Nuôi vẹm trái phép trên sông Quán Trường
Bè thả dày đặc
Men theo con đường nhỏ từ cầu Bình Tân, đoạn qua dự án chỉnh trị sông Tắc - sông Quán Trường đến gần đường Phong Châu, chúng tôi chứng kiến trên khúc sông này có hàng trăm bè nuôi vẹm trái phép nằm san sát nhau. Có bè quy mô kết dài đến hàng trăm mét, rộng mấy chục mét, phủ dày đặc cả đoạn sông.
Ông Huỳnh Nam, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái cho biết, đoạn sông này là nước lợ, vốn có rất nhiều vẹm sinh sống nên người dân thường khai thác tự nhiên bán kiếm tiền. Từ 2 năm trở lại đây, một số người dân đã làm các bè tre, căng cước, gắn thêm các loại lưới cũ thả xuống sông và neo nổi bằng bao cát và phao xốp để nhử vẹm. Vẹm sẽ bám vào giá lưới phát triển, sau khoảng 2,5 tháng thì thu hoạch. Bằng cách này, người dân thu hoạch được rất nhiều vẹm. Mỗi hộ làm từ 30 đến 100 ô bè để thu hoạch theo kiểu xoay vòng. “Đầu tư mỗi bè chỉ chừng 2,5 triệu đồng, nếu vẹm đóng dày, chỉ cần thu hoạch đợt đầu thì hòa vốn. Những đợt sau bắt đầu có lãi. Đến kỳ thu hoạch, có hộ mỗi ngày thu nhập được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng”, ông Nam nói.
Do thu nhập khá, từ chỗ ban đầu chỉ có vài hộ làm bè nhử vẹm, đến nay, khu vực này đã có hơn 100 hộ làm với hàng trăm bè lớn nhỏ. Ngoài bè nuôi vẹm, một số người dân còn dựng lán trại ngay trên mép sông hoặc ngay trên bè để trông coi. Một số hộ thả bè có quy mô lớn còn thuê hàng chục người để thu hoạch vẹm. Các hộ tự đánh dấu, phân chia mặt nước với nhau bằng cách cắm cọc. Ông T., một người dân đang khai thác vẹm ở đây cho biết, việc khai thác khá dễ dàng nên một người có thể khai thác từ 400 đến 500kg/ngày. Vẹm sau khi khai thác có thương lái đến thu mua tại chỗ với giá từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg để làm thức ăn cho tôm hùm. “Vùng này có dòng nước chảy, đã được nạo vét cát, có độ sâu, nhiều tảo nên vẹm phát triển rất nhanh, không sợ thua lỗ. Không đầu tư nhiều, thu hoạch dễ dàng, lại cho thu nhập ổn định. Chúng tôi thấy mặt nước trống thì làm, cũng chưa thấy ai ngăn cấm cả”, ông T. nói.
Sẽ kiên quyết xử lý
Theo UBND TP. Nha Trang, khu vực người dân đang nuôi vẹm là địa bàn giáp ranh của 4 địa phương: Phước Long, Phước Hải, Phước Đồng và Vĩnh Thái. Đây là khu vực nằm trong phạm vi công trường dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường, do Ban quản lý Dự án các công trình Giao thông - Thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư, nhằm thoát lũ và cải tạo cảnh quan khu vực phía tây thành phố. Khu vực này không được quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi trồng ở đây gây cản trở dòng chảy thoát lũ và ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án, gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị. Về lâu dài, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp mặt nước giữa các hộ, dẫn đến mất an ninh trật tự địa phương.
Người dân chở bao cát neo bè nhử vẹm
Ông Nguyễn Thanh Hy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, qua tìm hiểu xác minh, người dân nuôi vẹm trên sông đến từ nhiều địa phương khác nhau trong và ngoài tỉnh. Do khu vực này địa hình sông nước, xa trung tâm xã nên việc thống kê, kiểm tra, xử lý còn nhiều hạn chế. UBND phường Phước Long cũng cho rằng, địa phương gặp khó khăn vì thiếu phương tiện di chuyển trên nước, lực lượng mỏng… Vì thế, để đảm bảo xử lý dứt điểm tình trạng trên, các xã, phường liên quan đều đã có công văn kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ về lực lượng, phương tiện, phối hợp đồng bộ, đồng loạt với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.
Vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan, tiến hành kiểm tra việc nuôi vẹm trái phép tại khu vực này. Kết quả kiểm tra cho thấy, khu vực lấn chiếm mặt nước nuôi lồng bè kéo dài từ đoạn cầu Bình Tân đến đập 19/5 (xã Vĩnh Thái). UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương lập các tổ công tác buộc các hộ tháo dỡ lồng bè trước ngày 31-3. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa chấp hành, các hộ không tiến hành kê khai theo yêu cầu. Việc kiểm đếm chính xác số lồng bè do các địa phương tiến hành cũng gặp nhiều khó khăn.
Để tránh ảnh hưởng đến tài sản của người dân, cuối tháng 3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã đề nghị Ban quản lý Dự án các công trình Giao thông - Thủy lợi tỉnh tổ chức thông báo để người dân tự nguyện tháo dỡ, di dời; đồng thời, chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên Môi trường và các xã, phường tiến hành kiểm tra số lượng lồng bè trái phép, lập biên bản xử lý. Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý để bảo vệ phần đất thi công thuộc phạm vi dự án. UBND thành phố sẽ có văn bản kiến nghị tỉnh cho phép áp dụng phương án bảo vệ thi công để xử lý tình hình lấn chiếm mặt nước trái phép nuôi vẹm trên.
Có thể bạn quan tâm
Giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre cao nhất trong vòng 2 năm qua nhưng người nuôi không có để bán vì tôm chết hàng loạt do độ mặn quá cao.
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh kháng sinh cấm tại các vùng nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, người nuôi cũng phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và phát triển bền vững. Theo đó nuôi tôm theo chuẩn VietGAP là xu thế tất yếu hiện nay.
Từ năm 2012 đến nay, nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, sông Đuống thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển khá nhanh, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản của đất quan họ. Đến nay, số lượng cá lồng toàn tỉnh hiện có là 739 lồng, trong đó huyện Lương Tài là cái “nôi” nuôi cá lồng lớn nhất với 370 lồng thì riêng xã Trung Kênh có tới 308 lồng nuôi cá.