Ở Cơ Sở Sản Xuất Giống Lợn Lớn Nhất Tỉnh
Với tổng đàn duy trì từ 550 đến 600 nghìn con mỗi năm, lợn đang là loài vật nuôi chính của Thái Nguyên, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho người dân trong tỉnh (mỗi năm tỉnh ta cung cấp cho thị trường 70-80 nghìn tấn lợn hơi).
Trong khi đó, đối với chăn nuôi, con giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Để có được nguồn giống tốt, tỉnh đã duy trì Trại giống lợn Tân Thái, nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng hơn 30 năm (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Giống vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT).
Ban đầu chỉ là cơ sở cung cấp giống lợn ta, lợn lai nhưng từ 1990 đến nay, Trại lợn Tân Thái đã cung cấp cho thị trường trong tỉnh các giống lợn ngoại chất lượng cao.
Thời điểm này, toàn tỉnh có tới trên 160 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ sản xuất được lợn giống thương phẩm bao gồm giống lợn địa phương, lại lai, lợn ngoại chứ không sản xuất được lợn giống "bố mẹ" như Trại giống lợn Tân Thái.
Trước đây, cơ sở vật chất của Trại rất thiếu thốn, khu chăn nuôi lợn giống chưa được đầu tư nhiều. Nhưng từ năm 1999, được Nhà nước đầu tư nâng cấp chuồng trại, đơn vị đã có thể nuôi 200 nái giống "ông bà", tăng 150 con so với trước đó.
Đầu năm 2014, khu chăn nuôi lợn nái tiếp tục được cải tạo, nâng cấp với số tiền 6,6 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Dự kiến khi khu chuồng trại này đưa vào sử dụng, tổng số đàn nái "ông, bà" của Trại cũng sẽ tăng lên 500 con.
Ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi cho biết: Thành công lớn nhất của Trại là từ năm 1990, đơn vị bắt đầu nuôi được giống lợn "ông bà" Yorkshire và Landrace. Giống Yorkshire là dòng lợn của nước Úc, có ưu điểm tăng trọng nhanh, ít mỡ, nhiều nạc, dễ nuôi dưỡng chăm sóc và có khả năng thích nghi cao với môi trường nhiệt đới nóng ẩm nước ta.
Landrace là giống lợn có xuất xứ từ Đan Mạch, có nguồn gốc lai tạo từ lợn Yuotland Đức và Yorkshire. Lợn nái đẻ từ 10 -12 con/lứa, nuôi con khéo. Trọng lượng trưởng thành con đực đạt 270-400kg/con, con cái 200-320kg/con. Từ những con giống "ông bà" này, Trại đã tạo ra được con giống "bố mẹ" chất lượng tốt.
Ngoài ra từ năm 2012 đến nay, Trại còn sản xuất được con đực giống thuộc dòng cao sản như Duroc, bắt nguồn từ vùng đông Bắc nước Mỹ; Patent của châu Âu… cung cấp cho các trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ trong tỉnh (mỗi năm cung cấp trên 100 con đực giống) sản xuất con giống thương phẩm.
Mỗi năm Trại Giống lợn Tân Thái cung cấp 1.000 con giống bố mẹ, 3.000 giống thương phẩm ra thị trường. Điều đáng nói là nhờ kỹ thuật, phòng dịch nghiêm ngặt nên chất lượng con giống của Trại rất tốt, không bị nhiễm bệnh. Thức ăn Trại tự tạo - tự mua nguyên liệu chế biến phối trộn nên kiểm soát được sự lây nhiễm, cũng vừa giảm được giá thành.
Chị Hứa Thị Hợp, một người dân ở xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) cho biết: Tôi đã từng mua lợn thương phẩm của Trại giống Tân Thái về nuôi. Tôi thấy chất lượng con giống ở đây rất đảm bảo, lợn nhanh lớn, có thể 3 tháng cho xuất chuồng. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp 2,4- 2,5kg thức ăn/1kg tăng trọng, tỷ lệ nạc cao.
Tính ra giảm chi phí đầu tư nhưng tăng được giá trị thương phẩm. Có thể thấy, những năm qua, 14 cán bộ, công nhân viên, lao động của Trại giống lợn Tân Thái đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là sản xuất, cung cấp lợn giống "bố mẹ" cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng con giống đơn vị sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi, hằng năm, tỉnh ta vẫn phải nhập khẩu con giống "ông bà, bố mẹ" hay còn gọi là giống gốc, giống thuần từ các tỉnh ngoài về.
Do nguồn cung cấp con giống gốc, giống thuần cũng như giá bán trên thị trường không ổn định đã gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn của người dân trong tỉnh.
Theo lộ trình, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ lợn nái ngoại, nái lai lên 60% tổng đàn. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi khu chuồng trại chăn nuôi lợn nái của Trại đưa vào sử dụng thì mỗi năm, tỉnh ta cũng chỉ sản xuất được 2.500 con giống "bố mẹ", trong khi nhu cầu thực tế của người dân đến năm 2020 cần tới 30 nghìn con.
Bởi vậy, để Trại giống lợn Tân Thái đáp ứng được nguồn cung ứng con giống "bố mẹ" cho người dân, tỉnh ta nên tiếp tục có các lộ trình nâng cấp cơ sở vật chất. Trong đó, quy mô lớn hơn hiện nay rất nhiều.
Đặc biệt, nên đầu tư theo kiểu hiện đại, đúng tiêu chuẩn một cơ sở giống như sàn của khu vực chăn nuôi bằng nhựa, có hệ thống làm mát trong vách, phun sương, kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm không khí…
Trên thực tế, điều kiện môi trường chăn nuôi theo công nghệ cao sẽ trách được rủi ro về dịch bệnh, tạo ra được những con giống tốt, khỏe mạnh …
Có thể bạn quan tâm
Chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai - Lào Cai) từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) tụ hội về đây. Đến thăm phiên chợ độc đáo này, chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” nhiều mẩu chuyện vui.
Năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay. Nếu không khắc phục những tồn tại này, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%.
Dọc quốc lộ 1 tại khu phố Lương Hòa (thị trấn Lương Sơn - Bắc Bình - Bình Thuận) dễ dàng nhận thấy đàn bò béo tròn bên ruộng cỏ voi xanh mơn mởn thay cho ruộng hoa màu kém hiệu quả trước đây. Đó là mô hình trồng cỏ nuôi bò của các hộ dân nơi đây.
Huyện Đơn Dương là nơi nghề chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 8.600 con. Trên địa bàn huyện này có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những gia đình nuôi bò sữa mới phát sinh.
Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".