Nuôi Trồng Thủy Sản Trong Mùa Mưa Bão
Do ảnh hưởng của các đợt mưa lụt mới đây, nhiều hộ nuôi tôm, cua… tại phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã rơi vào cảnh trắng tay. Ngành chức năng đã khuyến cáo không tiếp tục thả nuôi trong thời gian mưa bão, nhưng với hy vọng mong manh rằng thời tiết sẽ thuận nên người nuôi đã phải gánh chịu thiệt hại.
Trắng tay sau mưa lũ
Đến phường Ninh Hà sau những ngày mưa bão dồn dập, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều người dân địa phương trắng tay bởi những đìa tôm sắp đến kỳ thu hoạch bị nước lũ cuốn sạch. Ông Nguyễn Văn Thuận (khóm Hậu Phước) rầu rĩ nói: “2 vụ nuôi trước, gia đình tôi thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Cứ tưởng thời tiết thuận lợi nên chúng tôi mới tiếp tục thả nuôi vụ Đông để mong gỡ gạc chút ít nhằm có tiền tiêu Tết, ai ngờ mưa bão dồn dập, nước lũ trắng cả vùng đìa, gia đình tôi tiếp tục trắng tay”. Vụ này, trên diện tích đìa 2ha, gia đình ông thả nuôi 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, 6.000 con cua, 3.000 con cá dìa. Số thủy sản trên đã đến kỳ thu hoạch; chỉ tính tiền đầu tư con giống, thức ăn gia đình ông đã thua lỗ hơn 70 triệu đồng.
Cách đìa ông Thuận không xa là đìa của gia đình ông Nguyễn Bình (thôn Hà Liên). Vụ này, gia đình ông Bình thả nuôi 30 vạn con tôm thẻ chân trắng, 1 vạn con cua. Số thủy sản này gia đình ông dự định sẽ thu hoạch vào dịp Tết, nhưng sau cơn bão số 13, ông bị mất trắng, ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng tiền đầu tư. “Chúng tôi đã cẩn thận gia cố bờ đìa, mua lưới để giăng cao thêm đề phòng tôm, cua thoát ra ngoài, nhưng nước lũ dâng cao đã làm bờ đìa sạt lở, thủy sản nuôi hơn 2 phần trôi ra sông, biển; số còn lại vì tỷ lệ nước ngọt trong đìa cao nên cũng chết hết”, ông Bình cho hay. Tương tự, gia đình ông Trần Văn Âu (thôn Mỹ Thuận) cũng rơi vào cảnh trắng tay khi 40 vạn tôm thẻ chân trắng và 20 vạn tôm đất đã trôi theo nước lũ.
Theo thống kê của UBND phường Ninh Hà, thiệt hại do cơn bão số 13 tại địa phương này khá lớn, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Toàn phường có 420ha ao đìa nuôi tôm, cua, cá bị ngập trong nước lũ, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 13, nhiều địa phương ở thị xã Ninh Hòa cũng bị thiệt hại nặng, đơn cử như xã Ninh Phú có gần 50ha đìa nuôi thủy sản bị thiệt hại do mưa bão.
Không tuân thủ lịch thời vụ
Theo lịch thời vụ thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng năm nay, người dân bắt đầu nuôi vụ 1 từ đầu tháng 3, vụ 2 phải kết thúc trước tháng 11. “Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao, chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, tất cả các ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú cần được thu hoạch xong chậm nhất là trong tháng 10 để tránh những thiệt hại do mưa bão gây ra”, ông Huỳnh Kinh Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết.
Thực tế, không ít hộ nuôi tuy đã xác định nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão sẽ gặp rủi ro cao, dễ mất trắng nhưng vẫn tiếp tục nuôi. Ông Trần Văn Âu lý giải: “Những năm trước, mùa mưa bão không có nhiều hộ thả nuôi. Những hộ thả nuôi thì cũng nuôi với số lượng ít nên thiệt hại không đáng kể. Năm nay, do 2 vụ nuôi chính đều thất bại (tôm chết vì thời tiết và dịch bệnh) nên chúng tôi mới thả nuôi vụ lỡ mong gỡ gạc chút ít để có tiền trả nợ và tiêu Tết. Ai cũng nghĩ thời tiết thuận lợi, ngờ đâu bão lụt thế này”. Tương tự hộ ông Âu, hầu hết người nuôi tôm, cua tại phường Ninh Hà đều không tuân thủ lịch thời vụ nên đã bị thiệt hại lớn do cơn bão số 13 vừa qua.
Không chỉ vậy, tuy lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản đã được phổ biến nhưng trong kế hoạch sản xuất của mình, địa phương vẫn tổ chức nuôi trồng thủy sản trong vụ Đông (khoảng từ tháng 9 đến tháng 12). Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cho biết: “Trong kế hoạch sản xuất vụ Đông, địa phương sẽ thả nuôi 358ha thủy sản, chủ yếu tập trung ở những vùng đìa cao. Tuy nhiên, do diễn biến khó lường của thời tiết, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lại gặp triều cường nên hầu hết diện tích nuôi trồng thủy sản đều bị thiệt hại”. Bên cạnh diện tích nuôi tôm, cua theo kế hoạch của địa phương, diện tích người dân nuôi trồng tự phát ở những chân đìa thấp (hơn 60ha) cũng bị thiệt hại nặng.
Điều mà người dân và chính quyền địa phương hết sức lo lắng là sau nhiều vụ nuôi thất bại trong năm 2013, nhiều hộ đã cạn vốn, không đủ vốn để tiếp tục thả nuôi trong năm 2014. “Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do cơn bão vừa qua. Đồng thời, kiến nghị các tổ chức tín dụng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ; tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư nuôi trồng thủy sản trong năm 2014”, ông Nguyễn Bình chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ông Hồng cho biết, trước đây vì chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật và kinh nghiệm chọn lươn giống nên mô hình chăn nuôi lươn của ông đã từng gặp thất bại. Con giống không đảm bảo khiến lươn hay bị bệnh rồi chết dần. Đến nay nhờ học hỏi thêm kinh nghiệm, ngoài đảm bảo nguồn lươn thương phẩm ông còn có thể cung ứng lươn giống cho người có nhu cầu nuôi lươn.
Nhờ thời tiết thuận lợi, mẻ lưới đầu năm, bà con ngư dân Quảng Ngãi đã trúng đậm mùa cá cơm. Theo con tàu QNg 44218TS của ông Võ Hải, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ rẽ sóng ra khơi đánh phiên biển đầu năm. Trên con tàu không khí rộn ràng, nụ cười hiện rõ trên khuôn mặt của những ngư dân nơi đây.
Sáng sớm mùng 4 Tết, chúng tôi xuôi về cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) và cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trên cửa biển hàng chục tàu thuyền các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa máy nổ ầm ầm đang tiến vào cập bến cảng, trên khoang tàu chất đầy ắp các loại cá ve, cá chim giang, cá đù, cá lẹp, cá cơm, cá bục bịch, cá hố, cá ngạnh, cá trích, cá cam, tép biển, và các loại ốc, ghẹ, sò lông…
Không chỉ có gà trống, mà trứng gia cầm hiện cũng được các tiểu thương đẩy lên gần 1 ngàn đồng/quả so với ngày thường. Tuy nhiên, giá trứng tại các siêu thị chỉ ở mức tăng nhẹ từ 2-4 ngàn đồng/chục nhờ chương trình bình ổn giá dịp tết. Cụ thể, giá trứng gà được bán ở chợ từ 2-2.5 ngàn đồng/quả, trứng vịt từ 3-3.5 ngàn đồng/quả nhưng vẫn hút khách.
Về nơi đây, đi đến đâu cũng thấy nhà nhà đóng chuồng nuôi dê, hộ nuôi ít nhất 5 - 10 con, có hộ nuôi nhiều lên đến hàng trăm con. Nơi đây nổi danh là vùng nuôi dê lâu đời, tận dụng các thế mạnh tự nhiên của địa phương như vùng cỏ rộng, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của đàn dê.