Ở Xứ Sở Thần Linh...
Xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) được người Mạ, người Stiêng nơi đây coi như “Xứ sở thần linh”...
Ở xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có rất ít hộ người Kinh sinh sống (dân ở đây chiếm đa số là người Mạ và người Stiêng). Một trong số ít đó là gia đình anh Đào Văn Đắc (sinh năm 1976) ở thôn Bù Gia Rá. Vì không có số điện thoại nên chúng tôi phải mất hai ngày mới tìm gặp được anh.
Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi thực sự khâm phục anh về sự... mạo hiểm khi quyết định tìm đến vùng rừng núi hoang vu được xem là “xứ sở của thần linh” này để mua đất, dựng nhà và làm vườn.
“Xứ sở thần linh” người Mạ, người Stiêng ở Đồng Nai Thượng vài năm trước gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Gần như biệt lập bởi lẽ, dẫu chỉ cách trung tâm huyện Cát Tiên chưa đến 40km nhưng đây là vùng rừng núi hoang vu, cách trở; muốn đến được nơi này hầu như không có bất kỳ phương tiện nào khác ngoài đôi chân.
Đào Văn Đắc bảo rằng khi lần đầu tiên anh tìm đến vùng đất Đồng Nai Thượng thì nơi này tuy đã “thông thương” với bên ngoài bằng một con đường đất đỏ nhão nhoét vào mùa mưa và bụi mù trong mùa khô nhưng vẫn còn “vắng” lắm; chỉ thấy rừng nối tiếp rừng, núi chồng lên núi; chỉ ở vùng trung tâm mới có những vườn điều lẫn trong màu xanh của cây rừng.
“Lúc đầu, nản thực sự nhưng sau đó - hơn 4 năm trước, tôi quyết định đưa vợ con từ Bảo Lộc xuống “định canh định cư” ở hẳn với bà con dân tộc thiểu số Đồng Nai Thượng” - anh Đắc nhớ lại. Dĩ nhiên, không phải là người dân tộc thiểu số nên gia đình anh Đào Văn Đắc không thuộc diện ưu tiên từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước đầu tư cho Đồng Nai Thượng.
Bởi vậy, anh cứ phải gom vốn, tích cóp từng đồng, nhượng lại đất đai để trồng tỉa, dựng nhà... “Lúc đầu, dĩ nhiên là vất vả, nhưng vui là ngay từ đầu, tôi xác định được cho mình hướng phát triển kinh tế gia đình bằng chính cây cà phê, rồi gần đây là cây tiêu...”.
Chúng tôi phóng tầm mắt về phía vườn cà phê đang nở hoa trắng muốt, hỏi chủ nhân: “Cà phê bước sang năm thứ 4 chưa?”. Đắc cười: “Ôi, chưa đâu anh!”.
Chị Phan Thị Nụ (cùng sinh 1976), vợ anh Đắc, trả lời thêm thay chồng: “Nhà em chỉ mới trồng hồi tháng 6 năm ngoái đấy anh ạ! Nghĩa là nay chỉ mới được một năm rưỡi thôi. Đất này hợp với cây cà phê lắm. Ấy nhưng hồi mới lên đây, em nghe người ta cứ bảo Đồng Nai Thượng không trồng được cây cà phê. Ngoài 6 sào cà phê trong vườn này, nhà em còn có 2 ha ở thôn Đạ Kọ; năm vừa rồi thu được cũng kha khá...”.
Anh chồng giải thích: “Ở Đồng Nai Thượng, không phải chỗ nào cũng trồng được cây cà phê. Qua tìm hiểu một thời gian dài, giờ thì ở đây, tôi biết chỗ nào trồng cà phê được, chỗ nào không”. Thấy chúng tôi đưa mắt về phía xa hơn - phía bên kia vườn cà phê, anh Đắc nói như giải thích: “Cùng với cây cà phê, gia đình tôi cũng đã xuống giống khoảng 2.500 cọc tiêu ngay trong vườn (tương đương 2ha)”. Nói xong, anh Đắc bảo chúng tôi: “Đi ra đó tham quan vườn tiêu tí, anh nhé!”.
Vườn tiêu của anh có hai loại tuổi - loại hai năm rưỡi và loại 6 tháng tuổi. Vừa đi, anh Đắc vừa nói: “Ít vốn nên ban đầu tôi trồng 600 trụ rồi sau đó chờ tiêu đủ tuổi mới tách dây phát triển thêm”.
Về lý thuyết, cây tiêu sau khi trồng khoảng 5 - 7 năm mới cho thu hoạch nhưng ở đây, vườn tiêu 600 gốc trồng 2,5 năm của anh Đắc đã ra trái bói đặc quánh.
Anh Đắc nói thêm: “Tiêu kinh doanh, mỗi trụ cho khoảng 7 - 9 kg. Riêng mấy trăm gốc đang bói này, vụ này chắc tầm 3 - 4 kg/trụ”. Tôi nhẩm tính: Với giá tiêu khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg như hiện nay, mùa tiêu bói này của gia đình anh Đắc đã có một khoản thu nhập hoàn toàn không nhỏ.
Anh Đắc tỏ ra khá lạc quan: “Vốn là một người học trường y, không dính dáng gì đến cây cà phê hay cây tiêu nhưng qua học hỏi ở sách vở và ở những người có kinh nghiệm đi trước, tôi tin vườn tiêu và vườn cà phê này sẽ mang lại cho tôi những kết quả như mong đợi”.
Điều đáng quý khác, ngoài việc chứng minh rằng hai loại cây trồng tiêu và cà phê hoàn toàn đứng chân được trên đất Đồng Nai Thượng, anh Đắc còn là người “cầm tay chỉ việc” một cách hoàn toàn tự nguyện cho bà con dân tộc thiểu số ở đây.
Ở “xứ sở thần linh” Đồng Nai Thượng, vườn tiêu của anh Đào Văn Đắc là vườn tiêu đầu tiên được các yàng (thần) của người Mạ, người Stiêng chấp nhận... cho ở lại. Hơn thế, cứ nói theo lời của già làng K’Lộc thì các yàng còn bảo bà con dân tộc thiểu số mình phải học cái làm của người Kinh tên Đắc ấy trồng cái cây cà phê, trồng cái trụ tiêu thì sẽ không còn đói, không còn nghèo.
Cứ một dây tiêu giống, anh Đắc bán với giá bình quân 15.000 đồng. Nhưng với riêng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Đắc cũng bán 15.000 đồng nhưng tặng thêm một dây giống. Ví dụ, ai mua 50 dây giống, anh Đắc bán với giá 15.000 đồng/dây nhưng tặng thêm 50 dây. Hơn thế, Đắc còn đến tận vườn của bà con để hướng dẫn cách trồng, cách chăm bón...
“Giờ thì ở đây cũng đã có một số hộ bà con dân tộc thiểu số bắt đầu trồng cây tiêu, cây cà phê rồi. Và cứ vài hôm, tôi lại đến đó để xem xem nó phát triển như thế nào; xem bà con làm cỏ, bón phân ra sao...”. Rồi, anh Đắc bỗng trở nên xa xăm: “Trình độ canh tác của bà con mình hiện còn yếu lắm. Họ mà thất bại, tôi sẽ là người có lỗi trước tiên”.
Kỹ sư nông nghiệp Đào Duy Mai, Bí thư xã Đồng Nai Thượng, nói: “Ở xứ sở này mà có được mô hình cà phê, mô hình tiêu như anh Đào Văn Đắc là quý lắm. Càng quý hơn khi anh ấy không chỉ làm cho riêng mình mà còn giúp bà con và đồng thời là giúp xã phát triển mô hình.
Tôi hy vọng trong tương lai không xa, từ mô hình của gia đình anh Đắc, cà phê và tiêu là hai mô hình sẽ được phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Nai Thượng”.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/o-xu-so-than-linh-post135912.html
Có thể bạn quan tâm
Nói đến sự biến động về giá gà lông màu, không nơi nào nhạy cảm hơn thủ phủ gà đồi Bắc Giang. Gặp người chăn nuôi tại những vùng gà lớn như Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, chúng tôi cảm nhận rõ sự ngỡ ngàng, nuối tiếc của người chăn nuôi khi giá gà đột ngột lao dốc không phanh.
Chuyến cá ngừ đầu tiên được ngư dân tỉnh Bình Định đưa sang bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá Osaka (Nhật Bản) không được như kỳ vọng. Đây là chuyến hàng đầu tiên áp dụng quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản nên chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Thế nhưng, từ đó cũng đặt ra nhiều vấn đề với ngư dân và chính quyền tỉnh Bình Định.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, từ tháng Sáu đến nay, xuất khẩu thủy sản liên tục tang, từ mức xuất khẩu 38 triệu USD trong tháng Sáu đã tăng lên 49 triệu USD trong tháng Chín vừa qua.
Một số người đang tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc đợi giá xuống thấp. Trong khi chuỗi nhà hàng lớn có thể bỏ các món liên quan đến tôm hùm thì các nhà hàng nhỏ tìm kiếm các cách “sáng tạo” từ loài này.
Theo khảo sát, 75,1% người tiêu dùng ăn hải sản không vì thích mà do giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, các sản phẩm thủy sản nên nhấn mạnh đến chức năng dinh dưỡng. Angels Segura, phụ trách lĩnh vực thủy sản của AECOC, khuyến khích tập trung vào sự hấp dẫn và dễ nấu của các sản phẩm thủy sản.