Trồng Xoài GlobalGAP - Vươn Ra Thị Trường Thế Giới
Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.
Hiện nay huyện Cao Lãnh có 3.521 ha xoài, đa phần là xoài cát Chu và xoài Cát Hoà Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Sau gần 2 năm thực hiện, hơn 21 ha xoài của 25 hộ thuộc HTX Mỹ Xương đã được Công ty Cafe Control Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang Niu Dilân với diện tích 33,2ha/40 hộ.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn. Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.
Ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho năng suất cao 10 - 12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5 ha trồng xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Từ Trọng Khôn, xã viên HTX chia sẻ: trồng xoài GlobalGAP vất vả hơn bình thường ở khâu bao trái, nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nhà vườn; nhất là trái xoài có mẫu mã đẹp, bán giá cao, sản phẩm có đầu ra ổn định là nguyện vọng của người nông dân. Với giá thu mua từ 20.000 đồng/kg đối với xoài cát Chu, 50.000 đồng/kg đối với xoài cát Hòa Lộc, nông dân trồng xoài theo GlobalGAP giá bán cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, nhiều công ty liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ với HTX, trong đó Công ty Sanatra của Nhật Bản đặt mỗi tuần vài tấn xoài cát Hòa Lộc và yêu cầu cung cấp liên tục trong năm. Tuy nhiên, HTX vẫn chưa có đủ nguồn hàng cung cấp theo đơn các hợp đồng. Hiện HTX đang vận động, hướng dẫn xã viên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP, sắp xếp lại lịch thời vụ để đảm bảo nguồn cung.
Để khẳng định thương hiệu xoài Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo tổ chức, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản GAP trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Cao Lãnh nói riêng; hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP; triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp”.
Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP cho lãi từ 100-200 triệu đồng/ha, theo nguyên tắc: hạn chế sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, có sổ ghi chép, tổ dịch vụ...
Có thể bạn quan tâm
Rồng đất (còn gọi là kỳ tôm hay càng tôm) sống trong môi trường hoang dã, là đặc sản của các nhà hàng ở Tây Nguyên thời gian gần đây.
Thông tin từ UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang), Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu cho HTX chăn nuôi thỏ Hợp Thành (Sơn Động).
Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.