Ổn Định Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Cao Nguyên Đá
Năm 2014, huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, với các biện pháp khắc phục kịp thời, sát với điều kiện tình hình thực tế, cùng với sự đồng thuận của người dân, huyện vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định trong sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu năm, trên địa bàn huyện thời tiết diễn biến khó lường, giá rét, khô hạn kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng; thiệt hại nặng nhất của tình trạng hạn hán, giá rét là ở các xã Lũng Táo, Thài Phìn Tủng, Sà Phìn, Lũng Cú, Vần Chải, Ma Lé, Lũng Thầu... Nguyên nhân trên đã làm giảm cả năng suất, sản lượng các loại cây trồng.
Không chấp nhận thất bại, với trách nhiệm chính, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn, tuyên truyền vận động bà con nông dân dồn sức làm tốt vụ Xuân - hè (vụ chính trong năm): Diện tích gieo trồng các loại cây lương thực chính là lúa, ngô, đậu tương đảm bảo kế hoạch, trong đó diện tích trồng bằng ngô, lúa giống mới, thâm canh tăng mạnh.
Cùng cố gắng trong sản xuất vụ Xuân- hè, huyện Đồng Văn có những chính sách hỗ trợ, bù đắp phần nào những thiệt hại trong sản xuất vụ Đông - xuân. Bằng các giải pháp tích cực, kết thúc năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cả năm đều đạt từ 90 đến 100% kế hoạch.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 12.646 ha, trong đó cây ngô 6.417 ha, năng suất bình quân 37 tạ/ha, sản lượng đạt 22.688 tấn; cây đậu tương 2.647 ha, đạt 105,9% kế hoạch huyện giao, năng suất bình quân 11,8 tạ/ ha, sản lượng 3.132 tấn; cây lúa 731 ha, đạt 90,8% kế hoạch, năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 4.241 tấn; còn lại là diện tích của các loại cây trồng khác. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 27.942 tấn, đạt 99,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao.
Ngoài sản xuất cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi cũng được Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn quan tâm, triển khai hiệu quả, nhiều chương trình phát triển chăn nuôi như hỗ trợ làm chuồng trại; lãi suất ưu đãi, chuyển đổi, hỗ trợ mua trâu, bò nuôi; Dự án phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được triển khai đồng bộ.
Từ năm 2013 - 2014, tiến hành thụ tinh nhân tạo cho bò được trên 210 con; 1.770 hộ được hỗ trợ mua bò. Nhờ vậy, tổng đàn gia súc của huyện năm 2014 vẫn duy trì, giữ mức ổn định với tổng đàn gia súc 61.236 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.680 tấn, giá trị ước tính khoảng 132.338 triệu đồng. Đàn gia cầm là 194.556 con, đạt 97,3 kế hoạch tỉnh giao, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 241 tấn, giá trị ước đạt 24.100 triệu đồng...
Khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất cây lương thực, chăn nuôi, cùng với sự phát triển ổn định trên các lĩnh vực khác như cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu các loại, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Văn tiếp tục phát triển ổn định, giá trị tăng trưởng luôn đạt khá...
Năm 2014 đã qua, những cố gắng, kết quả đạt được trong năm cũ là động lực, niềm tin cho ngành nông nghiệp huyện Đồng Văn vững bước vào năm mới 2015 với hy vọng gặt hái nhiều thành công mới.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Minh Chánh ở ấp 6, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước) phấn khởi khoe: Nếu giá mít bán cho các nhà máy sấy mít khô trước tết chỉ dao động 1.000-1.500 đồng/kg thì trong suốt một tuần qua đã tăng lên 4.000 đồng/kg loại I và 2.000 đồng/kg loại II mua tại vườn.
Gia đình ông Trần Văn Châu ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương đưa giống bơ ghép về trồng tại rẫy cà phê của gia đình.
Liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nhạc trưởng và nông dân là đối tác cùng chia sẻ lợi ích, thì hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả ổn định và lâu dài.
Ông Đặng Đình Thông, xóm 1, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết, nhờ giống ngô mới mà 5 sào ngô gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí giống, vật tư, công lao động còn lãi 12 triệu đồng.
UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.