Ốc Bươu Vàng Hoành Hành Trên Diện Rộng
Khoảng gần một tháng qua, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Quảng Xương, Hậu Lộc (Thanh Hóa) ăn không ngon do ốc bươu vàng hoành hành, phá nát hàng trăm hecta lúa mới cấy, nguy cơ mất mùa rất lớn.
Tìm về xã Hải Lộc (Hậu Lộc) sau đợt mưa lũ kéo dài, làm ngập úng hàng trăm hecta lúa mới cấy, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi tận mắt nhìn thấy hàng nghìn con ốc bươu vàng đang bò lổm ngổm trên ruộng lúa với mật độ dày đặc. Theo thống kê, xã Hải Lộc có 25ha lúa vụ mùa thì cả 25ha đều xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ dày. Chỉ sau một đêm là chúng có thể cắn nát 2 - 3 sào lúa.
"Vụ này gia đình tôi cấy 3 sào, nhưng cấy đến lần thứ ba rồi mà vẫn có nguy cơ mất ăn vì ốc bươu vàng cắn phá ngày đêm. Chỉ cần một giờ đồng hồ, tôi có thể bắt được bao tải đầy ốc. Gia đình huy động người bắt hàng ngày, nhưng cứ sáng mai ngủ dậy là ốc lại xuất hiện dày đặc trên ruộng lúa. Tính sơ sơ tiền chi phí cho vụ lúa này cũng mất gần 2 triệu đồng rồi", chị Trịnh Thị Huệ ở thôn Đa Phạm thở dài.
Ông Đồng Công Binh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải Lộc ngao ngán: "Chúng tôi đã khuyến cáo người dân dùng mọi biện pháp để tiêu diệt "giặc ốc" mà vẫn không ăn thua. Lượng ốc bươu vàng sinh sôi ngày một nhiều, cứ đà này thì bà con Hải Lộc đói ăn mất thôi".
Vừa nhanh tay bắt ốc, chị Huyên ở xã Liên Lộc (Hậu Lộc) lo lắng nói: "Cả tuần qua, gia đình tôi bắt được hơn nửa tạ ốc nhưng ruộng lúa vẫn đặc ốc bươu vàng. Chúng bò đến đâu là thân cây lúa bị cắn gãy đôi đến đó, xót lắm".
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hậu Lộc cho biết: "Ốc bươu vàng hại lúa hiện đang là vấn nạn khiến các ngành chức năng vô cùng lo lắng, bởi trên thị trường vẫn chưa có loại thuốc nào tiêu diệt được chúng. Vì vậy, chúng tôi chỉ hướng dẫn bà con diệt ốc bằng phương pháp bắt thủ công, thu gom và tiêu hủy hàng ngày, song song với đó là phải gieo cấy lại những diện tích lúa bị ốc bươu vàng phá hoại".
Theo báo cáo mới nhất của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hậu Lộc, ốc bươu vàng đang phát triển rất mạnh ở các chân ruộng vùng sâu, vùng trũng hay các mương nước với mật độ từ 80-100 con/m2, có nơi lên tới 150 con/m2. Tại Hậu Lộc, ước tính có khoảng 2.900/5.925ha lúa vừa bị ngập úng, vừa bị ốc bươu vàng phá hoại, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Ngoài ra, tại một số xã trên địa bàn huyện Quảng Xương như Quảng Đức, Quảng Yên, Quảng Thịnh…, ốc bươu vàng cũng xuất hiện với số lượng lớn. Ốc "hoành hành", tàn phá từng thửa ruộng của người dân. Loài ốc này có đặc tính là thường đi ăn vào ban đêm với tốc độ nhanh, chúng cắn ngang thân cây lúa, lá lúa, khiến cây lúa không còn khả năng phát triển và khô héo, chết dần.
Đặc biệt, Quảng Đức là một trong những xã chiêm trũng của huyện Quảng Xương, nạn ốc bươu vàng xuất hiện và tàn phá vùng đất này đã nhiều năm qua, người dân cũng có kinh nghiệm trong việc chống chọi với "giặc" ốc bươu vàng, nhưng lần này cũng đành "bó tay" với dịch ốc. Hiện, chính quyền xã Quảng Đức đã có một số biện pháp hay trong việc chống lại nạn ốc như trích ngân sách xã để thu mua ốc của bà con, phát động các em học sinh tham gia diệt ốc...
Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra là hàng trăm hecta lúa vụ mùa của bà con nông dân Hậu Lộc, Quảng Xương sẽ có nguy cơ mất trắng nếu tình trạng ốc bươu vàng không sớm được loại trừ. Vì thế, rất mong các ban ngành chức năng cùng vào cuộc, hỗ trợ người dân nơi đây phương pháp diệt ốc hiệu quả, nhanh chóng.
Có thể bạn quan tâm
Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.
Kinh tế khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh, sâu bệnh phá hoại, khí hậu thất thường... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Để thích nghi với tình hình thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, xen canh tăng vụ để thêm thu nhập. Trồng rau má xen dưới vườn điều của gia đình chị Đinh Thị Lý, tại ấp 5, xã Đồng Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) là một điển hình.
Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Mô hình ít vốn đầu tư, không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng chuồng heo, chuồng gà để che mưa, tùy vào diện tích mỗi gia đình. Khoảng 20 ngày sau khi treo phôi là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng.
Vùng Bảy Núi (An Giang) với đặc điểm địa hình bán sơn địa, khá thích hợp với các mô hình đa canh và xen canh. Hơn nữa, vườn đồi, vườn rừng núi Cấm đa số trồng nhiều loài cây, như: Xoài, mít, vú sữa, sầu riêng…là những loại cây có thể tận dụng cho dây tiêu đeo bám.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng khoảng trên 8.700 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím, các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha. Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân trên địa bàn tỉnh.