long này đang được phát triển rộng rãi ở nhiều vùng trồng thanh long Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số địa phương khác vì mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, được người tiêu dùng ưa chuộng.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cũng là người sớm quan tâm tới SX theo GAP.

Năm 2005, Viện đã tham gia một dự án quốc tế triển khai EurepGAP mà sau này đổi thành GlobalGAP.

Đến năm 2006, dưới sự tư vấn của Viện, một mô hình trồng thanh long ở Bình Thuận đã được chứng nhận EurepGAP đầu tiên ở nước ta.

Từ đó, Viện trở thành một đơn vị tư vấn, đào tạo GAP đầu tiên của cả nước.

Nhờ vị thế ấy, Viện đã được góp sức tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy đã về hưu, nhưng PGS.TS Nguyễn Minh Châu vẫn thường xuyên quan tâm tới sự phát triển của ngành hàng trái cây.

Mỗi khi tôi hỏi ông về một vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cả ngành hàng trái cây hay cho một loại cây ăn trái chủ lực nào đó, ông đều trả lời ngay một cách rất cặn kẽ, nhiệt tình.

Nỗi trăn trở lớn nhất của ông với trái cây Việt Nam là phải làm sao để các nhà vườn liên kết được với nhau, nhà vườn liên kết được với doanh nghiệp, qua đó hình thành những chuỗi giá trị trong ngành hàng trái cây, từ khâu SX đến khâu tiêu thụ.

Khi ấy, SX trái cây mới thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như hiện nay, chuyển sang SX quy mô lớn, theo một quy trình thống nhất nhằm cho ra nhữg sản phẩm có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo ATTP…, từ đó bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Trái Cây Trồng Chậu Trái Cây Trồng Chậu

Với cách trồng này, các loại cây ăn trái lâu năm chỉ cần một diện tích hẹp để phát triển, người trồng vừa có khoảng xanh trang trí cho không gian sống, vừa được thưởng thức trái cây an toàn.

01/08/2014
Trái cây ngập chợ Trái cây ngập chợ

Thị trường trái cây TP HCM đang nóng lên từng ngày khi hàng loạt đặc sản bước vào mùa thu hoạch

06/06/2015
Trái cây gặp khó Trái cây gặp khó

Những ngày qua trái cây ở các tỉnh ĐBSCL cùng lúc thu hoạch nhiều nên giá bán giảm mạnh.

25/06/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.