Nuôi trâu - độc đáo nghề truyền thống ở Hớn Quản Bình Phước
Nông dân trên địa bàn huyện đã tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế đồng cỏ tự nhiên để phát triển nghề chăn nuôi trâu.
Tuy nhiên, chủ yếu dừng lại ở quy mô gia đình nhỏ lẻ theo tập quán truyền thống, chăn thả tự nhiên, chưa áp dụng công nghệ hiện đại.
Trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất trang trại Ba Ven ở ấp 4, xã Minh Tâm chăn nuôi trâu quy mô lớn.
Chăn nuôi trâu ở Hớn Quản hiện nay chủ yếu vẫn là quy mô hộ nhỏ lẻ và tự phát
Sự xuất hiện của con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước.
Ngày xưa, con trâu được xem là đầu cơ nghiệp, được nuôi để dùng làm sức kéo, sức thồ, giúp nông dân có một vụ mùa bội thu, đồng thời lấy thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” không còn.
Thay vào đó là máy cày, máy kéo phục vụ sản xuất. Mục đích chăn nuôi trâu theo đó cũng dần thay đổi theo hướng nuôi lấy thịt và sinh sản.
Tỷ phú không tiền
54 tuổi nhưng ông Điểu Cúc - một “tỷ phú không tiền” ở xã An Khương đã có 37 năm gắn bó với nghề nuôi trâu.
Gần nửa đời chăn nuôi trâu, nhưng ông vẫn áp dụng phương thức chăn thả tự nhiên trên những cánh đồng, quả đồi. Mọi kinh nghiệm chăn nuôi trâu từ ông bà, cha mẹ truyền lại vẫn được ông lưu giữ.
Chỉ khác là ông đã sáng tạo ra chiếc giằng ná để trừng trị những chú trâu không chịu nghe lời khi ra hiệu lệnh đi thành hàng.
Cách đây hơn 20 năm, khi đội ngũ thú y chưa phát triển, chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, thuốc trị bệnh cho đàn trâu của gia đình chủ yếu là lá cây được ông Cúc vào rừng hái về và hiệu quả không cao.
Ngày nay, đội ngũ thú y ra đời đã giúp ông tiếp cận cách phòng trị bệnh cho trâu một cách khoa học mà không áp dụng tập quán chữa bệnh cha ông truyền lại.
Ông Điểu Cúc cho biết: “Hồi trước, tôi nuôi trâu hay bị bệnh. Tôi kiếm thuốc lá về chữa trị cũng không hết. Giờ trâu bệnh là tôi nhờ cán bộ thú y chích sẽ hết liền”.
Từ 1 con trâu ban đầu được cha mẹ cho, hiện nay đàn trâu của ông có tổng cộng 36 con.
Ông đã chia bớt cho các con để làm vốn.
Thế nhưng ông không nắm được tổng giá trị kinh tế, chỉ biết rằng con trâu nuôi 4 năm đến tuổi sinh sản, ông có thể bán được 25 triệu đồng/con.
Bao năm gắn bó với đàn trâu, chúng đã giúp nuôi sống gia đình ông, tậu nhà, máy cày, máy kéo phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Ở Hớn Quản có khá nhiều “tỷ phú không tiền” như ông Điểu Cúc.
Còn “triệu phú không tiền” thì... đếm không xuể. Trên địa bàn huyện Hớn Quản, trâu được nuôi nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Minh Tâm 435 con, Thanh An 400 con, kế đến là An Khương 336 con.
Sở dĩ có sự phân hóa đó là do đồng bào dân tộc thiểu số thường giữ tập quán trồng lúa nước, cần sức kéo của trâu để phục vụ sản xuất. Ngày nay, máy móc đã thay thế sức kéo của trâu nhưng đồng bào vẫn nuôi.
Bởi trâu đã gắn bó với họ như người bạn thân thiết.
Tuy nhiên, nghề chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện chủ yếu dừng lại ở quy mô chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, manh mún, theo phương thức truyền thống mà chưa áp dụng công nghệ hiện đại.
Nâng tầm từ chăn nuôi trang trại
Vượt lên những tập quán cũ, các tiến bộ về nguồn giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh được trang trại Ba Ven áp dụng triệt để.
Qua đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, chủ động khống chế và kiểm soát được các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn trâu.
Trang trại lựa chọn giống trâu Ấn Độ có ưu điểm khỏe, trọng lượng lớn. Ngoài chăn thả tự nhiên, để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đàn trâu, trang trại còn trồng thêm 4 ha cỏ để dự trữ nguồn thức ăn cho trâu mẹ khi mới đẻ và cả đàn trâu vào mùa nắng.
Đồng thời trang trại còn bổ sung nguồn rơm tẩm nước muối hòa tan vào mùa nắng nhằm bổ sung một số vi chất dinh dưỡng cần thiết giúp trâu dễ tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tốt. Nhờ vậy, đàn trâu khỏe mạnh, ít có dịch bệnh xảy ra.
Qua nhiều năm phát triển chăn nuôi, đàn trâu của trang trại ngày một gia tăng. Đến nay, trang trại có quy mô hơn 200 con trâu giống Ấn Độ và trâu địa phương. Đây là trang trại chăn nuôi trâu duy nhất trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Văn Thành, người quản lý trang trại Ba Ven cho biết:
“Nuôi theo hình thức trang trại nên mình phải kỹ.
Phòng trị bệnh cho trâu 1 năm chích 2 lần, gồm tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Vào mùa mưa, nguồn cỏ cung cấp cho trâu thoải mái nhưng chúng tôi vẫn trồng cỏ thêm để dành mùa khô.
Mùa khô mua thêm rơm cho trâu ăn dặm, đào mấy cái ao ở nhà chiều về cho trâu nằm nước. Nguồn nước sạch, trâu sẽ không bị bệnh”.
Có lẽ tập quán chăn thả tự nhiên đã hằn sâu trong ký ức của người nông dân. Vì vậy, để phát triển theo hướng bền vững, ngành chức năng cần có những định hướng đối với người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản cho biết:
Diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp, gây khó khăn cho người chăn nuôi trâu.
Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn bà con chuyển đổi hình thức chăn nuôi phù hợp với tình hình hiện nay, chủ động nguồn thức ăn, chuyển đổi một phần đất nông nghiệp để trồng lại các loại cỏ có năng suất cao, nguyên liệu bảo đảm chất lượng, tận dụng triệt để phụ phẩm từ nông nghiệp cũng như công nghiệp để cung cấp thức ăn và dự trữ cho đàn gia súc.
Đồng thời, định hướng người dân chuyển đổi từ mô hình nuôi nhỏ lẻ sang nuôi công nghiệp, tập trung, trang trại, nhằm kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Nhằm phục dựng, bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, tái hiện hình ảnh con trâu gắn liền với phong tục tập quán nghề nông một thời, huyện Hớn Quản đã tổ chức hội chọi trâu hằng năm.
Lễ hội văn hóa này đã mở ra cơ hội mới cho người chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện được tiếp cận với một nghề mới cho thu nhập hấp dẫn - nghề nuôi trâu chọi.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông xuân 2014 - 2015, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc phối hợp với UBND xã Đại Cường triển khai mô hình trồng đậu phụng trên 4ha đất lúa chuyển đổi với 40 hộ dân tham gia. Qua thời gian triển khai, giống đậu phụng LDH.01 cho năng suất bình quân 120kg/sào (tương đương là 2,4 tấn/ha).
Khảo nghiệm lúa là công việc được tiến hành thường xuyên và liên tục nhằm lựa chọn các giống lúa tối ưu nhất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của địa phương để thay thế dần các giống lúa bị thoái hóa. Là huyện trọng điểm lúa của tỉnh, Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng đến công tác khảo nghiệm giống lúa mới để bổ sung và thay thế dần những giống cũ trong bộ giống lúa của huyện nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn.
Ngày 14/1/2015, UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 65/QĐ-UB về việc công nhận 3 xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch và Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2014. Đây cũng là 3 đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích sớm hơn so với lộ trình đăng ký thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CT MTQG XD NTM).
Từ một nước nghèo đói, không đủ gạo ăn, hơn 20 năm qua, với những quyết sách mạnh mẽ và thuận lợi về thị trường, “hạt ngọc Việt” đã chuyển mình, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.
Trước những biến động bất lợi của thị trường toàn cầu, CLB G20 vừa tổ chức cuộc họp “khẩn” nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường XK, nâng giá trị cho hạt cà phê VN.