Nuôi trồng thủy sản vì sao chưa thể thực hiện đại trà VietGAP?

Chỉ là bước thử nghiệm
VietGAP được hiểu là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. Việc áp dụng VietGAP vào trong NTTS là bước cần thiết nhằm đưa nghề thủy sản Việt Nam vào khuôn khổ, từng bước tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung, góp phần thực hiện mục tiêu chung mà Bộ NN-PTNT đề ra: phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt hơn 80% số hộ nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai áp dụng bộ Quy phạm thực hành VietGAP, mặc dù đã có sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, nhiều cấp chính quyền địa phương trong triển khai, nhưng kết quả chưa cao. Khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, tính đến nay, tại BR-VT trong 4 năm qua, chỉ có 3 hộ NTTS (đều ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) áp dụng chuẩn VietGAP. Đó là cơ sở của ông Nguyễn Đăng Nhân (năm 2013), ông Đỗ Lương Tịnh (năm 2014) và mới đây, đầu năm 2015, có thêm cơ sở NTTS Mạnh Cường.
Chi phí cao, thủ tục rườm rà
Kết quả khảo sát từ nhiều hộ dân tại các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều cho thấy, khi triển khai quy trình VietGAP, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn: Cần nhiều công lao động và chi phí đầu tư cao hơn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao hơn khi nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm từ VietGAP chưa thật sự rõ ràng, thậm chí giá bán bằng với sản phẩm khác nuôi không áp dụng VietGAP.
Anh Nguyễn Đăng Nhân, chủ cơ sở nuôi tôm tại xã Phước Thuận cho biết, để đáp ứng theo các yêu cầu và điều kiện của phía công ty đánh giá chứng nhận, gia đình anh đã phải bỏ ra chi phí vài trăm triệu đồng cho việc đầu tư, cải tạo công trình, làm thêm nhà vệ sinh... Chi phí vụ nuôi vì vậy cũng tăng lên. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là khi thu hoạch tôm thương phẩm, giá bán sản phẩm nuôi từ quy trình VietGAP không cao hơn các hộ nuôi bình thường khác là mấy, thậm chí ngang giá khi xuất bán thương phẩm.
Còn theo anh Nguyễn Văn Chính, người quản lý trực tiếp tại cơ sở NTTS Mạnh Cường thì cho rằng, các thủ tục hồ sơ, sổ sách của VietGAP quá rườm rà, thậm chí có những điều, khoản trong bộ quy phạm VietGAP chỉ thật sự hợp lý và phù hợp với những hộ có vốn lớn, trong khi đại đa số người nuôi tại địa phương đều là nuôi ở mức nhỏ lẻ và trung bình, chưa kể đến cơ sở hạ tầng tại đây còn thiếu đồng bộ, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Anh Nhân cũng cho biết thêm, có một số loại phí chưa thật sự hợp lý trong đánh giá chứng nhận và gia hạn của VietGAP. Đó là phí đánh giá giám sát giữa kỳ, phí gia hạn của phía công ty đánh giá chứng nhận còn khá cao, giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong vòng 2 năm... Với các lý do nêu trên, anh Nhân cho biết gia đình sẽ xem xét và tính toán thật kỹ việc gia hạn cho cơ sở nuôi của mình vào cuối năm nay, 2015. Cũng chính từ các thủ tục rườm rà, các loại phí còn cao... đã phần nào làm nản lòng những hộ đang áp dụng và cả các hộ có ý định tham gia, từ đó sẽ khó thuyết phục người dân tham gia đại trà, anh Nhân cho biết thêm.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng 3 mô hình áp dụng tiêu chuẩn nuôi áp dụng VietGAP tại huyện Xuyên Mộc. Chi cục cũng đã tổng kết, rút kinh nghiệm và có hướng đề xuất với Sở NN-PTNT kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, chỉnh sửa các bất cập nêu trên.
Có thể bạn quan tâm

20 năm là khoảng thời gian quá dài để có thể đánh giá những được - mất mà mô hình tôm – lúa mang lại. Những cách làm hay, những kinh nghiệm qua các lần thất bại, cùng những đề xuất, kiến nghị của những người trong cuộc sẽ là bài học bổ ích cho việc tái cơ cấu sản xuất vùng tôm – lúa ở Sóc Trăng được hiệu quả và bền vững hơn.

Nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi do TS Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 ngày 8-9 tại Hà Nội cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp sản xuất khi đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các nước TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp với tỷ lệ 1/500.

Không chỉ trang bị kiến thức, tư vấn làm ăn cho bà con nông dân (ND) Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh còn làm đầu mối “tiếp sức” cho bà con ND sau học nghề được tiếp cận vốn ưu đãi, ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Sau hơn hai năm triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển KTXH trên địa bàn mà OCOP đã khẳng định thương hiệu riêng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.